Kịp thời hỗ trợ không để người lao động tại các khu cách ly thiếu đói

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn kịp thời triển khai các chương trình hỗ trợ không để đoàn viên, người lao động trong khu vực cách ly, phong tỏa bị thiếu đói.
Các cấp công đoàn tỉnh Bắc Giang đang hỗ trợ cho người lao động tại các khu nhà trọ phải cách ly dưới hình thức "Siêu thị 0 đồng". (Ảnh/: PV/Vietnam+)
Các cấp công đoàn tỉnh Bắc Giang đang hỗ trợ cho người lao động tại các khu nhà trọ phải cách ly dưới hình thức "Siêu thị 0 đồng". (Ảnh/: PV/Vietnam+)

Đến nay, đã có hơn 600 công nhân lao động dương tính với Sars-Cov-2. Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, hàng chục nghìn công nhân lao động phải nghỉ việc, mất việc làm do bị cách ly, nằm trong khu vực phong tỏa đang rất cần sự hỗ trợ để vượt qua khó khăn trước mắt.

Hỗ trợ 50.000 người lao động bị phong tỏa

Tính đến hôm qua 20/5, tỉnh Bắc Giang ghi nhận tổng cộng 695 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên) có 390 người mắc COVID-19; số F1 là 5.115 người, F2 là 22.080 người; khu công nghiệp Vân Trung (huyện Việt Yên) có 278 người mắc COVID-19, số F1 là 5.273; F2 là 28.959 người. Hàng chục nhìn người lao động tại các khu nhà trọ tại hai khu công nghiệp này đang bị phong tỏa.

Ông Ngô Đức Thắng, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết đối với các trường hợp công nhân lao động đang thuê trọ có hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn do phong toả, công đoàn các khu công nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở rà soát các nhà trọ, lập danh sách gửi lên Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh để phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ các nhu yếu phẩm, như gạo, mì tôm, cá khô, lạc…

“Ngay trong chiều 20/5, công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang đã xuống thôn Trung Đồng, xã Vân Trung, huyện Việt Yên để trao 1.555kg gạo của Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang tới người lao động đang thuê trọ tại thôn. Số gạo này sẽ được trao qua các chủ nhà trọ để phát tới công nhân lao động, do công nhân lao động phải tự cách ly,” ông Ngô Đức Thắng cho hay.

[Công đoàn triển khai các giải pháp đảm bảo quyền bầu cử cho công nhân]

Theo ông Ngô Đức Thắng, cho đến thời điểm này, Công đoàn các Khu công nghiệp bước đầu tổng hợp được có 15.000 công nhân lao động thuê trọ tại xã Vân Trung, xã Quang Châu, thị Trấn Nếnh, huyện Việt Yên, Bắc Giang và trong những ngày tới đây, công đoàn sẽ tiếp tục đến hỗ trợ người lao động...

Kịp thời hỗ trợ không để người lao động tại các khu cách ly thiếu đói ảnh 1Chuẩn bị thực phẩm hỗ trợ người lao động bị cách ly tại nhà trọ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Ngô Đức Thắng cho biết thêm công đoàn các khu công nghiệp tỉnh đã nhận được 1 tấn gạo và 400 thùng mì tôm các doanh nghiệp ủng hộ để gửi tới công nhân lao động đang thuê trọ. Trong hôm nay, 21/5, công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ trao quà hỗ trợ tới các khu nhà trọ tại thuộc xã Quang Châu, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, Bắc Giang.

Hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang yêu cầu Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố rà soát hỗ trợ người lao động đang bị cách ly, phong tỏa để phòng, chống dịch COVID-19 mỗi người 5kg gạo. Dự kiến, sẽ có khoảng 50.000 người lao động đang bị cách ly, phong tỏa tại các khu nhà trọ được hỗ trợ, trong đó có cả những người không phải F1, F2 nhưng phải ở lại khu nhà trọ do phong tỏa.

Không để công nhân thiếu đói

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, do chủng mới của vi rút có độ nguy hiểm cao, lây lan nhanh, khó chữa trị, đã trực tiếp tấn công vào công nhân lao động, nhất là một số khu công nghiệp tập trung đông công nhân.

Theo báo cáo từ các cấp công đoàn, tính từ ngày 27/4 đến 20/5, đã có hơn 600 ca trên tổng số 1.678 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng là đoàn viên, người lao động và hàng vạn F1, hàng chục vạn F2 là công nhân, viên chức, lao động. Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động; một bộ phận công nhân lao động phải nghỉ việc, mất việc làm do bị cách ly, nằm trong khu vực phong tỏa hoặc do doanh nghiệp dừng hoạt động.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân hảo tâm chăm lo chu đáo cho đoàn viên, người lao động đang ở khu vực bị phong tỏa. Đặc biệt, cán bộ công đoàn, các tình nguyện viên vào trao quà, nhu yếu phẩm cho công nhân lao động ngay khi đảm bảo yếu tố an toàn.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh các cấp công đoàn triển khai hỗ trợ "không để đoàn viên, người lao động trong khu vực cách ly, phong tỏa bị thiếu đói".

Theo chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, các khu công nghiệp là nơi có mật độ công nhân tập trung lớn, di chuyển rộng, công nhân lao động lại ở cùng nhau hoặc gần nhau nên khi xuất hiện các ca bệnh F0 tốc độ lây lan sẽ càng nhanh.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị công đoàn các cấp đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động để chăm lo, hỗ trợ, đảm bảo chế độ, tiền lương cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định của Bộ luật lao động 2019. Đặc biệt, các ca F0, F1, F2 và người lao động đang nghỉ việc do dịch, do thực hiện cách ly trong khu vực bị phong tỏa để có phương án hỗ trợ kịp thời.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nói về các chính sách hỗ trợ công nhân lao động.

Riêng đối với các tỉnh, thành phố đang có dịch, đặc biệt là nơi có nhiều công nhân lao động trong doanh nghiệp và trong khu công nghiệp dương tính với Sars-CoV-2, các cấp công đoàn cần chủ động bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, thường xuyên báo cáo, thiết lập đường dây nóng, nếu thấy cần thiết. Bên cạnh đó, công đoàn cần phân công cán bộ “trực chiến” phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động xử lý các tình huống phát sinh kịp thời, hiệu quả, nhất là khi có ca mắc mới, ổ dịch mới cần khẩn trương thống kê, truy vết xác định các trường hợp công nhân lao động là F1, F2 để thực hiện cách ly, xét nghiệm tạm thời./.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành quyết định hỗ trợ đoàn viên, người lao động là F0 đang điều trị bệnh, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch tối đa 3 triệu đồng/người; người lao động là F1 phải cách ly y tế tập trung tối đa 1,5 triệu đồng/người; đoàn viên, người lao động phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà, có hoàn cảnh khó khăn, lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, đoàn viên, người lao động buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa tối đa 500.000 đồng/người.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục