Kinh tế Eurozone lần đầu tiên tăng trưởng trở lại sau 6 tháng suy giảm

Theo S&P Global, chỉ số Flash PMI (chỉ số dự báo trước chỉ số PMI - chỉ số nhà quản trị mua hàng) của Eurozone trong tháng 1/2023 đã tăng lên 50,2 điểm so với 49,3 điểm trong tháng 12 vừa qua.
Kinh tế Eurozone lần đầu tiên tăng trưởng trở lại sau 6 tháng suy giảm ảnh 1Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở Rome (Italy). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng trưởng trở lại trong tháng Một, lần đầu tiên sau sáu tháng, làm dấy lên hy vọng nền kinh tế châu Âu sẽ tránh được suy thoái mùa Đông này.

Theo kết quả của hãng S&P Global công bố ngày 24/1, chỉ số Flash PMI (chỉ số dự báo trước chỉ số PMI - chỉ số nhà quản trị mua hàng) của Eurozone trong tháng Một đã tăng lên 50,2 điểm so với 49,3 điểm trong tháng cuối cùng của năm 2022.

Lạm phát thấp hơn, sự cải thiện chuỗi cung ứng và việc Trung Quốc mới đây mở cửa trở lại nền kinh tế, mang lại “hy vọng” cho năm 2023 - là những yếu tố giúp nền kinh tế châu Âu được “hưởng lợi.”

Nhà kinh tế trưởng Chris Williamson của hãng S&P nhận định: “Cuộc khảo sát chắc chắn mang đến một tin tốt rằng bất kỳ cuộc suy thoái nào cũng có thể sẽ ít nghiêm trọng hơn nhiều so với lo ngại trước đây và rằng một cuộc suy thoái hoàn toàn có thể tránh được.”

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cảnh báo Eurozone vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm do nhu cầu tiếp tục giảm, dù với tốc độ chậm hơn trước.

Tại Đức, PMI tổng hợp đã tăng từ 49 điểm trong tháng 12/2022 lên 49,7 điểm trong tháng Một. Nền kinh tế lớn nhất trong Eurozone được cho là cũng được hưởng lợi khi các ngành sản xuất của “đầu tàu kinh tế” này được thúc đẩy bởi chuỗi cung ứng đang được nới lỏng.

Tình hình dường như không khả quan ở Pháp khi sản lượng trong tháng Một giảm tháng thứ ba liên tiếp, do hoạt động dịch vụ giảm mạnh.

[Niềm tin người tiêu dùng Đức được cải thiện khi giá năng lượng giảm]

Sản lượng của các nước thành viên còn lại trong Eurozone tăng trưởng trở lại, mặc dù tỷ lệ lạm phát ở khu vực này vẫn ở mức cao là 9,2%, song lạm phát đã giảm trong hai tháng liên tiếp nhờ tốc độ tăng giá năng lượng chậm lại, theo S&P.

Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde bày tỏ lạc quan rằng nền kinh tế Eurozone sẽ phát triển "tốt hơn rất nhiều" so với những lo ngại ban đầu. Bà Lagarde dự báo sẽ có sự "suy giảm chút ít" thay vì suy thoái.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ) ngày 19/1, bà Lagarde cho hay ngày càng có nhiều hy vọng các nước có thể tránh được một đợt suy thoái sâu. “Các tin tức kinh tế đã tích cực hơn trong vài tuần qua” - bà cho biết.

Sự lạc quan thận trọng của Thống đốc ECB đến từ tình hình giá năng lượng bắt đầu giảm sau khi luôn ở những mức cao trong năm ngoái vì tác động của cuộc xung đột ở Ukraine.

Những lo ngại về việc thiếu nhiên liệu đã lắng bớt khi mùa Đông năm nay không lạnh; chi phí năng lượng thấp hơn cũng góp phần giảm lạm phát tại Eurozone - vốn đã đạt đỉnh là 10,6% hồi tháng 10 năm ngoái.

Trong dự báo gần đây, ECB ước tính tăng trưởng của Eurozone trong năm 2023 sẽ đạt 0,5%, trong bối cảnh lạm phát đã đạt đỉnh và đang đi xuống, nhưng vẫn còn “quá cao.” Bà Lagarde đã tái khẳng định lãi suất sẽ tiếp tục tăng nhằm đưa lạm phát về mục tiêu 2% của ECB.

Trong thông điệp ngày 23/12 vừa qua, bà Lagarde cho biết: “Chúng tôi đang tăng lãi suất và sẽ tiếp tục tăng, với tốc độ đều, cho đến khi đạt mức có thể đảm bảo lạm phát trở lại mục tiêu trung hạn 2%.”

Mới đây, phát biểu trước báo chí Croatia - quốc gia gia nhập Eurozone vào ngày 1/1 với tư cách là thành viên thứ 20 của khối liên minh tiền tệ này, bà Lagarde nhận định tiền lương trong khu vực Eurozone đang tăng nhanh hơn so với dự đoán trước đây và ECB phải ngăn chặn điều này bởi nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát leo thang.

Croatia gia nhập Eurozone giữa lúc khu vực đồng tiền chung châu Âu đang đối mặt với sự hỗn loạn bất thường, và ECB đang cố gắng chế ngự lạm phát sau khi dành cả thập kỷ qua tung ra các biện pháp cứu trợ lớn chưa từng có để kích thích tăng trưởng kinh tế.

The bà Lagarde, nguy cơ diễn ra cuộc suy thoái mùa Đông tại Eurozone do chi phí năng lượng tăng cao “có thể sẽ ngắn và nông,” miễn là không có thêm cú sốc nào khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục