Kinh tế thế giới năm 2024: Vượt lên thách thức với triển vọng lạc quan hơn

Qua năm 2023, kinh tế toàn cầu đã tránh được một vòng xoáy suy thoái mới cùng với những tín hiệu khởi sắc, đó là cơ sở để hy vọng về một năm 2024 có phần lạc quan hơn.

Cảng hàng hóa ở Busan (Hàn Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)
Cảng hàng hóa ở Busan (Hàn Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)

Năm 2023 tiếp tục là một năm nhiều sóng gió và thách thức của kinh tế thế giới. Dư âm của đại dịch COVID-19 vẫn còn nặng nề, lạm phát cao, nhiều nền kinh tế lớn siết chặt chính sách tiền tệ kèm theo những bất ổn địa chính trị ở nhiều điểm nóng.

Dù vậy, kinh tế toàn cầu đã tránh được một vòng xoáy suy thoái mới, cùng với những tín hiệu khởi sắc. Đó là cơ sở để hy vọng về một năm 2024 có phần lạc quan hơn.

Nhiều sóng gió và thách thức

Các định chế tài chính hàng đầu thế giới nhận định kinh tế thế giới năm 2023 tăng trưởng thấp hơn mức tăng 3,3-3,5% của năm 2022. Nguyên nhân do cơn "địa chấn" tài chính toàn cầu bắt nguồn từ khủng hoảng ngân hàng Mỹ và Thụy Sĩ, cùng cuộc khủng hoảng năng lượng, xung đột tại Ukraine và Trung Đông.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2023 luôn ở tình trạng khá mong manh, dễ bị tổn thương trước những rủi ro kinh tế hay địa chính trị. Đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục để lại những cơn đau nhức nhối cho nhiều nền kinh tế.

Tiếp theo là xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có điểm dừng, gây ra những gián đoạn của thị trường năng lượng và lương thực do chiến sự. Và mới đây nhất là cuộc khủng hoảng tại Dải Gaza.

Dù khởi sắc hồi đầu năm 2023, kinh tế thế giới chưa thể thoát hẳn “bóng ma” COVID-19. Hoạt động kinh tế vẫn chưa trở về mức trước đại dịch, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, đồng thời có sự khác biệt và phân mảnh ngày càng lớn giữa các khu vực.

Các nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 0,7%, trong khi các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự kiến tăng trưởng 4% trong năm nay.

Đối với Mỹ, từng có thời điểm, nền kinh tế đầu tàu đứng bên bờ vực suy thoái khi sự sụp đổ của các ngân hàng như Signature Bank hay Silicon Valley Bank làm dấy lên đồn đoán về nguy cơ khủng hoảng ngân hàng.

Thêm vào đó, chính sách tăng lãi suất để chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã bóp nghẹt dòng tiền, tạo thêm thách thức cho nền kinh tế, khiến nhiều chuyên gia dự đoán về một cuộc suy thoái có thể xảy ra.

Đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang chậm lại ngay cả khi suy thoái đã không xảy ra. Báo cáo tháng 11/2023 của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy nền kinh tế nước này tăng trưởng 4,9% trong quý 3 năm 2023, giảm so với mức tăng 5,2% theo báo cáo trước đó.

Trong khi đó, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, giảm tốc trong quý 2 năm 2023, khi sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 mất đà do những bất ổn trong lĩnh vực bất động sản và khối nợ lớn sau nhiều năm mạnh tay đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Trong năm 2023, kinh tế thế giới cũng tiếp tục chật vật với cuộc chiến chống lạm phát. Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng đã trải qua đợt tăng giá mạnh, nhất là từ khi nguồn nhập khẩu dầu từ Nga đứt gãy.

Theo IMF, việc giá năng lượng cao và nguồn cung giảm là nguyên nhân chính khiến lạm phát lõi tăng lên ở nhiều nước.

gia-nang-luong-599.jpg
Theo IMF, việc giá năng lượng cao và nguồn cung giảm là nguyên nhân chính khiến lạm phát lõi tăng lên ở nhiều nước. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng và nguồn năng lượng, căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hamas đang đe dọa làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu vốn đã yếu ớt.

Trong kịch bản xấu nhất, nếu tình hình leo thang vượt ra khỏi Dải Gaza và lan rộng đến tận Iran, thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng dầu lớn, mặc dù sự phụ thuộc vào dầu đã giảm so với cú sốc trong những năm 1970.

Ngoài ra, quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) đã đẩy giá dầu tăng đến 25% kể từ tháng Năm, khiến lạm phát giảm chậm hơn, thậm chí còn tăng trở lại tại Mỹ.

Vẫn có niềm tin vào triển vọng tươi sáng hơn

Theo các nhà kinh tế, bước sang năm 2024, chính sách tiền tệ thắt chặt có thể vẫn tiếp tục được duy trì ở hầu hết các nền kinh tế trong nửa đầu năm và chỉ có thể được nới lỏng trở lại vào nửa cuối năm. Việc lãi suất luôn ở mức cao có thể gây ra rủi ro về ổn định, đặc biệt đối với các công ty, ngành hoặc quốc gia mắc nợ cao.

Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng các nhà hoạch định chính sách ở các thị trường phát triển không thể hạ lãi suất trước nửa cuối năm 2024, trừ phi tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến.

Ngoài ra, xung đột tại Trung Đông, với những tác động tiềm ẩn đối với thị trường năng lượng, lạm phát và niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng ở các nước công nghiệp hóa, đang treo lơ lửng nhiều rủi ro đối với phát triển kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới dự kiến trong năm 2024 sẽ chậm lại phần nào do Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, mất đà và có thể chỉ tăng 1,5%. Kinh tế Canada cũng được dự đoán sẽ chỉ tăng nhẹ. Đồng thời, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống 4,5%.

Hàn Quốc và Singapore dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn vào năm 2024 sau một năm 2023 trì trệ, trong khi Australia, New Zealand sẽ chứng kiến mức tăng trưởng yếu hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo kinh tế châu Âu có thể sẽ phục hồi, đặc biệt là khi chi tiêu tiêu dùng được cải thiện nếu không xuất hiện những cú sốc mới gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.

Khu vực Đồng tiền Chung châu Âu và Liên minh châu Âu có thể sẽ quay trở lại tăng trưởng mạnh hơn ở mức 0,7%, nhờ chi tiêu tiêu dùng thực tế và đóng góp nhỏ từ ngoại thương.

Tại châu Á-Thái Bình Dương, sự phát triển bùng nổ đặc biệt của Nhật Bản đang dần đi đến hồi kết với tăng trưởng quý 2 năm 2023 rất yếu. Dù vậy, năm 2024, Đất nước Mặt Trời mọc được dự báo tăng trưởng trên mức tiềm năng hơn 1%.

Về lạm phát, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát toàn cầu trong năm 2024 sẽ giảm xuống dưới 6%. Quá trình giảm lạm phát có phần chậm hơn dự kiến do giá cả giảm chậm, đặc biệt là đối với dịch vụ.

Các nước công nghiệp phát triển nhìn chung đang đạt được tiến bộ nhanh hơn các nước đang phát triển và mới nổi. Động lực quan trọng cho quá trình ổn định lại lạm phát là giá nguyên liệu thô đang suy giảm.

Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu sẽ cần ít nhất đến năm 2025 để đưa tỷ lệ lạm phát xuống gần với mức mục tiêu 2%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục