Không có cản trở về FTA giữa EU với các nước ASEAN

Không có một cản trở nào đối với tiến trình đàm phán FTA giữa EU với các nước ASEAN hay Việt Nam dựa trên Quy chế thị trường.
Tại cuộc họp báo của phái đoàn châu Âu bên lề Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN 42 ngày 27/8 tại Đà Nẵng, Cao ủy Thương mại châu Âu (EU) Karel De Gucht khẳng định không có một cản trở nào đối với tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa EU với các nước ASEAN cũng như giữa EU với Việt Nam dựa trên Quy chế thị trường.

Hiện cả EU và Việt Nam đều thấy được những tiến triển rất nhanh chóng liên quan đến việc Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí của nền kinh tế thị trường. Về phía EU, quyết định về tiêu chí thị trường không phải là quyết định mang tính chính trị mà chỉ là quyết định mang tính kỹ thuật.

Những tiến triển có thể thấy rất rõ trong tiêu chí thứ nhất của Quy chế thị trường mà Việt Nam đã đáp ứng được là “mức độ can thiệp của chính phủ đối với những quyết định của doanh nghiệp”- ông Karel De Gucht khẳng định.

Việc đàm phán quy chế mậu dịch tự do ASEAN sẽ giúp Việt Nam thỏa mãn các quy chế thị trường do EU đặt ra. Hiện EU mới công nhận Việt Nam đạt 1/5 tiêu chí của quy chế thị trường. Vào tháng Chín tới, tại Hà Nội sẽ diễn ra cuộc họp ở cấp tổ công tác liên quan đến vấn đề nền kinh tế thị trường đối với Việt Nam.

Về triển vọng đàm phán FTA giữa EU và Việt Nam, ông Karel De Gucht cho biết hiện Việt Nam và EU đang trong giai đoạn thăm dò những nội dung quan trọng có thể đưa ra đàm phán FTA.

Dự kiến, giai đoạn thăm dò này sẽ kết thúc vào cuối năm 2010 để có thể bắt đầu vòng đàm phán FTA. Đây cũng là mong muốn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong buổi tiếp kiến Phái đoàn EU tháng 3/2010.

Tuy nhiên, về tiến triển đàm phán FTA giữa EU và ASEAN ở cấp độ khu vực, ông Karel De Gucht khẳng định tại thời điểm này, có hai lý do khiến việc đàm phán về mặt khu vực với khu vực giữa EU và ASEAN không thể xảy ra.

Lý do thứ nhất mang tính chính trị liên quan đến vấn đề Myanmar. Lý do thứ hai liên quan đến kinh tế. Cụ thể, 10 nước thành viên ASEAN không ở cùng một mức độ phát triển kinh tế như nhau khiến EU cảm thấy rất khó cho việc tạo ra một “công thức” chung cho tất cả các nước này.

Trong các tháng tới, EU sẽ khởi động đàm phán FTA với một số nước ASEAN khác, trừ ba nước không tham gia là Lào, Campuchia và Myanmar. Cách tiếp cận song phương trong đàm phán FTA là bước đi đúng đắn giữa EU và các nước ASEAN để có một khu vực tự do mậu dịch. EU hy vọng rằng, khu vực ASEAN sẽ được hợp tác chặt chẽ hơn, nhanh hơn để EU và ASEAN có thể thành công trong mục tiêu đàm phán FTA ở cấp khu vực.

Cũng theo ông Karel De Gucht, EU mong muốn gắn chặt mạnh mẽ hơn nữa về mặt chính trị và kinh tế với khu vực ASEAN bởi khu vực này đang trở thành một trong những khu vực năng động nhất thế giới. “Người dân của khối EU và ASEAN sẽ được hưởng lợi nếu hai khối thắt chặt các mối liên hệ thương mại trong những năm tới.”

Hiện EU và Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho vòng đàm phán thứ 9 Hiệp định đối tác toàn diện (PCA) dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới để có thể hoàn tất việc ký PCA EU-Việt Nam vào cuối năm 2010. Kết thúc vòng đàm phán thứ 8, hai bên đã thống nhất được 50/60 điều khoản đưa ra.

Theo nhiều chuyên gia, PCA là Hiệp định toàn diện, bao gồm quan hệ đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, hợp tác phát triển và văn hóa. PCA cũng được ngầm hiểu như là điều kiện tiên quyết đối với các nước ASEAN trong việc đáp ứng đủ điều kiện để có thể tiến tới đàm phán và ký FTA với EU.

EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN (sau Trung Quốc) với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2009 đạt 118 tỷ euro, chiếm hơn 5% tổng thương mại của EU. EU cũng là nhà đầu tư lớn nhất khu vực ASEAN chiếm 24,5% tổng giá trị đầu tư, đứng trên Nhật Bản (15%) và Mỹ (8%).

Chính vì vậy, việc đàm phán FTA sẽ mang lại cơ hội nhiều hơn nữa cho việc tiếp cận thị trường EU của các nước ASEAN trong đó có Việt Nam. Hiện nay, hầu hết các hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào EU đang được hưởng các Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

EU đang là một trong ba nhà tài trợ lớn nhất của Việt Nam với khoảng hơn 1 tỷ ruro mỗi năm và là một trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều luôn tăng trưởng ở mức từ 15-20%/năm./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục