Kiểm đếm số lượng đào trồng của các hộ dân ở Sa Pa

Trên địa bàn thị xã Sa Pa có trên 100 ha đào được người dân trồng trên đất nương, đồi, vườn nhà, cây đào được trồng vừa lấy quả, lấy cành bán cho người dân chơi Tết.
(Ảnh minh họa: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạovề việc cấm tuyệt đối việc chặt phá đào rừng để đón Tết.

Về vấn đề này, ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết, lãnh đạo thị xã đã yêu cầu Phòng Nông nghiệp tiến hành kiểm đếm kỹ số lượng đào đang được trồng ở các nương, đồi, vườn nhà của các hộ dân trên địa bàn để có hướng xử lý sau khi có chỉ đạo cụ thể từ trung ương và tỉnh Lào Cai.

Tuy nhiên, bên cạnh việc chờ chỉ đạo của Trung ương, thị xã Sa Pa cũng tăng cường tuyên truyền để người dân không vì lợi ích thương mại mà chặt, tỉa đào bừa bãi vào dịp này.

Đặc biệt, Sa Pa là Khu Du lịch Quốc gia nên hoa đào trồng ở các bản làng, trên các con đường của khu du lịch sẽ hấp dẫn du khách đến với Sa Pa hơn, từ đó góp phần cải thiện sinh kế của người dân.

Theo ông Phan Ngọc Tám, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thị xã Sa Pa, hiện nay trên địa bàn Sa Pa không có đào rừng tự nhiên. Đào trồng trong rừng sản xuất, rừng phòng hộ thì có, nhưng cũng rất ít, chỉ rải rác, vì khai thác, vận chuyển cành đào từ trên rừng xuống vừa cao, xa và cồng kềnh nên người dân không trồng.

Hiện nay, cây đào ở thị xã Sa Pa chủ yếu được người dân trồng phân tán ở các phường, xã trên diện tích đất nông nghiệp. Vì vậy, có thể hiểu đào ở Sa Pa được vận chuyển về xuôi mỗi dịp Tết không khác gì đào thương mại được trồng ở Nhật Tân, Hà Nội.

Chỉ có điều khác là đào Nhật Tân chủ yếu được bán cả cây, còn đào ở Sa Pa trồng ở khu vực đất lẫn đá nhưng do phù hợp khí hậu lạnh có sự phát triển nhanh, cành lớn, việc đánh cả cây khó khăn hơn rất nhiều hơn nên chủ yếu được chặt cành để bán.

[Video] Nghiêm cấm chặt đào rừng chơi Tết Nguyên đán 2021

Được biết, trên địa bàn thị xã Sa Pa có trên 100ha đào được người dân trồng trên đất nương, đồi, vườn nhà. Cây đào được trồng vừa lấy quả, lấy cành bán cho người dân chơi Tết.

Thông thường người dân Sa Pa trồng đào bằng hạt, nhằm tăng tuổi thọ của cây. Cây đào trồng từ năm thứ 3 trở lên bắt đầu cho thu hoạch quả và tỉa cành để bán.

Theo một số người buôn đào, thì thực tế gọi “đào rừng” như là một tên thương mại chung cho các loại đào chuyển từ miền núi về các tỉnh dưới xuôi.

Với đặc điểm của khí hậu, thời tiết nên đào trồng ở thị xã Sa Pa bề ngoài rêu mốc, cổ kính, nhiều người lầm tưởng đó là đào được chặt từ rừng tự nhiên. Thực ra đây là lớp địa y (rêu mốc) bám trên vỏ cây do đặc thù không khí lạnh, độ ẩm cao và theo thời gian địa y bám ngày càng dày.

Trong nhiều năm qua, các hộ dân trồng đào ở Sa Pa đã có nguồn thu khá ổn định mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Hộ ông Đoàn Văn Niệm, phường Sa Pa, thị xã Sa Pa hiện có hơn 2ha đào, vừa để bán quả, vừa để tỉa cành bán dịp Tết. Trung bình mỗi năm gia đình ông Niệm cũng thu được trên 50 triệu đồng tiền bán cành đào.

Ông Đoàn Văn Niệm cho biết gia đình ông trồng đào từ năm 1993-1994 đến bây giờ. Hằng năm, những cây đào già, cỗi không cho thu hoạch quả thì được cắt cành bán.

Xã Tả Phìn là địa phương có nhiều hộ trồng đào nhiều nhất thị xã Sa Pa, với trên 200 hộ dân tham gia. Hầu hết diện tích đào được người dân trồng trên đất nương, đồi và vườn nhà. Hộ ít thì trồng vài chục cây, hộ nhiều tới vài trăm cây, cá biệt có hộ trồng hàng nghìn cây đào.

Ông Lý Láo Lở, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, cho biết những năm qua người dân xã Tả Phìn trồng đào trên đất nương ngô, đất nông nghiệp và mang lại lợi ích kinh tế rất cao.

Cụ thể như hộ ông Vàng A Giả, thôn Lủng Khấu, mỗi năm thu nhập 400-500 triệu đồng từ cây đào trồng trên nương ngô vào dịp Tết.

Thôn Lủng Khấu, xã Tả Phìn có 92 hộ thì trên 80% số hộ trồng đào bán cành; trong đó khoảng 30% số hộ trồng đào đã cho thu hoạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục