Lao động đi Đài Loan: Tỷ lệ bỏ trốn tăng vì doanh nghiệp thu phí cao

Theo phản ánh của người lao động, chính tình trạng tuyển dụng qua nhiều trung gian, thu phí quá cao là nguyên nhân mà nhiều người lao động Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc) bỏ hợp đồng ngày càng tăng
Lao động đi Đài Loan: Tỷ lệ bỏ trốn tăng vì doanh nghiệp thu phí cao ảnh 1Tư vấn cho lao động đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Trong những năm gần đây, Đài Loan liên tiếp là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất. Tính đến nay, có khoảng 164.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan. Đây là thị trường có thu nhập tốt và không yêu cầu quá khắt khe khi tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, chính vì số lượng lao động đi làm việc ngày càng tăng kéo theo đó là phát sinh nhiều sai phạm trong việc tuyển dụng, tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng tăng cao…

Tỷ lệ bỏ trốn tăng nhanh

Tại Đài Loan (Trung Quốc), lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng hiện chiếm gần 30% số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tính đến cuối năm 2014, số lao động Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan là hơn 24.000 người. Tuy nhiên, từ đầu năm 2015 đến nay, số lao động bỏ trốn ra ngoài tăng gần gấp đôi so với năm 2014. Năm 2014, trung bình mỗi tháng có 600 lao động bỏ trốn thì từ đầu năm đến nay, mỗi tháng có khoảng 1.100 lao động bỏ trốn.

Tình trạng lao động bỏ hợp đồng trong năm 2015 đã gia tăng mạnh so với năm 2013 và 2014, cho thấy doanh nghiệp có dấu hiệu buông lỏng quản lý đối với người lao động.

Trong khi đó, việc thu phí cao đang diễn ra nhiều. Thậm chí có doanh nghiệp thu tới 7.000 USD/người, trong khi quy định chỉ được thu 4.000 USD/người. Tình trạng doanh nghiệp mở các đầu mối hoạt động mà không đăng ký, tuyển dụng qua nhiều trung gian, đào tạo bồi dưỡng kiến thức lao động thiếu nghiêm túc còn nhiều. Trong năm nay, hàng loạt doanh nghiệp đã bị xử phạt vì thu phí, tuyển dụng lao động đi Đài Loan sai quy định.

Theo phản ánh của người lao động, chính tình trạng tuyển dụng qua nhiều trung gian, thu phí quá cao là nguyên nhân mà nhiều người lao động bỏ hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước ngày càng tăng. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiệm vụ xuất khẩu lao động trong năm 2016.

Lao động đi Đài Loan: Tỷ lệ bỏ trốn tăng vì doanh nghiệp thu phí cao ảnh 2Làm thủ tục cho lao động chuẩn bị xuất cảnh. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Phạt nặng doanh nghiệp vi phạm

Trước tình trạng này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có buổi làm việc với hơn 110 doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) vào ngày 13/11để chấn chỉnh lại tình trạng thu phí, tuyển dụng sai quy định dẫn đến tăng tỷ lệ lao động bỏ trốn.

Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, so với lao động các nước khác đang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) như: Thái Lan, Philippin, Indonesia thì lao động Việt Nam có ý thức kỷ luật kém hơn, vẫn còn nhiều lao động Việt Nam vi phạm quy định nơi làm việc và pháp luật nước Đài Loan (Trung Quốc) như bỏ trốn ra ngoài làm việc trái phép và thường xuyên chuyển nơi làm việc gây khó khăn hơn cho công tác quản lý của các công ty dịch vụ việc làm Đài Loan (Trung Quốc), do vậy họ đòi hỏi mức phí môi giới cao hơn từ các công ty Việt Nam.

Trước phản ánh của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường quản lý việc hợp tác với các công ty môi giới Đài Loan (Trung Quốc) nhằm hạn chế tình trạng canh tranh không lành mạnh dẫn đến tăng phí môi giới. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam cũng sẽ làm việc với Bộ Lao động Đài Loan (Trung Quốc) về việc giảm phí cho lao động Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp yêu cầu các doanh nghiệp phải thu phí đúng quy định và khống chế tỷ lệ bỏ trốn. Nếu tỷ lệ bỏ trốn quá cao, Bộ sẽ tạm dừng hoặc rút giấy phép của doanh nghiệp.

“Trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý khiếu nại của lao động bị thu phí cao. Nếu doanh nghiệp không tuyển chọn trực tiếp, không thu tiền trực tiếp, thu phí quá quy định và đào tạo không đảm bảo chất lượng, Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ xử phạt nặng vi phạm hành chính hoặc tạm dừng hoạt động,” Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục