Kiên Giang hướng tới điểm đến hấp dẫn nhất vùng KT trọng điểm ĐBSCL

Tỉnh Kiên Giang đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 thấp nhất là 6,1%/năm, cao nhất đạt 7,8%/năm và trung bình đạt 7%/năm.
Kiên Giang hướng tới điểm đến hấp dẫn nhất vùng KT trọng điểm ĐBSCL ảnh 1Tàu thuyền neo đậu tại cảng An Thới, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Tỉnh Kiên Giang tập trung phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả trong vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện tốt Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng này đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh: "Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực về yếu tố con người để xây dựng Kiên Giang thành một tỉnh có chất lượng sống tốt vùng Tây Nam Bộ. Hạ tầng và môi trường đầu tư tại Kiên Giang hấp dẫn đủ thu hút nhà đầu tư hàng đầu về du lịch và dịch vụ, bất động sản và công nghệ. Thành phố Rạch Giá kết nối thông suốt với hai cực tăng trưởng là Phú Quốc và Hà Tiên, hình thành tam giác phát triển chính của nền kinh tế thương mại dịch vụ hướng biển. Đến năm 2030, Kiên Giang trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đối với du khách và nhà đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh."

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật

Tỉnh phát triển trung tâm đầu mối tại Kiên Giang gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển. Phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 6-6,5%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất thủy sản chiếm 58,4% trong ngành nông nghiệp, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản khoảng 800.000-910.000 tấn năm 2030.

Cùng đó, tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại những tiểu vùng sinh thái trên 3 vùng sản xuất trọng điểm là Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và U Minh Thượng.

Tỉnh đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cụm, khu công nghiệp, trung tâm logistics, chợ truyền thống, chợ đầu mối… trên địa bàn.

[Kiên Giang tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển]

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng và tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa, hợp lý và hiệu quả giữa các phương thức vận tải, đồng bộ về đường biển, đường bộ và đường hàng không.

Mặt khác, tỉnh phát triển nhanh kết cấu hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai thực hiện đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển và nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai đến năm 2030 với tổng kinh phí hơn 29.600 tỷ đồng.

Đặc biệt, tỉnh đột phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, thông minh và đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, thúc đẩy liên kết và hội nhập hành lang kinh tế ven biển Long An, Cà Mau và Kiên Giang, hành lang kinh tế biên giới từ Long An đến Kiên Giang.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết tỉnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính đột phá tạo ra liên kết vùng trên địa bàn.

Kiên Giang còn phối hợp với bộ, ngành Trung ương và địa phương liên quan triển khai các dự án giao thông trọng điểm như tuyến cao tốc Hà Tiên-Rạch Giá-Bạc Liêu, tuyến đường ven biển trên địa bàn tỉnh kết nối với tỉnh Cà Mau ở phía Nam; hệ thống cảng biển theo quy hoạch quốc gia gồm các cảng An Thới, Vịnh Đầm, Bãi Vòng, Mũi Đất Đỏ (TP. Phú Quốc), bến cảng tại quần đảo Nam Du (Kiên Hải), mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, điều chỉnh quy hoạch và đầu tư cảng hàng không Rạch Giá...

Phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả kinh tế vùng

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho hay địa phương ưu tiên phát triển công nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao, chế biên nông-lâm-thủy sản, công nghiệp cơ khí phục vụ các ngành nông nghiệp và ngư nghiệp, công nghiệp sử dụng nhiều lao động và công nghiệp trình độ cao.

Kiên Giang hướng tới điểm đến hấp dẫn nhất vùng KT trọng điểm ĐBSCL ảnh 2Một góc đảo Phú Quốc. (Nguồn: TTXVN)

Tỉnh phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có ứng dụng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, đảm bảo môi trường, an sinh xã hội. Qua đó, thực hiện chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, duy trì phát triển các sản phẩm quan trọng, sản phẩm xuất khẩu như: chế biến nông-lâm-thủy sản, dệt may, giày da, công nghiệp ximăng…

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn chia sẻ, tỉnh phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững với các sản phẩm trọng tâm là thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm và lúa gạo.

Tỉnh gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu với nâng cao giá trị nông sản. Tỉnh tập trung xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh trên cơ sở phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với xây dựng nông thôn mới và tăng cường liên kết đô thị-nông thôn.

Đối với ngành "công nghiệp không khói," tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương theo hướng phát triển bền vững, phát triển dựa vào cộng đồng; phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với du lịch, phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa địa phương.

Tỉnh cũng tăng cường liên kết và hợp tác phát triển du lịch Kiên Giang trong mối quan hệ liên vùng, gắn với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam bộ và các nước theo hành lang kinh tế ven biển phía Nam, khu vực ASEAN.

Lãnh đạo Sở Du lịch Kiên Giang cho hay, sản phẩm du lịch được phát triển dựa trên các loại hình sản phẩm chủ đạo gồm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch gắn với thiên nhiên, môi trường sinh thái…

Các sản phẩm du lịch này phát triển tại 4 vùng du lịch trọng điểm là Phú Quốc, Hà Tiên-Kiên Lương, Rạch Giá-Hòn Đất-Kiên Hải và U Minh Thượng; trong đó, xây dựng đảo Phú Quốc trở thành thành phố du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Cùng với các lĩnh vực kinh tế chủ lực, tỉnh tập trung nguồn lực phát triển Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Tỉnh phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; trong đó, chú trọng nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và năng lượng tái tạo, phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị ven biển…

Kiên Giang đề ra mục tiêu đến năm 2030, kinh tế biển chiếm 80% GRDP toàn tỉnh, nhưng tỷ trọng này hiện nay đã đạt. Các ngành kinh tế biển có sự chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kiên Giang đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 – 2030 thấp nhất là 6,1%/năm, cao nhất đạt 7,8%/năm và trung bình đạt 7%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 thấp nhất đạt 3.890 USD, cao nhất 5.237 USD, trung bình đạt 4.520 USD; tỷ lệ hộ nghèo dưới 2% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026-2030; tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh khoảng 50-55%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục