Khủng hoảng “củng cố” đời sống tâm linh

Dù theo tôn giáo nào, thậm chí là không theo đạo, nhưng dường như người dân châu Á đang quan tâm nhiều hơn đến đời sống tâm linh trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế buộc họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, làm đổ vỡ nhiều kế hoạch riêng tư.

Dù theo tôn giáo nào, thậm chí là không theo đạo, nhưng dường như người dân châu Á đang quan tâm nhiều hơn đến đời sống tâm linh trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế buộc họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, làm đổ vỡ nhiều kế hoạch riêng tư.
 
Trước cảnh báo của Chính phủ Singapore rằng kinh tế nước này vẫn tiếp tục tồi tệ, nhà quản lý IT Ismarini Ismail thường cầu khấn để khủng hoảng không phá vỡ kế hoạch tổ chức đám cưới của anh vào tháng 12 tới. Người đàn ông Singapore 25 tuổi này nói: “Tôi nhiều lần thành tâm cầu mong suy thoái kinh tế chấm dứt, mặc dù công việc của tôi hiện vẫn chưa bị ảnh hưởng”. Trong quý I/09, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục trong 3 năm qua.
 
Khi các công ty cắt giảm nhân công và chính phủ các nước bơm tiền để kích thích kinh tế, người dân các nước châu Á bị tác động bởi khủng hoảng, từ vùng lãnh thổ Đài Loan tới Thái Lan, đã kéo nhau đến các đền chùa, nhà thờ để tìm kiếm sự bình yên và cầu nguyện cho nền kinh tế sớm phục hồi, cho cuộc sống của họ và con cái ổn định.
 
Ở Đài Loan, nơi kinh tế suy giảm kỷ lục 10,4% trong quý I/09, khách đến đền thờ nổi tiếng Hsing Tien Kun - đền thờ chung của Đạo Khổng và Đạo Lão đã 60 năm tuổi ở trung tâm Đài Bắc - tăng mạnh. Hầu hết là các nhân viên văn phòng, họ đang muốn biết về “tương lai sự nghiệp” theo cách truyền thống của người Trung Quốc.
 
Người đại diện đền thờ này, Lee Chu-hua, nói: “Những người đến đây rút thẻ đều muốn biết về công việc hay sự nghiệp của mình trong lúc tình hình kinh tế có nhiều xáo trộn. Lượng khách đến thăm đền đang ngày một tăng”. Ông Lee nói những gì ghi trên thẻ gỗ đều mang đến cho mọi người một sự an ủi nào đó.
 
Đài Loan có thể đang trải qua lần suy thoái kéo dài nhất trong lịch sử, với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục đã điều chỉnh theo mùa là 5,72% trong tháng 3 vừa qua, so với 4,14% và 3,91% trong cùng kỳ năm 2008 và 2007.
 
Ở Thái Lan, nơi nền kinh tế cũng bị tác động do khủng hoảng chính trị trong 4 năm qua, khách đến thánh đường Grandma Nak ở Bangkok bắt đầu tăng vọt từ năm ngoái, cùng lúc với đợt sa thải nhân công đầu tiên ở nước này. Lek, người trông giữ thánh đường, nói: “Mọi người đến thánh đường này để cầu xin Grandma Nak giúp giải tỏa khó khăn, từ công việc đến tình yêu.
 
Hàng nghìn công nhân ở các nhà máy ở Thái Lan đã mất việc khi đơn đặt hàng của nước ngoài giảm mạnh, trong lúc bạo lực đường phố do tranh giành quyền lực giữa các phe phái thỉnh thoảng lại xảy ra gây tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư và du khách nước ngoài. Chính phủ nước này đã cam kết chi hàng tỷ baht cho người nghèo ở cả nông thôn và thành thị để kích thích nền kinh tế, dự kiến sẽ giảm khoảng 3,5% trong năm nay.
 
Nhưng cũng có một chiều hướng khác là cuộc khủng hoảng kinh tế khiến cho việc làm ăn của các thầy phong thủy ở Hong Kong gặp khó khăn hơn, bởi vì lĩnh vực bất động sản suy giảm nghiêm trọng. Nhiều thầy phong thủy thất nghiệp vì nay người mua đất, xây nhà giảm sút.
 
Hãng tư vấn phong thủy Edwin Ma, chuyên tư vấn cho các công ty kinh doanh bất động sản hàng đầu ở Đặc khu hành chính này, cho biết: “Từ năm 1991 đến khoảng năm 1998, khi khủng hoảng kinh tế khu vực xảy ra, nhiều người đã tìm đến các thầy địa lý để có được những lời khuyên. Tuy nhiên, do bi quan về tình hình kinh tế hiện nay, nhiều người không nghĩ rằng thầy phong thủy có thể giúp họ. Quá nhiều người đã thất vọng và muốn tự quản lý túi tiền của mình”./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục