Trước thông tin cho rằng hành tím Vĩnh Châu, Sóc Trăng dùng chất bảo quản, thậm chí cả thuốc trừ sâu, gây ra mù mắt với nhiều người ở địa phương này, cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng khẳng định thông tin là không chính xác.
Vĩnh Châu - Sóc Trăng được coi là “thủ phủ” hành tím lớn nhất cả nước. Trung bình mỗi năm, người dân thị xã trồng từ 6.000-7.000ha hành tím, cho sản lượng từ 120.000-130.000 tấn hành. Những ngày gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng nhiều người dân ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng bị mù lòa do hành tím hoặc do chất bảo quản hành tím. Vậy thông tin trên có phản ánh đúng thực trạng tại địa phương?
Theo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Châu là địa phương có số lượng người mù nhiều với gần 600 người mù, chiếm gần 1/3 số lượng người mù cả tỉnh Sóc Trăng (khoảng 1.800 người).
Số liệu của Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng năm 2013 cho thấy, gần 65% người mù ở Vĩnh Châu là do đục thủy tinh thể ở người già, trên 8% người mù do bị đục thủy tinh thể từ các nguyên nhân khác, 27% người mù còn lại là do sẹo giác mạc, loét giác mạc, mù do bệnh nổ mắt, quặm mi, teo nhãn cầu, bị võng mạc dịch kính...
Nhiều người khi mới bị bệnh về mắt đã không điều trị kịp thời, để lâu ngày không chữa trị hoặc tự ý điều trị bằng lá cây đắp lên mắt dẫn đến bệnh càng nặng thêm.
Cũng theo Sở Y tế Sóc Trăng, có đến 98,7% người dân bị mù thường xuyên sử dụng nguồn nước chưa được xử lý trong sinh hoạt hàng ngày.
Trao đổi về tình hình người mù ở Vĩnh Châu, bác sỹ Trần Thanh Phong, Trưởng trạm Y tế xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu cho biết nguyên nhân chính của thực trạng này là do ảnh hưởng của vấn đề vệ sinh môi trường, người dân chưa có ý thức tốt về công tác phòng bệnh nên khi bị bụi bay vào mắt không vệ sinh đúng cách, gây viêm nhiễm lại không chữa trị kịp thời dẫn tới ảnh hưởng thị giác.
Ông Phan Tấn Phát, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Châu (cũ), nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng khẳng định không có mối liên hệ nào cho thấy số người mù ở Vĩnh Châu cao là do hành tím và do người dân dùng thuốc bảo quản hành tím.
Những năm 2005-2006, thông tin đưa nhiều về vụ “Xóm mù Đại Bái,” những “làng mù” ở Vĩnh Châu…, Sở Y tế Sóc Trăng đã có khảo sát và có công văn gửi về Bộ Y tế khẳng định không thấy có sự liên quan nào giữa người trồng hành, lưu trữ hành, ủ phấn hành và các bệnh về mắt hay tình trạng mù lòa trên quy mô toàn huyện Vĩnh Châu. Chủ yếu các bệnh về mắt là do các nguyên nhân khác như mù lòa do lớn tuổi, do chấn thương, bụi cát, viêm kết mạc, giác mạc không được xử lý đúng cách, điều trị kịp thời dẫn đến mù lòa.
Trong những ngày gần đây, thông tin đưa nhiều về vấn đề người mù, nhưng chủ yếu là số liệu cũ. Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Vĩnh Châu cho biết, thị xã đã chỉ đạo đơn vị chức năng rà soát lại số người mù trên toàn thị xã, khảo sát nguyên nhân dẫn đến tình trạng mù lòa và sẽ sớm có kết luận chính thức trong thời gian tới.
Trên thực tế, nhiều người bị mù ở Vĩnh Châu cũng khẳng định họ bị mù không phải do nguyên nhân từ hành. Chẳng hạn, bà Lương Thị An, ngoài 70 tuổi ở ấp Đại Bái A, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu cho biết, bà không làm, nhặt, đóng gói hành, đôi mắt bà chỉ tự nhiên mờ dần rồi không thấy gì. Còn bà Ong Thị Chư, cũng ở xã Lạc Hòa cho biết, bà làm nghề lượm hành đã nhiều năm nhưng theo bà, do bà bị đau bệnh rồi giảm thị lực chứ không phải do lượm hành mà bị mù.
Vĩnh Châu là vùng đất cát ven biển, nhiều nắng, gió, bụi, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nguồn nước sạch sinh hoạt chưa đáp ứng tốt cho người dân. Ở vùng đất như vậy, tỷ lệ người dân mắc các bệnh về mắt luôn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các vùng khác.
Với những vùng trồng hành, người tiếp xúc trực tiếp với củ hành nếu không có kính bảo hộ sẽ bị cay mắt, nước mắt nước mũi chảy ra. Khi bị cay mắt, người làm hành hay lấy tay dụi mắt, nếu tay đang bị bẩn sẽ khiến mắt bị viêm nhiễm giác mạc. Tuy nhiên, số người bị mù khi làm hành như vậy không nhiều, đa phần người dân trong thời gian gần đây đã biết bảo vệ đôi mắt của mình khi tiếp xúc với hành.
Trước thông tin nông dân sử dụng chất bảo quản hành tím trong đó có thuốc trừ sâu làm tăng tỷ lệ người mù, gây hoang mang cho người tiêu thụ hành tím, thạc sỹ Huỳnh Ngọc Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng khẳng định đã cả chục năm nay, người dân không còn dùng chất độc hại để bảo quản, tồn trữ hành, chỉ có hành giống là phải tồn trữ cho vụ sau, người dân có dùng bột đất sét và thuốc trừ sâu trong danh mục cho phép để bảo quản, còn với hành thương phẩm, người dân tuyệt đối không sử dụng.
Cũng theo ông Vân, Vĩnh Châu còn là vùng nuôi tôm. Con tôm vốn rất nhạy cảm với thuốc trừ sâu hay chất độc hại nên nông dân cũng hạn chế dùng thuốc trừ sâu sợ ảnh hưởng đến vụ tôm. Hiện nay, hành tím sau khi được thu hoạch xong cũng được tiêu thụ nên nông dân không phải tồn trữ bảo quản bằng chất độc hại như hàng chục năm về trước.
Đối với người dân xứ biển, nhiều tác nhân có thể gây ảnh hưởng đến đôi mắt, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên đề phòng bệnh mù lòa vì đôi mắt rất dễ tổn thương, nên việc bảo vệ trong quá trình lao động hay chăm sóc giữ vệ sinh hàng ngày của mỗi người cần được thực hiện chu đáo, sạch sẽ.
Việc kiểm tra mắt định kỳ sẽ giúp người dân phát hiện sớm bệnh và các tật ở mắt để có phương pháp điều trị thích hợp, kịp thời. Đối với những người phải tiếp xúc với hành, khi bóc hành, làm hành giống… nên sử dụng bảo hộ lao động như đeo kính, đeo găng tay, ngoài ra môi trường làm việc thông thoáng cũng rất quan trọng sẽ hạn chế gây kích thích lên đôi mắt.
Trước đây, vào những năm 2006-2007, Vĩnh Châu còn là một huyện rất nghèo của tỉnh Sóc Trăng. Có bài báo đã viết: Vĩnh Châu là địa phương có món “đặc sản” là sản phẩm hành tím lớn nhất cả nước nhưng cũng là địa phương “nổi tiếng” với “xóm mù Đại Bái”...
Ngay sau khi có thông tin này, Bộ Y tế đã cử cán bộ của Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp cùng ngành y tế tỉnh điều tra thực tế. Kết quả điều tra lúc đó đã cho thấy, tại ấp Đại Bái (xã Lạc Hòa), danh sách 130 người mù do cán bộ Hội Nông dân và trưởng ấp (tiền nhiệm) lập từ năm 2004.
Kiểm tra danh sách người mù cho thấy, số người mù bị cả 2 mắt chỉ có 13 người (đã chết 1 người), số còn lại là người bị mù 1 mắt, trẻ mồ côi, người neo đơn… Khi đoàn kiểm tra vận động những người mù trong danh sách đến khám, kiểm tra cụ thể, chỉ có vài người đến.
Còn tại ấp Đại Bái A, sau khi đã rà soát lại, trưởng ấp mới khẳng định được 15 người mù thật trong danh sách 81 người mù của ấp. Như vậy, nếu so với dân số 7.500 người của 2 ấp thì tỷ lệ người mù vĩnh viễn ở đây chỉ khoảng 0,3%, tức là thấp hơn tỷ lệ 0,63% người mù của bình quân chung cả nước (thời điểm năm 2007)./.