Không mua bảo hiểm xã hội vẫn có thể đi làm việc ở nước ngoài

Lao động không tham gia bảo hiểm xã hội vẫn có thể đi làm việc ở nước ngoài, tuy nhiên Luật Bảo hiểm xã hội vẫn khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội với phương thức đóng linh hoạt
Không mua bảo hiểm xã hội vẫn có thể đi làm việc ở nước ngoài ảnh 1Lao động làm thủ tục trước khi đi làm việc ở Hàn Quốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Luật Bảo hiểm xã hội quy định kể từ đầu năm 2016, tất cả lao động đi làm việc ở nước ngoài dù đã đóng hay chưa đóng bảo hiểm xã hội trước đó sẽ phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và chỉ tham gia hai chế độ hưu trí và tử tuất.

Những năm gần đây, có tới 100.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm. Quy định nói trên khiến không ít lao động lo lắng về việc có phải đóng thêm khoản tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc trước khi đi xuất khẩu lao động.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 không có quy định cấm người lao động nếu không tham gia bảo hiểm xã hội thì không được đi ra nước ngoài làm việc. Người lao động đi xuất khẩu lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được lựa chọn phương thức đóng rất linh hoạt.

Người lao động có thể chọn đóng một lần cho 3 tháng, 6 tháng, thậm chí một năm. Người lao động có thể đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để trang trải những khoản tiền phải đóng trước khi đi nếu gặp khó khăn.

Bà Trần Thị Thúy Nga cho biết thêm, người lao động sẽ phải đóng 22% trên nền tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của lao động đi làm việc ở nước ngoài là 2 lần tiền lương cơ sở. Đầu năm 2016 nền đóng của những lao động này là 2.300.000 đồng và từ tháng 5/2016 khi tiền lương cơ sở tăng lên 1.210.000 đồng thì nền tiền lương đóng sẽ là 2.420.000 đồng. Như vậy, mỗi tháng người lao động tiết kiệm, dành khoảng hơn 500.000 đồng/tháng để lo cho tuổi già.

Như vậy, do chưa có hướng dẫn quy định cụ thể nên lao động không tham gia bảo hiểm xã hội vẫn có thể đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài thường có thu nhập cao so với lao động trong nước. Việc mở rộng đối tượng này vào diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là nhằm giúp họ tích lũy để được hưởng lương hưu sau này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục