Thời gian qua, tại một số địa phương trong cả nước đã xảy ra không ít vụ việc liên quan "vấn nạn" xâm hại tình dục trẻ em. Đây là một vấn đề xã hội, muốn phòng tránh hiệu quả cần sự quan tâm của gia đình, nhà trường, các cơ quan chức năng và cả cộng đồng.
Những hậu quả đau lòng
Trong 15 năm công tác tại khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, bác sỹ Hoàng Vũ Quỳnh Trang đã chứng kiến và điều trị tâm lý cho hàng trăm trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục, trong đó có những câu chuyện đau lòng khiến bác sỹ Trang day dứt mãi.
Có lần bác sỹ Trang đã chứng kiến một em bé 5 tuổi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng chảy máu bộ phận sinh dục do bị xâm hại. Hình ảnh đứa bé 5 tuổi đau đớn khiến chị bị ám ảnh trong suốt một thời gian dài. Nguy hiểm hơn, theo bác sỹ Quỳnh Trang đó là những di chứng tâm lý sau khi trẻ bị xâm hại.
Hiện, bác sỹ Trang đang điều trị tâm lý cho một bé gái 15 tuổi bị người lái xe ôm mà mẹ thuê đưa đón sờ soạng, lạm dụng. Với hội chứng rối loạn phân ly, mỗi khi bị kích động, cô bé thường giận dữ, có xung động bạo lực và ý muốn giết người thôi thúc bởi em nhìn ai cũng biến thành người lái xe ôm kia.
“Sau gần 2 năm trời điều trị, hiện cháu đã ổn định tâm lý nhưng sự tổn thương, sự ám ảnh có lẽ sẽ đi theo suốt cuộc đời sau này của cháu,” bác sỹ Quỳnh Trang ngậm ngùi.
Theo bác sỹ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, phần lớn trẻ bị xâm hại tình dục bởi chính những người là người thân quen, hàng xóm, những người quen biết với trẻ, thậm chí là người mà trẻ tin tưởng, yêu mến. Điều này khiến cho tổn thương tinh thần của trẻ càng sâu sắc hơn mỗi khi bị xâm hại tình dục.
Dưới góc độ nghiên cứu, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Thị Kim Xuyến, Phó trưởng khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Văn hiến Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ, thực tế hiện nay, người ta mới chỉ chú trọng đến những tổn thương về mặt thể chất của trẻ bị xâm hại tình dục mà quên đi mặt nguy hiểm hơn đó là tổn thương về tinh thần.
Những tổn thương về mặt tinh thần khi trẻ bị xâm hại rất nặng nề, dẫn đến tình trạng lệch lạc về hành vi của trẻ trong tương lai, thậm chí là trẻ không coi trọng chính mình, dễ dàng sống buông thả và để lại hậu quả khó lường trong cả cuộc đời của đứa trẻ.
Cần xử lý nghiêm minh
Một trong những nguyên nhân khiến xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng là do việc thực thi pháp luật chưa nghiêm minh, các quy định pháp luật còn quá cứng nhắc.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Trần Thị Kim Xuyến, trên thế giới phân biệt biểu hiện hành vi xâm hại rất chi tiết, cả mặt thể chất lẫn tinh thần, nhưng ở Việt Nam thì chưa, dẫn đến khó xử lý mỗi khi có vụ việc xảy ra. Do vậy, luật xử lý hành vi xâm hại trẻ cần thay đổi, cập nhật cho phù hợp với thực tế xã hội hiện nay.
Cùng với đó, xã hội cần lên tiếng và các nhà nghiên cứu khoa học có những nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn về vấn đề này.
Theo một cán bộ Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, luật pháp Việt Nam vẫn còn coi trọng bằng chứng vật chất hơn, chưa có những quy định chi tiết về xâm hại, tổn thương về tinh thần.
Do vậy, kiến nghị sửa đổi nhanh luật để bảo vệ trẻ em tốt hơn, mang tính chất phòng ngừa, răn đe, linh động hơn bởi vì với những vụ án kéo dài, diễn ra thời gian quá lâu thì việc có bằng chứng cụ thể rất khó khăn.
Từ thực tế các vụ việc diễn ra trong thời gian qua, luật sư Trần Thị Bích Liên, Phó chi hội trưởng Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng khiến người đi tố cáo đơn độc còn kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ đã rây ra khó khăn cho luật sư khi tiếp nhận các vụ trẻ bị xâm hại tình dục.
“Chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận, có chế tài thật mạnh với loại tội phạm này. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng không được chậm trễ trong thụ lý khi có đơn thư tố cáo của phụ huynh, gây ảnh hưởng việc thu thập chứng cứ, thủ phạm sẽ cao chạy xa bay,” luật sư Bích Liên chia sẻ.
Ngoài việc có hình phạt thích đáng để răn đe những kẻ xâm hại tình dục trẻ em thì giáo dục giới tính sớm để trẻ tự bảo vệ mình là một trong những việc làm rất cần thiết.
Tiến sỹ Lê Thị Linh Trang, giảng viên Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2015, một dự án đưa giáo dục giới tính vào trường học đã được khởi động tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những bài giảng về giới tính, về phòng chống xâm hại đã được truyền tải đến hàng ngàn học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố một cách sinh động, khéo léo bằng phim ngắn, hình ảnh minh họa.
Tuy nhiên, theo tiến sỹ Linh Trang, thời gian qua, vẫn còn nhiều trường học, nhiều phụ huynh phản đối dự án bởi họ cho rằng giáo dục giới tính cho trẻ là đang “vẽ đường cho hươu chạy.”
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bác sỹ Hoàng Vũ Quỳnh Trang cho rằng, chính phụ huynh hãy là những người thầy, người bạn hướng dẫn trẻ các kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục.
Bố mẹ không nên phó mặc hết cho nhà trường mà nên nói chuyện với trẻ về giới tính theo từng lứa tuổi, chỉ cho trẻ biết khu vực nào trong cơ thể mình mà người khác không được sờ, chạm. Dạy trẻ không được ở một mình trong một phòng với người khác phái, cảnh giác với tất cả những mối quan hệ xung quanh.../.