Kinh tế khó khăn: Tiêu hoang chuyển sang tiết kiệm

Chỉ mới đạt thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình (tức là trên 1.000 USD) vào năm 2008 nhưng nhiều năm qua, người dân Việt Nam lại chi tiêu theo kiểu "làm ít, tiêu nhiều". Tuy nhiên, đối mặt với những khó khăn do khủng hoảng kinh tế, nhiều người đã buộc phải tính toán lại việc chi tiêu theo hướng tiết kiệm hơn.

Chỉ mới đạt thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình (tức là trên 1.000 USD) vào năm 2008 nhưng nhiều năm qua, người dân Việt Nam lại chi tiêu theo kiểu "làm ít, tiêu nhiều". Tuy nhiên, đối mặt với những khó khăn do khủng hoảng kinh tế, nhiều người đã buộc phải tính toán lại việc chi tiêu theo hướng tiết kiệm hơn.

Từ tiêu hoang sang tiết kiệm
 
Chị Hồng Anh, một nữ doanh nhân của Hà Nội từ lâu đã không còn ghé vào mua sắm tại khách sạn Metropole, nơi đặt show room của các hãng hàng hiệu có tiếng thế giới. Nữ doanh nhân này buộc phải từ bỏ thói quen sưu tầm đồ hiệu kể từ khi những khoản đầu tư lớn của chị vào chứng khoán, bất động sản ngày càng teo lại: "Mỗi món đồ hàng hiệu trị giá tới cả vài nghìn USD trong khi đồng tiền kiếm được ngày càng khó khăn hơn. Tôi được biết, nữ giám đốc của một công ty tư nhân ở Hà Nội thậm chí phải bán cả bộ sưu tập 10 túi Louis Vuitton cùng toàn bộ nữ trang tổng trị giá cả trăm nghìn USD để trả lương nhân viên do kinh doanh sa sút", chị Hồng Anh than thở.
 
Tiến sĩ Võ Trí Thành thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét: Mức thu nhập tăng lên nhanh chóng những năm qua đã khiến một bộ phận người dân, nhất là những người có thu nhập cao, chi tiêu ngày càng mạnh tay. Tiêu dùng của người Việt Nam đã tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng GDP trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, khi đối mặt với kinh tế khó khăn thì xu hướng chi tiêu của người dân chuyển theo hướng tiết kiệm hơn.
 
Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2009 theo giá thực tế ước tính đạt 98,5 nghìn tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2008, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm 2009 tăng 8,2%, thấp hơn mức tăng 11,7% của cùng kỳ năm trước... Nhiều chuyên gia dự đoán, sức tiêu dùng trong thời gian tới còn có thể tiếp tục giảm do kinh tế khó khăn và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
 
Diễn biến tiêu thụ các mặt hàng trên thị trường cũng cho thấy: Khi kinh tế khó khăn, những mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu bị đưa vào danh sách "cắt giảm" trước tiên. Giá ôtô liên tục giảm nhưng lượng xe tiêu thụ tháng 1 của các liên doanh trong nước chỉ bằng một phần ba so với cùng kỳ 2008. Tương tự, theo dự báo của các nhà bán lẻ, sức mua điện thoại di động cho đến tháng 5 năm 2009 có thể sẽ giảm từ 30 - 40% so với mọi năm. Nhân viên một công ty phân phối sản phẩm của Sony Ericsson nhìn nhận nguyên nhân chính là người dân thay đổi xu hướng tiêu dùng: "Nếu như trước đây, những dòng điện thoại cao cấp, có tính năng vượt trội luôn được chú ý, nhất là dòng sản phẩm mới, thì thời điểm hiện tại, những dòng máy giá rẻ trên dưới 1 triệu đồng lại được nhiều người tiêu dùng lựa chọn hơn".
 
Theo tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong, nếu những người có kinh tế khá giả chỉ phải tiết giảm các nhu cầu không thiết yếu thì những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp thậm chí buộc phải "thắt lưng buộc bụng" với cả những nhu cầu thiết yếu. Chị Nguyễn Thị Lan, một cán bộ công chức nhà nước từ vài tháng nay đã phải dậy sớm hơn để tự nấu ăn sáng cho cả nhà. "Tự nấu đồ ăn sáng ở nhà rẻ bằng nửa so với ăn ngoài tiệm nên cũng tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng/tháng. Bữa trưa không nấu được thì hai vợ chồng cùng chuyển sang ăn cơm hộp, mỗi suất khoảng 15.000 đồng, tiết kiệm được nửa tiền so với trước đây cứ đi ăn tiệm”.- chị nhẩm tính.
 
Tại kênh phân phối siêu thị, thống kê của Sài Gòn- Co.op Mart cũng cho thấy những chuyển dịch đáng chú ý trong xu hướng tiêu dùng: Mãi lực của các ngành hàng thường xuyên như gạo, đường, bột ngọt tăng từ 73% lên 75%, trong khi mãi lực của các ngành hàng không thường xuyên như kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc, quần áo giảm từ 27% xuống còn 20%. Như vậy là trong thời buổi lạm phát, người tiêu dùng đã cắt giảm chi tiêu những mặt hàng chưa thật sự cần thiết để dành cho những sản phẩm thiết yếu hàng ngày.
 
"Âu yếm" hơn với hàng nội
 
Trong bối cảnh sức tiêu dùng đang trên đà giảm sút thì có một chuyển động tích cực là việc người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang dùng hàng nội. Kết quả nghiên cứu tiêu dùng gần đây của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh BSA cũng cho thấy xu hướng người tiêu dùng trong nước đang chuyển dịch từ mua hàng có nguồn gốc nhập khẩu sang hàng sản xuất trong nước. Theo đó, trong ba tháng cuối năm 2008, tỷ trọng hàng nội địa được tiêu dùng tăng từ 75,8% trong tháng 10 lên 81,4% trong tháng 12 và tỷ trọng này dự kiến sẽ còn tăng lên trong năm 2009.
 
Khách quan mà nói, lý do của chuyển dịch tiêu dùng như trên xuất phát từ nhu cầu cắt giảm chi phí của người tiêu dùng, chứ chưa phải vì hàng nội địa có thể thay thế một cách hoàn hảo so với hàng nhập khẩu. Chuyển sang mua sữa nội cho con từ vài tháng nay, chị Hoàng Oanh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tính toán: Nếu dùng sữa ngoại, chỉ riêng tiền sữa cho con đã ngốn hết 1/3 thu nhập nên tôi đã chuyển sang dùng sữa nội cho tiết kiệm hơn. Các loại sữa ngoại có giá 350.000- 400.000 đồng hộp loại 900 gram. Thế nhưng, các loại sữa cùng trọng lượng của Vinamilk hay Hanoi Milk chỉ trên dưới 200.000 đồng/hộp. Từ khi giá sữa tăng liên tục gần đây, để tiết kiệm chi tiêu, tôi đã chuyển sang mua các loại sữa nội nên cũng giảm được một nửa chi phí tiền sữa".
 
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết: Kể từ khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và ưu ái hơn với hàng nội thì tỷ trọng hàng nội trong các kênh phân phối siêu thị đã tăng từ mức 60- 70% lên mức 80- 90% hiện nay. Doanh số bán hàng nội cũng đang tăng lên tại hệ thống các siêu thị. Trong đó, một trong những ưu thế của hàng nội so với hàng ngoại là giá cả. So với giá bán lẻ các sản phẩm cùng loại của ngoại nhập, giá các sản phẩm sản xuất trong nước rẻ hơn khoảng 1/3. Chẳng hạn, sữa tươi loại 1 lít nhập khẩu từ Australia có giá trên 32.000 đồng/hộp nhưng cùng trọng lượng đó, giá sữa của các doanh nghiệp trong nước chỉ trên 20.000 đồng/hộp. Thậm chí, có rất nhiều nhóm sản phẩm trước đây khó cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại như mỹ phẩm, dụng cụ thể thao, đồ chơi thì nay cơ hội đã mở ra".
 
Sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã ló ra cơ hội cho nhà sản xuất trong nước củng cố và gia tăng thị phần. Tuy nhiên, quan trọng là các nhà sản xuất, kinh doanh của Việt Nam phải tận dụng được cơ hội này. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh BSA, quan trọng nhất là phải chớp cơ hội này để củng cố niềm tin của người tiêu dùng, để họ từ chỗ bắt buộc phải mua vì cắt giảm chi phí, sang mua vì yêu thích và tin tưởng.
 


Thu Hường (Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục