Kinh tế Đức tăng trưởng cao hơn dự báo bất chấp khó khăn

Theo Destatis, trong quý vừa qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức tăng 0,4% so với quý trước, cao hơn mức tăng ước tính 0,3% đưa ra trong tháng 10.
Kinh tế Đức tăng trưởng cao hơn dự báo bất chấp khó khăn ảnh 1Công nhân làm việc tại nhà máy ở Herten, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số liệu của Cơ quan Thống kê liên bang nước này (Destatis) cho biết bất chấp rất nhiều khó khăn, trong quý 3, nền kinh tế Đức vẫn tăng trưởng, thậm chí ở mức cao hơn so với tính toán sơ bộ ban đầu.

Theo Destatis, trong quý vừa qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức tăng 0,4% so với quý trước, cao hơn mức tăng ước tính 0,3% đưa ra trong tháng 10. Chi tiêu tiêu dùng tăng 1%, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới vẫn là rào cản lớn đối với nền kinh tế Đức, triển vọng phát triển thời gian tới được cho là khá ảm đạm. Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều dự báo GDP giảm trong quý cuối cùng của năm 2022 và quý đầu năm sau. Tuy nhiên, sự gia tăng của chỉ số môi trường kinh doanh Ifo thời gian qua báo hiệu suy thoái kinh tế có thể không nghiêm trọng như giả định ban đầu.

Theo một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức, tăng trưởng kinh tế quý 3 tốt hơn so với dự báo của chính phủ nước này. Điều này chủ yếu là do lĩnh vực tiêu dùng tăng trưởng tốt.

Về vấn đề năng lượng, Đức đã thay thế được hầu hết các hợp đồng cung cấp dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga bằng hợp đồng với các nhà cung cấp khác. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế hiện tại tiếp tục báo hiệu một cuộc suy thoái trong thời gian tới.

[Suy thoái kinh tế tại Đức có thể ít trầm trọng hơn dự báo]

Quan chức này cho rằng điều kiện tiên quyết để suy thoái ở mức nhẹ là nền kinh tế không gặp phải tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng, đại dịch COVID-19 không bùng phát trở lại và chuỗi cung ứng tiếp tục ổn định dần.

Ngoài ra, kế hoạch giảm giá khí đốt và điện sẽ có tác động tích cực vì hỗ trợ hiệu quả cho người tiêu dùng, giúp họ giảm bớt các khoản chi cho năng lượng và có điều kiện gia tăng chi tiêu tiêu dùng.

Về các lĩnh vực khác của nền kinh tế đầu tàu châu Âu, trong quý vừa qua, kim ngạch xuất khẩu tăng 2,0%, thấp hơn mức tăng 2,4% của kim ngạch nhập khẩu. Đầu tư vào thiết bị, trước hết là máy móc, thiết bị và phương tiện sản xuất, tăng 2,7%. Trong khi đó, lĩnh vực xây dựng giảm 1,4% và do đó đã giảm 2 quý liên tiếp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục