Khởi tố 14 nghi phạm vụ lừa đảo mua bán nhà đất

Công an thành phố Cần Thơ ký quyết định khởi tố 14 nghi phạm, đồng thời mở rộng điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy mô lớn.
Ngày 20/2, đại diện Văn phòng cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an thành phố Cần Thơ (PC44) cho biết cơ quan này đã ký quyết định khởi tố 14 nghi phạm (bắt tạm giam 11 nghi phạm), đồng thời mở rộng điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy mô lớn, thông qua thủ đoạn giả mạo giao dịch mua bán nhà đất do Phan Văn Nghiệp (bầu Nghiệp, 58 tuổi), trú tại ấp Tân Phước, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng cầm đầu.

Quá trình điều tra cho thấy, bằng thủ đoạn giả mạo giao dịch, băng nhóm trên đã thực hiện trót lọt 15 vụ trên địa bàn thành phố Cần Thơ, chiếm đoạt được gần 4 tỷ đồng; 22 vụ khác tại các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chiếm đoạt trên 6 tỷ đồng.

Hiện PC 44 đang tiếp tục mở rộng điều tra truy bắt thêm một số nghi can có liên quan khác.

Thủ đoạn của băng nhóm này rất tinh vi, chúng móc nối nhau, tổ chức thành từng nhóm nhỏ để thực hiện hành vi lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tiền đặt cọc mua bán nhà đất.

Hàng ngày, các nghi phamj theo dõi thông tin của những người cần mua và bán nhà, đất, sau đó bố trí thành hai nhóm, nhóm mua nhà đất và nhóm bán nhà đất, mỗi nhóm có từ hai đến ba người.

Khi tiếp cận được mục tiêu là người môi giới mua, bán nhà đất, nhóm mua sẽ đồng ý mua nhà đất mà chúng đã thỏa thuận với chủ nhà đất để kê giá lên cao hơn thực tế.

Sau đó, các nghi phạm cho người đóng giả là người mua nhà đất, trong vai các đại gia ở Thành phố Hồ Chí Minh đi ôtô rất sang trọng đến gặp chính chủ nhà đất.

Nhóm này dùng thủ đoạn gửi lại một số tiền đặt cọc với mức từ 50 đến 100 triệu đồng, rồi đến gặp người môi giới nói chủ nhà đất yêu cầu đặt cọc lớn hơn (thông thường từ 400 triệu đồng trở lên) và đặt vấn đề mượn thêm tiền của người môi giới.

Khi nạn nhân cùng chủ đất làm hợp đồng đặt cọc xong, các nghi phạm “biến mất” hoặc để quá thời gian hợp đồng giao kết, do vậy đương nhiên là bị mất tiền đặt cọc, trong đó có cả tiền của người môi giới cho mượn để đặt cọc.

Những giấy tờ chúng đưa ra và điện thoại liên lạc là địa chỉ "ma" và số điện thoại khuyến mãi. Số tiền lừa đảo sau khi chiếm đoạt được, các nghi phạm chia cho chủ nhà đất một phần, trừ số tiền “nhử mồi” để đặt cọc, phần còn lại chia nhau tiêu xài.

Vụ án đang được tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ./.

Trần Khánh Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục