Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai tại Hòa Bình

Sau khi thiên tai xảy ra, Hòa Bình đã thực hiện công tác khắc phục và tái thiết sau thiên tai với những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện trách nhiệm cao và tinh thần đoàn kết “tương thân tương ái.”
Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai tại Hòa Bình ảnh 1Đoàn công tác khảo sát thực địa khu vực sạt lở nghiêm trọng làm 18 người chết và mất tích tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (Hòa Bình). (Ảnh: Vũ Hà/TTXVN)

Ngày 28/1, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Trưởng Ban chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả và tái thiết sau thiên tai tại tỉnh Hòa Bình.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định năm 2017 diễn biến thiên tai hết sức khốc liệt, gây thiệt hại lớn chưa từng có trong phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng.

Tuy nhiên, sau khi thiên tai xảy ra, Hòa Bình đã thực hiện công tác khắc phục và tái thiết sau thiên tai với những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện trách nhiệm cao và tinh thần đoàn kết “tương thân tương ái.”

Bộ trưởng cũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Hòa Bình phát huy mạnh mẽ tinh thần này, trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc tiếp tục thăm hỏi, động viên, quan tâm hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai năm 2017.

[Hòa Bình đẩy nhanh tiến độ tái định cư người dân vùng thiên tai]

Trả lời các kiến nghị của tỉnh Hòa Bình về việc hỗ trợ khẩn cấp đối với các công trình hạ tầng cấp bách phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đồng ý về chủ trương hỗ trợ đầu tư; trong đó yêu cầu tỉnh Hòa Bình rà soát và xác định rõ các công trình trọng yếu để ưu tiên đầu tư trước, đảm bảo kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 2018. Riêng về đề xuất hỗ trợ xử lý sạt lở khu vực phía Đông đồi ông Tượng ở thành phố Hòa Bình, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo quyết liệt, từ đó đề xuất cụ thể phương án giải quyết vấn đề một cách bài bản, chuyên nghiệp, đảm bảo tính bền vững cao giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống.

Tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đã đề nghị Đoàn công tác xem xét, hỗ trợ tỉnh Hòa Bình tháo gỡ một số “nút thắt” quan trọng nhất trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai hiện nay như ổn định đời sống dân cư; kiểm soát nguy cơ sạt lở đất tại một số địa bàn trọng yếu; hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai; hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu và kịp thời xem xét, có cơ chế hữu hiệu để tỉnh Hòa Bình triển khai hiệu quả một số dự án tiêu biểu về thu hút đầu tư trong nông nghiệp, tiếp tục chuyển đổi đất lúa sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai tại Hòa Bình ảnh 2 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trao tặng 41 suất quà Tết cho các hộ dân thuộc hai huyện Tân Lạc và Mai Châu. (Ảnh: Vũ Hà/TTXVN)

Năm 2017, thiên tai đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với tỉnh Hòa Bình làm 42 người chết và mất tích, thiệt hại tài sản ước tính trên 2.838 tỷ đồng. Hiện nay, công tác khắc phục vẫn được thực hiện tích cực, tỉnh chú trọng nhất vào công tác hỗ trợ an sinh, nhà ở và tái định cư, khôi phục sản xuất nông nghiệp và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu. Hòa Bình đã triển khai xây dựng 12 khu tái định cư cho các hộ dân chịu ảnh hưởng của thiên tai theo hình thức cấp bách (vừa thiết kế, vừa thi công). Do đó, không còn hộ dân phải sống ở lều bạt và khu ở tạm. Các công trình hạ tầng cũng đang được khẩn trương khôi phục để phục vụ sản xuất và đời sống.

Tuy vậy, các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi đến nay mới được khắc phục tạm thời, chưa kiên cố hóa trở lại để đảm bảo an toàn vận hành lâu dài; tiến độ thực hiện các dự án di dân khẩn cấp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu về thời gian để chuyển các hộ dân về ổn định đời sống. Do vậy, ​Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình kiến nghị đoàn công tác báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ để tiếp tục thực hiện hiệu quả. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ kinh phí di dân khẩn cấp tái định cư cho các hộ dân bị thiên tai với kinh phí trên 420 tỷ đồng, khắc phục sạt lở đất khu vực đồi ông Tượng và ven quốc lộ 6 tại tổ 4, phường Thái Bình, tổ 4 và tổ 5 phường Chăm Mát, thành phố Hòa Bình khoảng 250 tỷ đồng.

Trong khuôn khổ chương trình làm việc, Đoàn công tác đã đi thực địa kiểm tra công tác tái thiết hậu thiên tai tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam tặng 200 suất quà Tết cho các hộ dân tái định cư và hộ nghèo của tỉnh Hòa Bình bị ảnh hưởng bởi thiên tai năm 2017. Đoàn công tác đã trao 41 suất quà cho các hộ nghèo và ảnh hưởng thiên tai tại hai huyện Tân Lạc, Mai Châu, mỗi suất trị giá trên 1 triệu đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục