Không để xảy ra tình trạng thông đồng, ép giá bán vật liệu cao tốc

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các tỉnh, thành phải có giải pháp mạnh như xử phạt, xem xét thu hồi giấy phép đối với chủ mỏ ép giá bán nguồn vật liệu cao hơn so với giá đã công bố.
Các dự án đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Các dự án đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến tình hình cung ứng nguồn vật liệu các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo Chính phủ trong đó nhận diện các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp giải quyết triệt để nhằm đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 cả nước sẽ có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc.

Theo đó, để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ thi công, hoàn thành các dự án cao tốc, đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 cả nước sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ có Công điện gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động, kịp thời triển khai các thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng theo thẩm quyền để giao mỏ cho các nhà thầu khai thác vật liệu đáp ứng tiến độ thi công các dự án theo các nghị quyết của Chính phủ.

Địa phương khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các dự án thực hiện rà soát, nâng công suất các mỏ đá, mỏ cát, mỏ đất đã cấp phép, đang khai thác trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công; chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm cùng với các chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá đền bù, hỗ trợ, thuê đất, bồi thường cây cối, hoa màu... đối với các mỏ mới nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ các dự án, đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành giao sở xây dựng, sở tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan làm việc với các nhà cung ứng vật liệu, chủ mỏ để có cam kết việc cung ứng vật liệu theo giá đã công bố, niêm yết; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá vật liệu tại các mỏ đang khai thác để không xảy ra tình trạng nâng giá, ép giá, bán với giá cao hơn mức giá đã được các địa phương công bố; cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng thông thường, chỉ số giá xây dựng đảm bảo phù hợp với giá mặt bằng trong khu vực.

“Trường hợp phát hiện tình trạng cố tình thông đồng, ép giá cao hơn so với giá đã công bố phải có giải pháp mạnh như xử phạt, xem xét thu hồi giấy phép. Đối với các đơn vị được giao nhiệm vụ nhưng không hoàn thành cần xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị.

[Bộ GTVT: Các tỉnh công bố, quản lý giá vật liệu cao tốc Bắc-Nam]

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí đủ nguồn vật liệu cát đáp ứng tiến độ triển khai các dự án thành phần cao tốc đoạn Cần Thơ-Cà Mau (tỉnh An Giang bố trí 7 triệu m3, Đồng Tháp bố trí 7 triệu m3, Vĩnh Long bố trí 5 triệu m3) theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải; thực hiện thủ tục tăng 50% công suất các mỏ cát đang khai thác và dành toàn bộ khối lượng phần tăng thêm để cấp cho dự án theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022.

Cũng trong báo cáo này, Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra hầu hết các mỏ đang khai thác với công suất như hiện nay chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án; các địa phương còn lúng túng, vướng mắc về thủ tục nên chưa triển khai cấp phép cho nhà thầu; chủ mỏ “hét giá” đền bù; các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền; một số địa phương thông báo giá vật liệu chưa phù hợp với mặt bằng giá thị trường, đã xuất hiện hiện tượng các nhà cung ứng bán vật liệu với giá cao hơn nhiều so với mức giá do địa phương công bố.

Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ ra các cấp chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt trong việc triển khai các thủ tục cấp phép, giao mỏ cho nhà thầu khai thác theo các Nghị quyết của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; một số địa phương chưa quản lý tốt công tác công bố giá, kiểm tra, giám sát giá bán vật liệu của các nhà cung ứng;  phương pháp, số liệu để xây dựng giá vật liệu xây dựng còn chưa phù hợp với thực tế hiện trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục