KIDA: Triều Tiên có khả năng sẽ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm

Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hàn Quốccho rằng Triều Tiên sẽ lựa chọn biện pháp đủ để khiến Mỹ sốt sắng muốn ngồi vào bàn đàm phán, nhưng cũng không gây căng thẳng tới mức khiến đàm phán phải hủy bỏ.
Bức ảnh được cho là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. (Nguồn: EPA)
Bức ảnh được cho là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. (Nguồn: EPA)

Theo báo cáo nội bộ của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hàn Quốc (KIDA) công bố ngày 8/7, hành động khiêu khích tiếp theo của Triều Tiên nhiều khả năng sẽ là thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), vũ khí được cho là có sức công phá mạnh nhất.

Theo KIDA, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chưa từng thông qua bất kỳ nghị quyết nào trừng phạt Triều Tiên về vấn đề thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, do đó thử nghiệm tên lửa này sẽ gây ra ít hậu quả hơn xét cả về mặt chính trị lẫn ngoại giao.

Báo cáo phân tích Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ lựa chọn biện pháp đủ để khiến Mỹ sốt sắng muốn ngồi vào bàn đàm phán, nhưng cũng không gây căng thẳng tới mức khiến đàm phán phải hủy bỏ.

[Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ có cuộc gặp khác với nhà lãnh đạo Triều Tiên]

Báo cáo cũng chỉ ra khả năng Triều Tiên sẽ tăng cường chiến tranh tâm lý như cuộc chiến không gian mạng, hình thức Hàn Quốc không thể phản ứng ngay lập tức.

Trong khi đó, báo cáo còn dự đoán Bình Nhưỡng khó có khả năng phá hủy các cơ sở hạ tầng của tư nhân ở Khu công nghiệp liên Triều Kaesong hoặc các cơ sở ở khu nghỉ mát núi Kumgang nếu cân nhắc tới việc thu hút vốn đầu tư tư nhân trong tương lai.

Mặt khác, xung đột Mỹ-Trung leo thang và kéo dài đang là cơ hội cho Triều Tiên có thêm "động lực" thực hiện những chiến lược của mình.

Nếu mức độ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không gia tăng, Triều Tiên có thể có hành động khiêu khích sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Do Bình Nhưỡng muốn lôi kéo viện trợ từ Bắc Kinh, Seoul nên tận dụng chuyến thăm Hàn Quốc sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Seoul nên coi đây là cơ hội để hai nước Hàn-Trung trao đổi nhằm hỗ trợ cho Bình Nhưỡng một cách hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục