Ngày 10/12, hàng nghìn người đã tổ chức một cuộc tuần hành lớn tại trung tâm thủ đô Lima của Peru, nhằm kêu gọi các bộ trưởng tham dự Hội nghị lần thứ 20 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-20) nhanh chóng tiến tới một thỏa thuận khí hậu toàn cầu và hướng tới mục tiêu sử dụng 100% năng lượng sạch trước năm 2050.
Khoảng 1.800 người gồm đa số là sinh viên, nhà hoạt động môi trường, công nhân, hội bảo vệ phụ nữ, nhà hoạt động chống đói nghèo và các nhóm người bản địa đã tuần hành qua các con phố ở thủ đô Lima, mang theo các tranh ápphích và băngrôn lớn với dòng chữ "100% năng lượng sạch," "Cuộc sống quý giá hơn vàng."
Cuộc tuần hành diễn ra trong không khí hòa bình với sự xuất hiện của các chú rối lớn, hay những người đi cà kheo. Một số người dân còn mặc trang phục truyền thống của Peru tham gia tuần hành. Những người biểu tình đều bày tỏ quan ngại trước tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước đưa ra những "quyết định lớn" để ngăn chặn hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Cuộc tuần hành diễn ra trong bối cảnh các quan chức đến từ 195 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã bước vào tuần thảo luận thứ hai để tìm ra các biện pháp chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây là hội nghị thường nhiên của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhằm mở đường cho việc ký kết một hiệp định khí hậu toàn cầu mang tính ràng buộc pháp lý trong hội nghị kế tiếp sẽ diễn ra tại thủ đô Paris của Pháp vào năm tới.
Tuy nhiên, như thường lệ, hiện các nước phát triển và các nước đang phát triển vẫn bất đồng về trách nhiệm trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như mức đóng góp tài chính để giúp những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất của trình trạng Trái Đất ấm lên ứng phó hiệu quả với các tác động ngày càng mạnh từ tình trạng này.
Trong một diễn biến tích cực, ngày 10/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng hoan nghênh việc Quỹ khí hậu xanh (GCF) đạt được cam kết đóng góp hơn 10 tỷ USD để giúp các nước nghèo đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông cũng bày tỏ tin tưởng điều này sẽ giúp các bên có thêm niềm tin hướng tới việc đạt được dự thảo hiệp định biến đổi khí hậu mới vào trước năm 2015 để thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020, cũng như giúp quỹ GCF đạt mục tiêu 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020.
Người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các nước sớm thực hiện những cam kết của mình, đồng thời khuyến khích sự đóng góp của chính phủ các nước khác vào quỹ chống biến đổi khí hậu.
Quỹ GCF được hình thành với mục tiêu giúp các nền kinh tế mới nổi lớn kiềm chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời giúp các nền kinh tế nghèo và đang phát triển thích ứng với những thay đổi môi trường như nhiệt độ tăng cao, lở đất và nước biển dâng. Đây được coi là "chìa khóa quan trọng" để tiến tới một hiệp định toàn cầu mới.
Trong một diễn biến khác, Mỹ ngày 10/12 đã bác bỏ khả năng sẽ ký kết với Ấn Độ một thỏa thuận cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm tới, tương tự như thỏa thuận đã ký với Trung Quốc hồi tháng trước.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi có nhiều lời đồn đoán hai nước đang chuẩn bị tăng cường hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 1/2015.
Ngày 12/11, Mỹ đã ký thỏa thuận khí hậu với Trung Quốc, theo đó Bắc Kinh cam kết sẽ cắt giảm khoảng 20% lượng khí thải vào năm 2030, còn Washington cam kết cắt giảm 26-28% khí thải vào năm 2025 (so với mức của năm 2005). Trung Quốc và Mỹ là hai nước có lượng khí thải lớn nhất thế gới, lần lượt chiếm 25% và 15% tổng lượng khí phát thải toàn cầu./.