Khó tăng đột biến giá lúa gạo từ nay đến sau Tết

Theo nhận định của các chuyên gia, giá lúa, gạo sẽ ổn định và rất khó xảy ra tăng giá đột biến từ nay đến sau Tết Nguyên đán.
Trong mấy ngày trước, giá bán lẻ gạo trên thị trường đã tăng khoảng 5-10%, nhưng hiện nay các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang… vào vụ thu hoạch nên sản lượng lúa cung cấp cho thị trường đã tăng lên.

Do đó giá lúa gạo đã bắt đầu ổn định. Hiện lúa tươi bán tại ruộng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có giá 5.600-5.700 đồng/kg, gạo lức giảm từ 100-200 đồng/kg so với trước, còn 7.600 đồng/kg. Theo nhận định của các chuyên gia, giá lúa, gạo sẽ ổn định từ nay đến sau Tết Nguyên đán. Vì vậy, rất khó xảy ra việc giá lúa, gạo trong nước sẽ tăng đột biến.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương cần chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam điều phối các doanh nghiệp kinh doanh lương thực chủ động nguồn hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu cục bộ trên địa bàn.

Thủ tướng đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh lương thực mua tạm trữ nửa triệu tấn gạo nhằm góp phần bình ổn giá lúa gạo trên thị trường và đảm bảo cho người nông dân có lãi ít nhất 30%. Đây là quyết sách tiếp theo của Chính phủ nhằm ổn định thị trường lương thực vào dịp cuối năm, tránh tình trạng sốt giá như năm 2008.

Về nguồn cung trong nuớc, đến cuối năm 2009, tại các kho dự trữ của Vinafood 1, Vinafood 2 là 890.000 tấn, các doanh nghiệp thành viên hơn 110.000 tấn gạo. Theo lịch thời vụ thì trong quý I/2010 sẽ có 7.000ha lúa đông xuân, 200.000ha lúa mùa được thu họach, trong quý II và III, mỗi quý sẽ có thêm từ 300.000-400.000ha lúa được thu hoạch.

Vào các ngày 1, 8 và 15-12, Philippines sẽ đấu thầu 3 gói thầu nhập khẩu gạo với thị trường chính mà họ nhắm đến là gạo của Việt Nam nhưng thời gian giao hàng kéo dài đến tháng 8-2010. Do đó nếu có trúng thầu số lượng lớn từ thị trường này thì Việt Nam vẫn đáp ứng được nguồn cung. Mặt khác, được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá lương thực, Vinafood 1, Vinafood 2 đã chỉ đạo cho hệ thống 250 cửa hàng phân phối trong hệ thống từ Đà Nẵng đến mũi Cà Mau dự trữ sẵn nguồn hàng để phục vụ.

Trong đó, riêng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có đến 48 cửa hàng với lượng gạo dự trữ khá lớn sẵn sàng tham gia bình ổn thị trường khi cần thiết. Hiện nay, Công ty lương thực Thành phố Hồ Chí Minh đã tung hàng và giảm giá đồng loạt các mặt hàng gạo tại 40 cửa hàng FocopMart thuộc công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Trước động thái này đã làm hạ nhiệt giá gạo trên địa bàn và dập tắt tin đồn khan hiếm gạo làm tăng giá…

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Lương thực miền Nam, nhận định: thị trường lúa gạo Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất tốt khi Philippines liên tục 4 lần đấu thầu nhập khẩu trên 2 triệu tấn gạo; khả năng Ấn Độ sẽ nhập khẩu 3-5 triệu tấn bắt đầu từ quý II/2010; các nước Iraq, Iran và châu Phi sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu gạo...

Cũng theo ông Phong, đến hết tháng 11/2009, Việt Nam đã xuất khẩu 5,7 triệu tấn với trị giá FOB đạt hơn 2,3 tỉ USD, căn cứ các họp đồng đã ký kết, đến hết năm 2009 nước ta có thể đạt mức xuất khẩu gạo 6,1 triệu tấn với giá trị FOB đạt xấp xỉ 2,5 tỉ USD. Nguồn gạo dự trữ tại các kho của doanh nghiệp trong nước hiện còn khoảng 1,4 triệu tấn.

Từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp chỉ giao khoảng 400.000 tấn, nguồn dự trữ vẫn tồn khoảng 1 triệu tấn, đảm bảo nguồn an ninh lương thực, không gây tăng giá, hút hàng trên thị trường, nhất là vào dịp cuối năm. “Do đó, mặc dù dự báo nhu cầu lương thực tăng, giá lúa, gạo sẽ tiếp tục tăng nhưng vẫn trong giới hạn hợp lý. Vì vậy, khó có thể xảy ra sốt gạo, giá tăng đột biến như một số người suy diễn...” - Ông Phong khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục