Khủng hoảng “không tặc”: Cơ hội và thách thức với Trung Quốc

Việc Belarus bị cô lập có thể tạo ra các vấn đề cho Hành lang phía Bắc, làm tăng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các tuyến đường biển và đe dọa trực tiếp đến an ninh, lợi ích kinh tế của nước này.
Khủng hoảng “không tặc”: Cơ hội và thách thức với Trung Quốc ảnh 1Tổng thống Belarus Alyaksandr Lukashenka. (Nguồn: euronews)

Quyết định của Tổng thống Belarus Alyaksandr Lukashenka nhằm buộc một máy bay thương mại hạ cánh và bắt giữ nhà báo Roman Protasevich đã gây ra phản ứng dữ dội ở Brussels, Washington và Moskva.

Sau sự kiện này, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus và lệnh cấm bay qua không phận của nước này.

Cuộc khủng hoảng mới ở Belarus không chỉ đe dọa lợi ích của EU, Mỹ và Nga, mà còn đe dọa lợi ích của cả Trung Quốc. Vậy, “vụ không tặc” của Belarus ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ song phương Trung Quốc-Belarus cũng như chính sách của Bắc Kinh đối với Đông Âu trong bối cảnh chính trị và kinh tế hiện nay?

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 ở Belarus, bất chấp cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên chúc mừng ông Alexander Lukashenko thắng cử.

Trong cuộc bầu cử, truyền thông Trung Quốc chủ yếu chỉ trích chính sách của các nước phương Tây đối với Belarus và ủng hộ Tổng thống Lukashenko. Liên quan đến cuộc khủng hoảng gần đây ở Belarus, không có phản ứng chính thức nào từ Trung Quốc đối với tình hình ở Belarus.

Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn Cầu, giống như trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, đã chỉ trích phản ứng của các nước phương Tây và cho rằng những sự kiện vừa qua cần được điều tra thêm để làm rõ quyết định của chính phủ Belarus.

[EU cho phép Belarus sử dụng không phận vì các lý do nhân đạo]

Các cuộc biểu tình chống chính phủ và rắc rối gần đây ở Belarus đã ảnh hưởng đến cả quan hệ an ninh và kinh tế của Trung Quốc ở cấp độ song phương và khu vực. Tình thế này vừa tạo ra cả những cơ hội lẫn thách thức mới cho Trung Quốc ở Đông Âu.

Về cơ hội, thứ nhất, việc Belarus bị cô lập có thể tạo ra những cơ hội mới cho Trung Quốc trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế của mình đối với nước này và giành được các tài sản chiến lược của một quốc gia.

Thứ hai, việc gia tăng đòn bẩy đối với Belarus có thể củng cố vị thế của Trung Quốc trước EU và Mỹ trong khu vực.

Cuối cùng, phản ứng và áp lực của các nước phương Tây có thể thúc đẩy hợp tác Trung-Nga trong bối cảnh khủng hoảng của Belarus và khu vực Đông Âu. Bên cạnh đó, nó cũng có thể thúc đẩy quan hệ song phương của hai nước này trong bối cảnh các vấn đề kinh tế và an ninh.

Về thách thức, thứ nhất, căng thẳng gia tăng đối với Belarus gây bất ổn cho đất nước này và nó có thể ảnh hưởng tiêu cực cho thương mại và đe dọa đầu tư của Trung Quốc. Mặc dù khối lượng thương mại giữa Trung Quốc và Belarus trong năm 2020 giảm, song cuộc khủng hoảng gần đây có thể khiến quan hệ thương mại hai nước xấu đi hơn nhiều.

Hơn nữa, về đầu tư, căng thẳng giữa Nga và phương Tây về Belarus và sự phân cực trong nội bộ đe dọa đầu tư của Trung Quốc vào nước này và khiến doanh nghiệp Trung Quốc “ngại” đầu tư.

Cuối cùng, căng thẳng gia tăng đối với Belarus và cuộc khủng hoảng tiềm tàng không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của Trung Quốc, mà còn có nghĩa là Bắc Kinh mất đồng minh ý thức hệ của mình - bởi Belarus cũng ủng hộ cung cách quản lý của Trung Quốc, trong đó nhà nước đóng vai trò quan trọng trong mọi khía cạnh của đời sống và kinh tế của người dân.

Xét về cấp độ khu vực, trước hết, trong bối cảnh Trung Quốc thúc đẩy Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), Belarus đóng vai trò chủ đạo ở hành lang phía Bắc khi thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang EU và cũng như xây dựng hành lang vận tải sang các nước Trung và Tây Âu. Hơn nữa, tuyến đường này là một trong những tuyến đường ngắn nhất của hành lang BRI đi từ Trung Quốc qua Kazakhstan, Nga đến Belarus với thời gian vận chuyển trung bình là 5 ngày. Về chi phí vận chuyển, tuyến này rẻ hơn các tuyến đường khác.

Khủng hoảng “không tặc”: Cơ hội và thách thức với Trung Quốc ảnh 2Máy bay của hãng hàng không Ryanair hạ cánh tại sân bay quốc tế Vilnius, Litva, ngày 23/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hai tháng đầu năm 2021, đã có hơn 2.000 chuyến tàu hàng chạy từ Trung Quốc đến châu Âu, cao gấp đôi so với năm 2020. Việc Belarus ngày càng bị cô lập kể từ năm 2020 và lệnh cấm bay qua không phận của nước này cũng có thể đe dọa lợi ích của Trung Quốc trong bối cảnh BRI vì trước hết, cô lập Belarus có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ thương mại Trung Quốc-EU thông qua tuyến đường sắt.

Thứ hai, căng thẳng gia tăng ở Nam Caucasus và các lệnh trừng phạt đối với Iran đều đe dọa đến sự ổn định tương đối của cả hành lang phía Nam và Trung Đông. Ngoài ra, việc Belarus bị cô lập có thể tạo ra các vấn đề cho Hành lang phía Bắc, qua đó có thể làm tăng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các tuyến đường biển và đe dọa trực tiếp đến an ninh và lợi ích kinh tế của Trung Quốc do những căng thẳng Trung-Mỹ. Thứ hai, căng thẳng giữa các nước phương Tây và Nga về Belarus sẽ thách thức vị thế trung lập của Trung Quốc, và nó có thể buộc Bắc Kinh phải chọn bên giữa Nga hoặc EU.

Cuối cùng, về mối quan hệ có vấn đề gần đây giữa các nước Trung-Đông Âu với Trung Quốc (CEEC), chẳng hạn như việc Litva rời khỏi nhóm 17+1, việc khăng khăng giữ quan điểm trung lập hoặc đứng về bất kỳ phía nào đều có thể làm gia tăng sự phức tạp và khiến tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Đông Âu giảm mạnh. Nó cũng có thể củng cố nhận thức về “Mối đe dọa Trung Quốc.”

Ngoài các nước Đông Âu, quan điểm của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng ở Belarus có thể khiến mối quan hệ Trung Quốc-EU trở nên xấu đi.

Tóm lại, cuộc khủng hoảng mới ở Belarus tạo ra nhiều vấn đề và thách thức hơn là cơ hội cho Trung Quốc. Căng thẳng gia tăng giữa EU và Nga cũng làm mất ổn định khu vực và tạo ra tình hình phức tạp đối với lợi ích song phương và khu vực của Trung Quốc. Trong bối cảnh này, lập trường tương đối trung lập và chính sách đối ngoại cân bằng của Trung Quốc sẽ đối mặt với những thách thức mới ở Đông Âu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục