Khu vực ngoài nhà nước là động lực tăng trưởng xuất khẩu của TP.HCM

Khu vực ngoài nhà nước vẫn là động lực chính trong tăng trưởng xuất, nhập khẩu của TP.HCM, với kim ngạch xuất khẩu tăng 3,5% và nhập khẩu tăng 39,7% trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.
Khu vực ngoài nhà nước là động lực tăng trưởng xuất khẩu của TP.HCM ảnh 1Bốc xếp container hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Tân Cảng-Cát Lái ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo số liệu của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của thành phố tăng 9,7% so cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu giảm 3,4% và nhập khẩu tăng 21,3%.

Khu vực ngoài nhà nước vẫn là động lực chính trong tăng trưởng xuất, nhập khẩu của thành phố với kim ngạch xuất khẩu tăng 3,5% và nhập khẩu tăng 39,7% so cùng kỳ.

Về xuất khẩu, trong tháng 9/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước ước đạt 2,37 tỷ USD, giảm 5,7% so tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 93,4 triệu USD, giảm 4,9%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 816,3 triệu USD, tăng 13,7%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,25 tỷ USD, giảm 14,9%.

Tính chung trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 31,5 tỷ USD, giảm 3,4% so cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 1,53 tỷ USD, giảm 15,2%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 8,43 tỷ USD, tăng 3,5%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,6 tỷ USD, giảm 6,5%.

Xét về cơ cấu xuất khẩu, nhóm hàng nông sản có giá trị xuất khẩu đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn thành phố; trong đó, xuất khẩu cao su tăng 68,6%, xuất khẩu hạt tiêu tăng 62,6%, xuất khẩu cà phê tăng 1,2%, trong khi đó, xuất khẩu gạo giảm 2,1% so cùng kỳ. Nhóm hàng lâm sản xuất khẩu đạt 503,5 triệu USD, tăng 20,6%; xuất khẩu thủy hải sản đạt 574,8 triệu USD, giảm 32,2% so cùng kỳ.

Nhóm hàng công nghiệp có giá trị xuất khẩu đạt 19,2 tỷ USD, giảm 13,9% so cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố; trong đó, xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 11,4 tỷ USD, giảm 12,7% ; xuất khẩu dệt, may đạt gần 2,5 tỷ USD, giảm 25,7%; giày dép đạt 1,3 tỷ USD, giảm 20,1%; giá trị xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác cũng giảm 9,2%.

[Kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng tăng 24,4%]

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp thành phố với kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 6,65 tỷ USD, giảm 15,9% so cùng kỳ năm 2020; chiếm 23,3% tỷ trọng xuất khẩu của toàn thành phố. Đứng thứ 2 là thị trường Hoa Kỳ, đạt 4,6 tỷ USD, giảm 7,4% so cùng kỳ, chiếm 16,2% tỷ trọng xuất khẩu, tiếp đến là các thị trường Nhật Bản và EU.

Trong khi đó, ước tính kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước trong tháng Chín đạt hơn 4,1 tỷ USD, giảm 8% so với tháng trước. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 44,3 tỷ USD, tăng 21,3% so cùng kỳ năm 2020; trong đó, nhập khẩu của khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 19,1 tỷ USD, tăng 39,7%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,8 tỷ USD, tăng 12,2%.

Về cơ cấu nhóm hàng hóa nhập khẩu: máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt 20,6 tỷ USD, tăng 22,5%, chiếm tỷ trọng 53,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nguyên nhiên vật liệu đạt 12,8 tỷ USD, tăng 25,7% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng hơn 33%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng tiêu dùng đạt gần 1,5 triệu USD, tăng 23,7%; nhóm hàng hóa khác đạt 3,8 tỷ USD, tăng 25,1% so với cùng kỳ. Các mặt hàng có giá trị nhập khẩu tăng nhiều so với cùng kỳ là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 27,9%; chất dẻo nguyên liệu tăng 34,1%; sắt thép tăng 49,4%.

Theo đánh giá của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, xu hướng xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp thành phố trong 9 tháng có sự trái ngược so với cùng kỳ năm trước, điều này chứng tỏ nhu cầu tiêu thụ hàng hóa bên ngoài vẫn còn.

Dự báo kinh tế thế giới tiếp tục có xu hướng phục hồi dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Thương mại hàng hóa toàn cầu dự báo sẽ phục hồi nhanh, cao hơn so với trước đại dịch.

Ở trong nước và tại Thành phố Hồ Chí Minh, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giá nguyên vật liệu đầu vào tăng đột biến vẫn khá căng thẳng nhưng quý 4/2021 cũng là thời điểm để doanh nghiệp đẩy mạnh gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp nhu cầu tiêu dùng trong nước dịp cuối năm và cải thiện giá trị xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục