Khuyến cáo sử dụng thiết bị điện tiết kiệm, hợp lý trong mùa nắng nóng

Trước diễn biến nắng nóng kéo dài thời gian tới, Cục Cạnh tranh-Bảo vệ người tiêu dùng ban hành một số khuyến cáo với người tiêu dùng trong quá trình sử dụng các thiết bị điện và thanh toán tiền điện.
Khuyến cáo sử dụng thiết bị điện tiết kiệm, hợp lý trong mùa nắng nóng ảnh 1Công nhân Điện lực vận hành trạm biến áp. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Trước diễn biến nắng nóng được dự báo còn kéo dài trong thời gian tới, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương đã ban hành một số khuyến cáo với người tiêu dùng trong quá trình sử dụng các thiết bị điện và thanh toán tiền điện.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thời gian vừa qua, nhiều địa phương khu vực miền Bắc và miền Trung bắt đầu xuất hiện nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, khiến lượng điện tiêu thụ tăng cao đột biến.

Số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho thấy, vào trưa ngày 21/6/2021, công suất tiêu thụ điện toàn quốc thiết lập mức đỉnh mới 42.146MW. Công suất tiêu thụ điện tính riêng khu vực miền Bắc và thủ đô Hà Nội cũng đã lập kỷ lục mới, lần lượt là 18.700MW và 4.700MW.

Do vậy, để người tiêu dùng chủ động tìm hiểu và trang bị những kiến thức, kỹ năng sử dụng các trang thiết bị điện tiết kiệm và hiệu quả, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khi sử dụng điều hòa, người tiêu dùng nên duy trì mức nhiệt độ tốt nhất từ 26 đến 28 độ C, tránh để nhiệt độ dưới mức 25 độ C. Lý do mức nhiệt này vừa không khiến điều hòa làm lạnh nhanh hơn vừa tiêu hao nhiều điện hơn, gây hại máy và không bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng.

Cùng với đó, người tiêu dùng có thể sử dụng kết hợp cùng quạt gió để giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ từ 2 đến 3% so với chỉ dùng điều hòa. Tuy nhiên, cần hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện công suất lớn cùng lúc để tránh việc quá tải điện năng tiêu thụ.

Ngoài ra, người tiêu dùng nên thường xuyên vệ sinh các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt mát cũng như quạt thông gió để tránh rêu mốc bám trên các lưới lọc gió và hốc đẩy gió; định kỳ bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị điện.

[Làm gì để tiền điện không “tăng đột biến” trong mùa nắng nóng?]

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, cần duy trì thói quen tiết kiệm điện tại gia đình và công sở như tắt các thiết bị không cần thiết, không sử dụng, đặc biệt trong thời điểm nắng nóng gay gắt và cao điểm. Thường xuyên theo dõi hóa đơn tiền điện các tháng để đảm bảo các số liệu chính xác, không sai lệch giữa các kỳ hóa đơn.

Đáng lưu ý, vừa qua Cục đã ghi nhận thông tin phản ánh về một số vụ việc có dấu hiệu lừa đảo liên quan đến vấn đề tiền điện khá tinh vi. Cụ thể, các đối tượng lừa đảo thường giả danh các cơ quan chức năng, nhân viên ngành điện lực để “đòi nợ tiền điện,” “dọa cắt điện nếu không nộp tiền,”… ép người tiêu dùng nhanh chóng thanh toán tiền điện hoặc chuyển tiền vào tài khoản do họ cung cấp. Các đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý lo sợ, nhẹ dạ cả tin của nhiều người dân, người tiêu dùng để chiếm đoạt tài sản.

Không chỉ vậy, hành vi giả mạo các cơ quan, tổ chức của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân khác để chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng điện đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội.

Mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã liên tục cảnh báo để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác nhưng nhiều người sử dụng điện vẫn bị lừa đảo trong thời gian gần đây.

Vì thế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, trong trường hợp gặp các thắc mắc về hóa đơn tiền điện, người tiêu dùng có thể liên hệ tới các Trung tâm chăm sóc khách hàng của công ty điện lực trên cả nước và chỉ nên tiếp nhận thông tin từ các kênh chính thống đã được ngành điện lực công bố. Người tiêu dùng tuyệt đối không thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc chuyển tiền vào các tài khoản khi chưa tiến hành xác minh thông tin.

Trong trường hợp cần tư vấn về chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có thể liên hệ với các Sở Công Thương, Hội Bảo vệ người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố hoặc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, số 25 Ngô Quyền, Hà Nội; Tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng: 1800.6838; email:bvntd@moit.gov.vn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục