Khuyến khích các mô hình, chương trình chăm sóc người cao tuổi

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi, cả nước có hơn 10 triệu người cao tuổi, chiếm 10,94% dân số, trong đó có có gần 1,893 triệu người từ 80 tuổi trở lên.
Khuyến khích các mô hình, chương trình chăm sóc người cao tuổi ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 27/12, tại trụ sở Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.

Tham dự và chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi Việt Nam; Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền; đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành, tổ chức đoàn thể Trung ương

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi, cả nước có hơn 10 triệu người cao tuổi, chiếm 10,94% dân số, trong đó có có gần 1,893 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 18,6% tổng số người cao tuổi).

Số người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn là 6,636 triệu người (chiếm 65,7%); tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo khoảng 22%.

Nhiều tỉnh đã triển khai thực hiện giảm giá vé đường bộ, đường thủy cho người cao tuổi như Lai Châu, Bắc Kạn, Khánh Hòa, Quảng Bình, Đà Nẵng; các hãng hàng không, đường sắt áp dụng giảm 15% giá vé với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng.

Một số tỉnh, thành phố đã nâng mức trợ cấp cho người cao tuổi cao hơn mức quy định chung của cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Giang...

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết xu thế trên thế giới là chuyển công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi từ trong bệnh viện sang cộng đồng. Hiện, Bộ Y tế đang triển khai thí điểm mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện, dài hạn cho người cao tuổi tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang đem lại hiệu quả tốt.

Hiện cả nước có 50 bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh có khoa Lão khoa; 302 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho người cao tuổi; 37.622 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi; 2.522 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai công tác người cao tuổi của một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế về nhận thức, lập kế hoạch, phối hợp hoạt động, triển khai các chính sách ưu tiên, ưu đãi cho người cao tuổi. Mức sống của người cao tuổi tại nhiều tỉnh, thành phố còn thấp, một bộ phận phải lao động kiếm sống, ở trong nhà tạm. Đặc biệt ở vùng khó khó khăn, dân tộc thiểu số, người cao tuổi có tuổi thọ thấp nên số lượng người được hưởng chính sách trợ cấp xã hội còn ít.

Về các công việc, nhiệm vụ sẽ triển khai trong năm 2017, các thành viên Ủy ban cho rằng cần khẩn trương nghiên cứu, đổi mới chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, đặc biệt ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh, lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe cho người cao tuổi; lồng ghép việc chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi trong các phong trào của cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội; phân bổ đầy đủ nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án về người cao tuổi.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi Việt Nam, nhấn mạnh nói đến người già, đầu tiên là phải có sức khỏe. Trước hết, ngành y tế cần phải đưa ra quy trình chuẩn, hướng dẫn hệ thống chăm sóc lão khoa trong các cơ sở y tế, và quan trọng hơn là phải triển khai chăm sóc sức khỏe y tế cho người cao tuổi tại cơ sở, cộng đồng, đặc biệt tại vùng nông thôn, miền núi. Hiện, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tích cực chuẩn bị triển khai kế hoạch lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân gắn với mục tiêu bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe toàn dân, mà đối tượng được thụ hưởng đầu tiên là người già và trẻ em.

Về những hoạt động để người cao tuổi “sống vui, sống có ích,” Phó Thủ tướng lưu ý thêm Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp xây dựng các chương trình giáo dục tiếp tục cho người lớn trong đó huy động hội viên người cao tuổi có trình độ tham gia phổ biến kiến thức, tuyên truyền thông tin về luật pháp, chính sách cho người dân tại trung tâm giáo dục cộng đồng; tạo cơ hội cho người cao tuổi tham gia các cuộc thi, giải thưởng về nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát triển kinh tế. Các địa phương cần nghiên cứu phát động các phòng trào rèn luyện sức khỏe, đồng diễn thể dục dưỡng sinh của người cao tuổi, đưa nội dung này vào ngày hội văn hóa các cấp.

Để công tác chăm sóc người cao tuổi ngày càng tốt hơn, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng có các hình thức khuyến khích, tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cá nhân thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho người cao tuổi như giảm vé, phí tham quan di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng, danh lam thắng cảnh, sử dụng phương tiện giao thông; thiết kế, xây dựng các công trình công cộng, chung cư phù hợp với đặc điểm, nhu cầu sử dụng của người cao tuổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục