Kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô

Thống đốc Lê Minh Hưng đã giải đáp câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến việc quản lý hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng; bảo đảm an ninh trong hoạt động thanh toán...
Kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô ảnh 1Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 17/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã giải đáp câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến việc quản lý hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng; việc xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng; giải pháp để bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán...


Bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán

Trả lời đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) về việc thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ gian lận trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xử lý thế nào để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết các hành vi gian lận trong thanh toán là vấn đề đang gia tăng, rất đáng lo ngại ở các nước.

Theo thống kê của tổ chức phát hành thẻ quốc tế visa master, năm 2015 tổng số tiền thiệt hại từ các hành vi gian lận trong giao dịch là khoảng 21 tỷ USD. Mức thiệt hại của Việt Nam chỉ bằng 1/3 mức bình quân thế giới, nhưng hiện tượng này đang có chiều hướng gia tăng.

Nguyên nhân của tình trạng này, Thống đốc cho rằng từ phía các ngân hàng, hệ thống ATM đã bị cài đặt thiết bị sao chép dữ liệu để đánh cắp dữ liệu. Ngay trong hệ thống thông tin bảo mật của các ngân hàng còn có những lỗ hổng. Người sử dụng có những sơ suất trong việc bảo quản, lưu giữ thông tin, để kẻ xấu chiếm đoạt tiền. Cũng có trường hợp tổ chức tín dụng thông đồng với kẻ xấu để chiếm đoạt tiền của khách hàng.


[Không ký các giấy tờ không có nội dung khi giao dịch ngân hàng]

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư tra soát các hành vi gian lận; quy định rõ trách nhiệm bồi thường trong một số trường hợp cụ thể. Thời gian qua, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhiều tổ chức tín dụng đã giải quyết kịp thời quyền lợi của khách hàng; một số ngân hàng đã ứng tiền cho khách hàng trong thời gian các cơ quan chức năng điều tra làm rõ các nguyên nhân.

Thống đốc khẳng định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tập trung vào các quy định pháp lý về an ninh an toàn trong hệ thống, chuyển từ thẻ từ sang thẻ chip để đảm bảo tính bảo mật cao hơn; áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và bảo mật hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống thanh toán; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hệ thống thanh toán thẻ.

Đồng thời, ngành cũng tăng cường công tác thanh tra về các dịch vụ thanh toán thẻ của các tổ chức tín dụng, các tổ chức cung ứng các dịch vụ thanh toán thẻ, đặc biệt là đẩy mạnh công tác truyền thông từ phía các ngân hàng cho người sử dụng thẻ về công tác bảo mật; nâng cao cảnh giác, thận trọng trong việc thực hiện các giao dịch thanh toán.

Kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô ảnh 2 Quang cảnh phiên chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Công an khẩn trương điều tra làm rõ các nguyên nhân; xử lý nghiêm minh các hành vi gian lận; qua đó cảnh báo các tổ chức tín dụng, người sử dụng thẻ nâng cao ý thức cảnh giác; nâng cao bảo mật thanh toán.

Chưa đồng tình với phần trả lời của Thống đốc về vấn đề an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu thực thế thời gian qua có tình trạng khách hàng đột ngột mất tiền trong tài khoản. Việc này diễn ra không nhiều, không lớn, nhưng cũng tạo ra sự lo ngại cho khách hàng. Đầu tư cho hệ thống bảo mật của các ngân hàng cũng khác nhau. Thời gian tới, Thống đốc có chỉ đạo như thế nào để mang lại niềm tin cho khách hàng?

Thừa nhận ngoài các vụ việc liên quan đến an toàn thanh toán thẻ, có những vấn đề về an toàn tiền gửi tiết kiệm, Thống đốc thông tin sau khi có thông tin liên quan đến các vụ việc tại các tổ chức tín dụng, thanh toán thẻ, Ngân hàng Nhà bước đã kịp thời chỉ đạo ngân hàng tỉnh, thành phố thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ thông tin, phối hợp với cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người gửi tiền.

Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng các biện pháp kiểm soát, giảm thiểu các hành vi phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các quy định về phòng ngừa hành vi vi phạm; tập trung rà soát quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ; quản lý rủi ro; tăng cường các hoạt động an ninh an toàn kho, quỹ và trụ sở các phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.

[Thủ tướng yêu cầu đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán]

Ngành tập trung nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm của cán bộ; yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài rà soát, đảm bảo cán bộ ngân hàng thực hiện đúng các quy định, trình tự, thủ tục nội bộ; nêu cao trách nhiệm trong việc rà soát chất lượng cán bộ, nâng cao đạo đức nghề nghiệp; thường xuyên luân chuyển cán bộ ở những vị trí trực tiếp liên quan đến giao dịch với khách hàng để đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng phải công bố công khai các thông tin, quy trình nghiệp vụ cho khách hàng; nâng cao ý thức cảnh giác của khách hàng về bảo mật thông tin cá nhân.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan thanh tra giám sát, phổ biến các hành vi vi phạm; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường ngăn ngừa, phòng chống các hành vi vi phạm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tổ chức tín dụng, Thống đốc khẳng định.

Minh bạch hoạt động các công ty tài chính tiêu dùng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) về việc quản lý các công ty tài chính tiêu dùng, nhất là các công ty cho vay với lãi suất cao, dễ dẫn đến tình trạng lộn xộn, tác động không tốt đến thị trường tiền tệ, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết mặt bằng lãi suất cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng cao hơn mặt bằng lãi vay sản xuất kinh doanh và lãi suất cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định cụ thể; ban hành Thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính nhằm làm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động cho vay cũng như lãi suất cho vay của các công ty đối với khách hàng. Đặc biệt Ngân hàng Nhà nước đã có quy định các công ty tài chính phải công bố công khai lãi suất điều kiện cho vay; ban hành quy định về phương pháp tính lãi. Những quy định này là rất minh bạch.

[Cho vay tiêu dùng: Thị trường vào thời kỳ "trăm hoa đua nở"]

Trong các Chương trình, Đề án của Chính phủ về thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có một nhóm giải pháp riêng để tăng cường việc cơ cấu lại các công ty tài chính, trong đó có hoạt động tài chính tiêu dùng với lộ trình áp dụng riêng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các công ty tài chính phải xây dựng phương án cơ cấu lại đến năm 2020 và giao cho các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước giám sát.

Công tác thanh tra đối với tài chính tiêu dùng cũng là một trong những nhiệm vụ mà trong thời gian tới Ngân hàng nhà nước Việt Nam sẽ tăng cường chỉ đạo các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện để đảm bảo hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng là minh bạch công khai, đúng quy định pháp luật, Thống đốc nêu rõ.

Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng cho an toàn, lành mạnh cũng để góp phần đảm bảo khả năng tiếp cận vốn. Đây là vấn đề nền tảng, thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo để phát triển mạng lưới.

Đánh giá sự an toàn của các tổ chức tín dụng

Đại biểu Bùi Thị Hiền Mai (Hà Nội) đặt câu hỏi thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước có đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm ngân hàng hay không? Đặc biệt là tiến tới công khai cho người dân biết, để người dân không sốc, bất ngờ đột nhiên có ngân hàng bị xếp vào hàng bị kiểm soát đặc biệt?

Về nội dung này, Thống đốc nhấn mạnh hiện Ngân hàng Nhà nước thực hiện xếp hạng các tổ chức tín dụng theo Quyết định 06 quy định xếp loại Ngân hàng thương mại cổ phần ban hành từ năm 2008. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, việc triển khai Quyết định số 06 có nhiều điểm chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý và quy định của pháp luật. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, để phù hợp với đặc điểm hoạt động của các tổ chức tín dụng ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định về xếp hạng các tổ chức tín dụng để thay thế Quyết định số 06. Theo đó, dự thảo Thông tư sẽ quyết định, đánh giá phân loại không chỉ các ngân hàng thương mại cổ phần, mà còn áp dụng cho cả các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, các tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức tín dụng phi ngân hàng.


[Đại biểu Quốc hội: Thời kỳ vàng của một số ngân hàng cũng rất khó khăn]

Các tổ chức tín dụng sẽ được đánh giá theo các tiêu chí về vốn, chất lượng tài sản, năng lực quản trị, điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản và mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường... Với những tiêu chí cả về định lượng, định tính và định kỳ hàng năm, sẽ đánh giá xếp hạng các tổ chức tín dụng và các kết quả xếp hạng này sẽ được công bố cho từng tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, theo Thống đốc, việc công bố các kết quả này chỉ thông báo cho các tổ chức tín dụng vì các tổ chức quốc tế đã công bố xếp hạng với mục tiêu tham khảo cho nhà đầu tư và người gửi tiền, để đưa ra các quyết định đầu tư. Về phía mình, các cơ quan quản lý sẽ xếp hạng để phục vụ quản lý Nhà nước, ban hành biện pháp quản lý phù hợp. Có thể sử dụng kết quả này để đánh giá sự an toàn của các tổ chức tín dụng, phát hiện tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời trong nước, tới đây sẽ phát triển các công ty xếp hạng tín nhiệm để có thể xếp hạng các ngân hàng, các cơ quan quản lý nhà nước.

Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền

Xung quanh vấn đề xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) chất vấn Thống đốc về trách nhiệm xử lý kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối tháng 8/2017 về năng lực thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó có nội dung chậm ban hành quyết định đưa tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Thống đốc xử lý vấn đề này như thế nào?

Thống đốc Lê Minh Hưng nêu rõ sau khi có kết luận thanh tra, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai công tác kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan; đồng thời sẽ báo cáo kết quả xử lý với Chính phủ trong thời gian tới.

Giải thích nội dung liên quan đến Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình có điều khoản miễn trừ trách nhiệm cho cán bộ ngân hàng tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Nhưng thực tế, nhiều ngành khác cũng rủi ro, nhưng không có ngành nào có điều khoản miễn trách nhiệm. Thống đốc nêu quan điểm: Chính phủ, các cơ quan soạn thảo không đề nghị miễn trừ trách nhiệm với cá nhân có vi phạm, mà xem xét những quy định để tạo điều kiện cho các cán bộ có năng lực, trình độ tham gia cơ cấu lại ngân hàng yếu kém; đồng thời không đề nghị miễn trừ trách nhiệm cho các hành vi vi phạm pháp luật. Nếu cán bộ nào tham gia quá trình tái cơ cấu mà thực hiện hành vi vi phạm thì phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô ảnh 3Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mong muốn có quy định trong dự thảo Luật, tạo điều kiện cho các cán bộ có năng lực, trình độ tham gia cơ cấu lại ngân hàng để họ yên tâm công tác. Bởi các cán bộ làm công tác này đều được tăng cường từ các tổ chức tín dụng nhà nước, ngân hàng thương mại sang để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng cổ phần. Đây cũng là thông lệ của các nước trong việc xem xét trách nhiệm với cán bộ trong tái cơ cấu.

Giải đáp câu hỏi của đại biểu Tô Bích Châu (Thành phố Hồ Chí Minh) về phương án xử lý các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém, Thống đốc khẳng định các phương án xử lý đều phải đặt mục tiêu đầu tiên là bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, củng cố lòng tin của người dân; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, không để gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. Đây cũng là mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Đối với những trường hợp cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ báo cáo Chính phủ và Quốc hội xem xét, xử lý.

Chủ động, linh hoạt, thận trọng trong điều hành

Kết luận phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết tại phiên chất vấn này, các đại biểu Quốc hội đã đặt 39 câu hỏi đối với Thống đốc, năm đại biểu chất vấn. Chủ tịch Quốc hội đánh giá phiên chất vấn với vấn đề thứ 2 diễn ra sôi nổi, các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, cụ thể, trúng vấn đề. Mặc dù lần đầu trả lời chất vấn nhưng Thống đốc đã nắm chắc được tình hình, thực trạng, làm rõ những vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu và đưa ra các giải pháp khắc phục. Phần trả lời của Thống đốc nhận được sự hài lòng của các đại biểu Quốc hội và được cử tri đánh giá cao.

Chỉ ra những mặt thuận lợi cũng như khó khăn, bất cập trong lĩnh vực này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội; chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong đó, ngành ngân hàng cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện các giải pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, chất lượng, phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô ảnh 4Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngành nghiên cứu sớm sửa đổi Nghị định 55 về chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn, chú trọng cho vay đối với các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, có giải pháp hỗ trợ nhân dân vùng bị thiên tai, lũ lụt sớm khôi phục hoạt động sản xuất, ổn định đời sống; đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp; khẩn trương tiến hành sửa đổi, bổ sung thay thế các quy định về tổ chức hoạt động của các tổ chức tín dụng; triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về lĩnh vực tín dụng ngân hàng, nhằm nâng cao năng lực quản trị, điều hành, bảo đảm an toàn, giảm thiểu rủi ro trong hợp đồng ngân hàng.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tích cực triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy hỗ trợ cho hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán qua mạng; tăng cường huy động nguồn lực, vàng, ngoại tệ trong nhân dân để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh; tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước; xử lý căn bản và thực chất nợ xấu, có các giải pháp phù hợp để khuyến khích các cá nhân, tổ chức có tiềm lực tham gia vào việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Trong năm 2018, ngành rà soát, sửa đổi các quy định về hoạt động của hệ thống tín dụng nhân dân, đảm bảo có hiệu quả, đáp ứng tình hình mới; tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tiếp tục rà soát để xử lý hiệu quả tình trạng sở hữu chéo thao túng ngân hàng, đảm bảo trật tự kỷ cương và an toàn trong hoạt động ngân hàng. Ngành phối hợp với các bộ, ngành làm tốt công tác quản lý mọi mặt các hoạt động cho vay, công ty tài chính, hoạt động cho vay trong nhân dân đúng pháp luật, tuân thủ các chính sách tiền tệ; có các biện pháp cụ thể nâng cao năng lực, bộ máy quản trị của các tổ chức tín dụng; điều hành và phát triển hệ thống quản trị rủi ro và công nghệ thông tin; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hệ thống, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Ngay sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông sẽ đăng đàn, trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục