Kiên Giang: Tiếp nhận 226 công dân Việt Nam từ Campuchia về nước

Qua xác minh, số lao động Việt Nam được giải cứu đưa về Kiên Giang đều là nạn nhân của hoạt động lừa gạt, lôi kéo sang Campuchia làm việc dưới chiêu bài “việc nhẹ, lương cao” và bị cưỡng bức lao động.
Kiên Giang: Tiếp nhận 226 công dân Việt Nam từ Campuchia về nước ảnh 1Bàn giao công dân Việt Nam từ Campuchia về nước. (Ảnh: TTXVN phát)

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết thực hiện Công điện của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanouk ville (Vương quốc Campuchia), chiều 23/9, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên tổ chức tiếp nhận 226 công dân Việt Nam ở Campuchia về nước.

Đây là những công dân được Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Preah Sihanouk giải cứu trong chiến dịch kiểm tra người nước ngoài và trấn áp tội phạm buôn bán người từ ngày 18-22/9 ở 3 công ty nước ngoài tại Campuchia.

Theo Trung tá Nguyễn Hữu Việt, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ-Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, qua xác minh ban đầu, số lao động được giải cứu đều là nạn nhân của hoạt động lừa gạt, lôi kéo sang Campuchia làm việc dưới chiêu bài “việc nhẹ, lương cao” và bị cưỡng bức lao động trong các cơ sở, tổ chức lừa đảo do người nước ngoài làm chủ.

[Thông tin về việc giải cứu hơn 1.000 công dân Việt Nam tại Campuchia]

Hầu hết các công dân đều có giấy tờ tùy thân (36 người có hộ chiếu) hoặc bản sao, hình ảnh giấy tờ tùy thân; một số rất ít không có giấy tờ do bị mất hoặc bị công ty nơi các nạn nhân làm việc thu giữ.

Kiên Giang: Tiếp nhận 226 công dân Việt Nam từ Campuchia về nước ảnh 2Lực lượng chức năng hai nước làm thủ tục bàn giao công dân Việt Nam từ Campuchia về nước. (Ảnh: TTXVN phát)

Sau khi tiếp nhận tại cột mốc 313, lực lượng Biên phòng tổ chức phân loại các nạn nhân. Đối với công dân xuất cảnh bằng hộ chiếu được giải quyết cho nhập cảnh theo quy định.

Những công dân xuất cảnh trái phép sẽ cho làm bản tường trình, lấy lời khai để làm rõ các hành vi xuất cảnh trái phép như xuất cảnh ở khu vực nào, bằng đường nào, có bị lừa hay mua bán qua biên giới hay không...

Liên quan đến công dân ở địa phương nào, lực lượng chức năng sẽ liên hệ với công an, chính quyền ở địa phương đó để xác minh nhân thân và sẽ xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, quá trình xử lý, sàng lọc phát hiện một số công dân là nạn nhân trong đường dây mua bán người thì áp dụng quy trình sáu bước đối với nạn nhân mua bán người; trong đó ở bước thứ nhất, Bộ đội Biên phòng hỗ trợ bước đầu, sau đó liên hệ với Hội Phụ nữ, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương nơi cư trú và tại thành phố Hà Tiên để hỗ trợ nạn nhân trở về địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục