Kinh tế Trung Quốc và cú sốc tăng trưởng trong đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động kinh tế của Trung Quốc chịu cú sốc đầu tiên và rơi vào tình trạng gần như ngưng trệ trong tháng 1 và tháng 2/2020.
Kinh tế Trung Quốc và cú sốc tăng trưởng trong đại dịch COVID-19 ảnh 1Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Đông Bắc Trung Quốc ngày 9/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Năm 2019, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã rớt xuống mức thấp nhất của gần 30 năm. Tuy nhiên, con số này rất có thể vẫn cao hơn nhiều so với mức dự báo cho năm 2020.

Điều đáng quan tâm là ở Trung Quốc đã xuất hiện lời kêu gọi không đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2020, bởi rất có thể điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các chính sách vĩ mô và không giải quyết được vấn đề quan tâm hàng đầu ở Trung Quốc hiện nay là thất nghiệp.

Những cú sốc nội tại

Đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động kinh tế của Trung Quốc chịu cú sốc đầu tiên và rơi vào tình trạng gần như ngưng trệ trong tháng 1 và tháng 2/2020. Mặc dù vậy, kể từ đầu tháng 3/2020 trở lại đây, Bắc Kinh đã nỗ lực thúc đẩy việc khôi phục sản xuất kinh doanh.

Những thay đổi về đường hướng quyết sách của Trung Quốc có thể phần nào thấy được trong các chuyến thăm địa phương của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngày 10/2, khi đi khảo sát tình hình ở quận Triều Dương, thành phố Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình không chỉ đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, mà ông còn nói với người dân ở đó rằng “trong thời kỳ đặc biệt này thì không bắt tay.”

[Trung Quốc đối mặt với cơn bão thất nghiệp do COVID-19]

Đúng một tháng sau, ông Tập Cận Bình tới Vũ Hán khảo sát tình hình phòng chống dịch ở đây. Căn cứ vào những bức hình mà hãng tin Tân Hoa Xã phát đi, người ta thấy ông Tập Cận Bình và đoàn tùy tùng đều đeo khẩu trang N95.

Tuy nhiên, trong chuyến khảo sát cảng Ninh Ba ở tỉnh Chiết Giang vào ngày 29/3 vừa qua, ông Tập Cận Bình không đeo khẩu trang, qua đó dường như muốn phát đi thông điệp rằng tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc đã chuyển biến tốt, nhằm tăng cường tâm lý cho việc đẩy nhanh tiến độ hồi phục sản xuất kinh doanh.

Các chuyên gia kinh tế lạc quan cũng tin rằng dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã tới giai đoạn kết thúc. Việc khôi phục sản xuất kinh doanh đã đạt được hiệu quả rõ rệt.

Bằng chứng là Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 3/2020 của Trung Quốc tăng 16,3 điểm so với mức thấp lịch sử của tháng 2/2002, lên 52 điểm - mức cao nhất trong 30 tháng lại đây. Điều này chứng tỏ kinh tế Trung Quốc có thể vượt qua khó khăn.

Trong khi đó, những nhà kinh tế bi quan lại lo ngại rằng cùng với khả năng đối mặt với làn sóng nhiễm bệnh thứ hai, kinh tế Trung Quốc có thể phải chịu cú sốc thứ hai với rất nhiều hệ quả phát sinh.

Đối với kinh tế Trung Quốc, khoảng thời gian sau sốc sẽ là giai đoạn tỉnh giấc, giống như điều từng xảy ra với dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2003. Hoạt động kinh tế trong giai đoạn hiện nay chủ yếu là bắt tay khắc phục hậu quả dịch bệnh và tái thiết.

Tuy nhiên, trong tương lai có thể sẽ xuất hiện hàng loạt tai họa phát sinh trên lĩnh vực kinh tế như doanh nghiệp khôi phục sản xuất, nhưng lại đối mặt với sự đứt gãy của chuỗi cung ứng; công nhân trở lại làm việc, nhưng lại bị thất nghiệp; doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh tế, nhưng phải đối mặt với vấn đề nợ quá hạn…

Những cú sốc từ bên ngoài

Cùng với đó, giới kinh tế hiện nay cũng rất chú ý tới các khó khăn từ bên ngoài mà kinh tế Trung Quốc phải đối mặt. Đó là việc sau khi bị dịch bệnh "tập kích" bất ngờ, trong khi kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn hồi phục thì ở bên ngoài dịch bệnh lại lan tràn.

Đại dịch COVID-19 đã toàn cầu hóa và hậu quả nó gây ra cũng không còn bó hẹp trong phạm vi biên giới một nước nào.

Vấn đề mà kinh tế Trung Quốc đặc biệt quan tâm lúc này là những rủi ro đến từ bên ngoài, mà một trong số đó là khiến nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc giảm mạnh.

Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt 31.500 tỷ nhân dân tệ (4.436 tỷ USD), trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 17.200 tỷ nhân dân tệ.

Tháng 1 và tháng 2/2020, các doanh nghiệp của Trung Quốc cơ bản ngừng sản xuất kinh doanh, xuất khẩu chắc chắn bị ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, đối với thị trường bên ngoài Trung Quốc, sự ngưng trệ chỉ thực sự bắt đầu từ tháng 3/2020.

Số liệu thống kê đăng tải trên từ Economic Journal cho thấy tỷ lệ công nhân trở lại làm việc ở đồng bằng sông Trường Giang và đồng bằng sông Chu Giang lên tới trên 90%.

Tuy nhiên, khi nhà máy hoạt động trở lại thì phải đối mặt với nhân tố không thể làm chủ được là đơn đặt hàng giảm sút, khiến công suất hoạt động chỉ đạt khoảng 30%.

Và điều mà mọi người quan tâm chú ý nhất trong đại dịch COVID-19 vẫn là “thuyết tách rời.” Nếu như trước đây, người ta chủ yếu nói về sự tách rời kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc trong chiến tranh thương mại thì nay là việc Trung Quốc, nước lớn nhất thế giới về chế tạo, cũng là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, có tách rời quy mô lớn với thị trường bên ngoài hay không.

Các chuyên gia cho rằng với các nhân tố trong và ngoài nước nêu trên, kinh tế Trung Quốc chắc chắn bị ảnh hưởng lớn. Trong báo cáo kinh tế mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm từ mức 6,1% của năm 2019 xuống còn 2,3% trong năm 2020 và trong trường hợp tệ nhất, con số này có thể chỉ là 0,2%.

Trong khi đó, thành viên Ủy ban Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) Mã Tuấn cũng cho rằng tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2020 có thể chỉ còn 1-2%.

Ông Mã Tuấn kiến nghị rằng trước những yếu tố không xác định lớn hiện nay, Trung Quốc không nên đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP.

Do chịu ảnh hưởng bởi yếu tố dịch bệnh, Trung Quốc không thể nào đạt được mức tăng trưởng 6%, cũng rất khó khăn để đạt được mức tăng trưởng 4% hay 5%. Việc đề ra mục tiêu tăng trưởng không thực tế rất có thể sẽ “bắt cóc” chính sách vĩ mô, cuối cùng buộc Bắc Kinh phải bơm tiền mạnh.

Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, các chính quyền địa phương thường sẽ thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn. Trong khi những dự án như vậy thường phải đầu tư lớn, trong ngắn hạn không có tác dụng giải quyết vấn đề việc làm hay vấn đề dân sinh sau thất nghiệp.

Nhằm giải quyết vấn đề thất nghiệp lớn gây ra bất ổn định xã hội, chuyên gia Mã Tuấn kiến nghị Chính phủ Trung Quốc nên thực hiện việc phát hành trái phiếu đặc biệt, đầu tư thành lập quỹ bảo đảm tín dụng cho các doanh nghiệp vi mô.

Bởi doanh nghiệp vi mô thuê từ 10 nhân công trở xuống và hộ kinh doanh cá thể là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong dịch bệnh.

Theo thống kê, nhóm này có khoảng 200 triệu người, mang lại sinh kế cho khoảng 700-800 triệu người, nhưng họ cơ bản không nhận được sự hỗ trợ từ ngân hàng, cho nên cần phải có chính sách hỗ trợ để họ không bị đứt vốn, dẫn đến tình trạng thất nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục