Kinh nghiệm quản lí báo chí ở Singapore: Chặt chẽ và hiệu quả

Chính phủ Singapore khẳng định vai trò xây dựng đất nước của báo chí cần đạt được thông qua đưa tin chính xác, khách quan và có trách nhiệm.
Kinh nghiệm quản lí báo chí ở Singapore: Chặt chẽ và hiệu quả ảnh 1Một số ấn phẩm báo chí được đánh giá cao của Singapore. (Ảnh: Việt Hải/Singapore)

Singapore là một trong những trung tâm truyền thông chiến lược quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương. Các nhật báo Straits Times (tiếng Anh) và Lianhe Zaobao (tiếng Trung) hay kênh truyền hình Channel NewsAsia đều được đánh giá cao, là nguồn thông tin đáng tin cậy về khu vực.

Thành công này có được là nhờ chính phủ Singapore đã và đang kiên trì những chính sách tạo dựng và thúc đẩy một tầm nhìn đã được phát động từ năm 2003.

Không phải quyền lực thứ tư

Chính phủ Singapore quan niệm báo chí có thể là quyền lực thứ tư ở Mỹ hay một số quốc gia khác, khi đề ra chương trình nghị sự công khai, vận động hoặc phản đối chính sách của chính phủ và tự xem mình là trọng tài cuối cùng của chính sách và giới lãnh đạo chính trị. Song, mô hình đó không thể áp dụng tại ở Singapore, do bối cảnh khác biệt ở mỗi nước.

Chính phủ Singapore nhấn mạnh vai trò xây dựng đất nước của báo chí cần phải đạt được thông qua đưa tin chính xác, khách quan và có trách nhiệm.

Báo chí cần cẩn trọng khi đưa tin về những vấn đề liên quan đến tính sống còn của đất nước. Báo chí cũng cần khuyến khích công chúng tôn trọng thể chế nhà nước như các cơ quan tư pháp và thi hành pháp luật.

Dù có khuôn khổ pháp lý để quản lý báo chí như các quốc gia khác, song chính phủ Singapore ưu tiên cách tiếp cận ngoài luật pháp, chẳng hạn như muốn báo chí hợp tác và hiểu lý do tại sao lại phải như vậy.

Chính phủ tổ chức các cuộc gặp gỡ định kỳ với báo giới để giải thích vấn đề, giúp họ hiểu rõ hơn về chúng. Chính phủ trông đợi những chỉ trích mạnh mẽ và ý kiến khác biệt. Nhưng báo chí cũng phải chuẩn bị trước phản hồi từ chính phủ.

Nếu chính phủ im lặng, họ có thể bị công chúng hiểu sai như một dấu hiệu yếu đuối và theo thời gian, làm xói mòn niềm tin vào chính phủ.

Về báo chí nước ngoài, chính phủ Singapore nhấn mạnh, báo chí không nên được sử dụng như phương tiện để gây ảnh hưởng tới người dân Singapore về ý tưởng quản lý đất nước hay chính sách của chính phủ. Chỉ người dân Singapore và chính phủ được bầu mới có quyền quyết định hình thức quản lý đất nước cho Singapore.


Chặt chẽ và hiệu quả

Về mặt pháp lý, Singapore chủ yếu quản lý báo chí dựa trên hình thức cấp giấy phép hoạt động đánh giá lại theo năm và hình thức cổ phần sở hữu, với cơ quan chủ quản là Cơ quan Phát triển Truyền thông (MDA) thuộc Bộ Truyền thông và Thông tin (MCI).

Hai đạo luật chính liên quan đến hoạt động báo chí là Luật báo in và các ấn phẩm in (NPPA) và Luật phát thanh truyền hình (BA).

Theo NPPA, mọi tờ báo cần phải được cấp giấy phép để bán hoặc phát hành tại Singapore, nếu có số in trên 300 bản và đăng tin bài về chính trị và về các nước Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, các công ty báo in, phát thanh, truyền hình không được nhận tiền từ nước ngoài, ngoài lý do thương mại.

Hóa đơn nhận tiền từ nước ngoài cần phải được Bộ trưởng MCI phê chuẩn (với báo in) hoặc MDA phê chuẩn (với phát thanh truyền hình). Số tiền này không được phép bao gồm các thỏa thuận mua bán cổ phiếu trong các công ty truyền thông đăng kí trên sàn giao dịch chứng khoán Singapore.

Thay vì áp dụng mô hình báo chí phương Tây, chính phủ Singapore cho rằng báo chí không định kiến sẽ đưa tin chính xác và khách quan hơn. Thăm dò của Viện Gallup năm 2010 cho thấy 69% người dân Singapore tin tưởng vào giới truyền thông nước nhà.

Các cơ quan chức năng Singapore không tiến hành kiểm duyệt tùy tiện. Thay vì áp đặt kết luận riêng, MDA dành thời gian tham khảo ý kiến các hội đồng cố vấn. Có nhiều hội đồng cố vấn tại Singapore, trong đó có cả người dân bình thường làm thành viên, để giúp xây dựng định hướng nội dung và quyết định những gì nên được kiểm duyệt và những gì là chấp nhận được.

Với ấn phẩm báo chí nước ngoài, MDA khuyến cáo các nhà nhập khẩu cần “đảm bảo rằng các ấn phẩm in và phát thanh phát hành tại Singapore không nên có nội dung có thể bị phản đối về mặt đạo đức, sắc tộc hay tôn giáo, hoặc xâm hại đến lợi ích quốc gia của Singapore”. Ngoài ra, việc cấm sở hữu nước ngoài với truyền thông sở tại sẽ giúp ngăn chặn việc thao túng truyền thông về lợi ích nước ngoài.

… và “chạm nhẹ”

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng chịu sự quản lý nội dung của MDA. Cơ quan này áp dụng cách tiếp cận “chạm nhẹ” để quản lý Internet, với một bộ lọc nội dung tối thiểu.

Cách tiếp cận “chạm nhẹ” tức là vẫn để đối tượng vi phạm quy định nội dung có cơ hội sửa sai trước khi cơ quan chức năng can thiệp. Tuy nhiên, cùng với thời gian, khi công nghệ và dân trí ngày càng được nâng cao, việc sửa đổi quy định hiện hành sao cho sát thực tế hơn và hiệu quả hơn cũng là một nhu cầu cần thiết.

Từ ngày 1/6/2013, những trang web tin tức đưa tin định kỳ về Singapore và có số lượng người xem đáng kể sẽ phải đăng ký để được cấp phép hoạt động và tuân thủ hướng dẫn về hoạt động Internet tại Singapore.

MDA khẳng định sự bổ sung quy định cấp giấy phép này nằm trong nỗ lực đánh giá định kỳ tất cả các chính sách liên quan đến mạng Internet nhằm đảm bảo rằng chúng phù hợp với những diễn biến mới nhất của trong lĩnh vực này. Theo đó, “báo chí công dân mạng” sẽ được coi ngang hàng với đồng nghiệp truyền thông chính thống. Đổi lại, họ và các “biên tập viên” sẽ phải chấp nhận những trách nhiệm nghề nghiệp mà nghề báo đòi hỏi.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore Yaacob Ibrahim khẳng định các nhà cung cấp tin tức truyền thống và trực tuyến cần phải có những tiêu chuẩn chung trong công việc của mình.

Trên trang mạng xã hội Facebook cá nhân, ông Ibrahim cho rằng “những lo ngại về cái gọi là sự hạn chế trên mạng Internet (theo quy định mới) sẽ được chứng minh là không có cơ sở theo thời gian.” Bởi như ông khẳng định, chính sách quản lý nội dung mạng Internet của Singapore về thực chất không hề thay đổi, vẫn là “chạm nhẹ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục