Ngày 27/10, tại Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (Bình Phước), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng - Ngày truyền thống Ngành Cao su Việt Nam (28/10/1929-28/10/2023). Đây là Chi bộ Cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ.
Cách đây 94 năm, vào đêm 28/10/1929, tại cánh rừng sau làng 3, đồn điền cao su Phú Riềng, Chi bộ Đông Dương Cộng sản được thành lập. Chi bộ gồm 6 đảng viên, do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư.
Sau một thời gian chuẩn bị về tổ chức, cải tổ nghiệp đoàn, xác định phương pháp đấu tranh, công tác tuyên truyền, xây dựng lực lượng cách mạng... dưới sự lãnh đạo của chi bộ, ngày 3/2/1930, cùng thời điểm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, 5.000 công nhân cao su thực hiện cuộc tổng bãi công. Với khí thế cách mạng lên cao, lôi kéo hết thảy công nhân 10 làng và dân chúng, toàn bộ đồn điền Phú Riềng chuyển thành “Khu đỏ.”
Cuộc tổng bãi công của công nhân cao su Phú Riềng đấu tranh anh dũng trong 8 ngày và giành thắng lợi to lớn, ảnh hưởng rộng rãi, để lại những bài học sâu sắc, làm rung chuyển cả hệ thống "địa ngục trần gian" ở Đông Dương lúc bấy giờ.
“Phú Riềng đỏ” không chỉ là nỗi khiếp sợ của bọn chủ đồn điền, nỗi ám ảnh của thực dân Pháp mà còn là niềm cổ vũ, tự hào vô song của đội ngũ công nhân cao su.
[Phú Riềng Đỏ - cái nôi của phong trào đấu tranh cách mạng Việt Nam]
Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Lê Thanh Hưng nhấn mạnh: Trong hai cuộc đấu tranh trường kỳ của dân tộc để giành lại độc lập, các đồn điền cao su vừa là hậu phương cung cấp nhân tài-vật lực, nuôi dưỡng, che giấu cán bộ; vừa là tiền tuyến đối đầu chiến đấu ác liệt với địch. Trên mỗi chặng đường máu lửa ấy, nhiều tấm gương yêu nước tỏa sáng, nhiều cán bộ công nhân cao su đã không tiếc máu xương cùng với đồng bào, quân dân miền Đông tạo nên bao chiến công anh dũng, góp phần xứng đáng vào chiến thắng 30/4 vĩ đại, thống nhất Tổ quốc.
Thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục củng cố và phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vẻ vang của ngành cao su; toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và ngành cao su Việt Nam tiếp tục phát triển hiệu quả, bền vững.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh nhấn mạnh, từ chiếc nôi “Phú Riềng Đỏ” đã ươm mầm, giáo dục và rèn luyện nên biết bao tấm gương hy sinh kiên cường, đấu tranh bất khuất của các thế hệ công nhân cao su, làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của ngành cao su Việt Nam.
94 năm đã đi qua, Phú Riềng Đỏ năm xưa đã trở thành mảnh đất lành với bạt ngàn cao su, đóng góp “vàng trắng” xây dựng và kiến tạo quê hương Bình Phước ngày càng giàu đẹp. Sự đóng góp của cây cao su không chỉ về mặt kinh tế, mà còn góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tham gia xây dựng nông thôn mới; giải quyết việc làm và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, thông tin đối ngoại với các nước bạn Lào và Campuchia.
Nhân dịp này, 3 cá nhân và 2 tập thể thành tích trong công tác từ năm 2017 đến năm 2021 được nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng khen thưởng cho 27 tập thể, cá nhân của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong công tác và các tập thể, cá nhân đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong giai đoạn 2018-2022.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã trao giải thưởng Phú Riềng Đỏ năm 2023 cho 6 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc nhằm ghi nhận những cống hiến cho công cuộc xây dựng và phát triển Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam bền vững./.