Kỳ vọng hoàn thành Brexit vào ngày 31/1/2020 liệu có khả thi?

Trong khi Brexit chưa chính thức được đưa vào chương trình nghị sự, các nhà lãnh đạo châu Âu đang chờ đợi kết quả bầu cử của Anh bởi đây có thể là “điểm chốt” cho kế hoạch ra đi của nước nước này.
Kỳ vọng hoàn thành Brexit vào ngày 31/1/2020 liệu có khả thi? ảnh 1Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại Telford, ngày 24/11/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phân tích của báo The Business Times, với việc nước Anh đang tiến gần đến cuộc bầu cử, các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ nhóm họp vào ngày 12-13/12 tại cuộc gặp thượng đỉnh cuối cùng của khối trong năm 2019.

Trong khi Brexit chưa chính thức được đưa vào chương trình nghị sự, Brussels và các nhà lãnh đạo châu Âu đang chờ đợi kết quả bầu cử của Anh bởi đây có thể là “điểm chốt” cho kế hoạch ra đi của nước này.

Trong khi nhiều đảng phái đối lập ở Anh giờ đây đang thúc ép đòi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về tư cách thành viên của Anh tại EU, ông Boris Johnson đang vận động tranh cử với khẩu hiểu “Thực hiện xong Brexit” vào ngày 31/1/2020.

Hơn nữa, vị Thủ tướng này khẳng định rằng cuộc bầu cử là sự lựa chọn giữa sự ổn định mà đảng Bảo thủ mang lại hay tình trạng hỗn loạn mà một liên minh chống Bảo thủ đang vận động cho một cuộc trưng cầu dân ý mới.

Tuy nhiên, dường như những tuyên bố của ông Johnson đang khiến người ta lầm tưởng.

[Brexit liệu sẽ là "miếng đòn" sẽ khiến châu Âu suy yếu?]

Trong khi ông ngầm ý việc rời khỏi EU vào tháng tới, theo điều kiện của thỏa thuận ra đi mà ông đã nhất trí với EU-27 (EU không tính Anh), sẽ đặt dấu chấm hết cho trường thiên tiểu thuyết Brexit của Anh, đây là một hy vọng hão huyền.

Với "vở kịch" Brexit kéo dài hơn ba năm rưỡi mà chưa có hồi kết, việc rời khỏi EU có hoặc không có thỏa thuận vào tháng tới sẽ chỉ là sự khởi đầu của một giai đoạn đàm phán mới sẽ giúp xác định nền chính trị Anh và thế giới khi bước vào một thập kỷ mới.

Nếu ông Johnson tiếp tục làm Thủ tướng sau cuộc bầu cử vào ngày 12/12 này, và tìm cách để thỏa thuận ra đi của ông được phê chuẩn vào tuần tới, kịch bản đó cũng sẽ không chấm dứt được cuộc chơi Brexit.

Thay vào đó, trường thiên tiểu thuyết chính trị này sẽ bước vào giai đoạn đàm phán tiếp theo: thoát khỏi 3 vấn đề cốt lõi, giải quyết tài chính, quyền công dân và biên giới Ireland, và chuyển sang một loạt chủ đề từ giao thông và ngư nghiệp đến dịch vụ tài chính và chuyển giao dữ liệu mà chúng sẽ đem lại sự phức tạp mới trong đàm phán.

Một trong những vấn đề có thể coi là phức tạp nhất đối với London kể từ khi Anh gia nhập EU những năm 1970 là giai đoạn chuyển tiếp hiện nay được đề xuất kéo dài chưa đến một năm (đến cuối năm 2020) và thời hạn đó dường như không đủ dài, bất chấp lời khẳng định của ông Johnson và các chính trị gia hàng đầu khác của đảng Bảo thủ như Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid rằng “chắc chắn thỏa thuận toàn diện cuối cùng được nhất trí trong vài tháng và chúng tôi có thể đưa ra thông qua tại Quốc hội trong năm 2020."

Tuy nhiên, tại sao một số chính trị gia châu Âu như Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney lại đề xuất giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 5 năm.

Vì ông Coveney nhận thức rất rõ những thách thức của cái mà Bộ trưởng Tài chính Anh Javid đề xuất, và điều này được củng cố bởi các nhà đàm phán khác của EU.

Lý do giải thích tại sao những khuôn khổ thời gian có thể hết sức chặt chẽ trong các cuộc đàm phán năm 2020 là bởi theo luật Brussels không được phép tiến hành các cuộc đàm phán chính thức về một thỏa thuận thương mại mới cho đến sau khi Anh phê chuẩn thỏa thuận ra đi, và EU-27 nhất trí về một sự ủy nhiệm đàm phán chung.

Tiến trình sau có thể mất vài tuần. Điều đó có nghĩa là các cuộc thảo luận chính thức không thể bắt đầu cho tới tháng 3/2020.

Tuy nhiên, hầu như không ai ở London hay Brussels sẵn sàng công khai đàm phán về việc gia hạn giai đoạn chuyển tiếp, cho dù rõ ràng cả hai bên đều có nhu cầu.

Chẳng hạn, ông Johnson đã cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử là không gia hạn thời hạn cuối năm 2020 do nhiều đồng minh ủng hộ Brexit của ông phản đối việc tiếp tục chi trả cho EU bất chấp những lợi ích nhận được.

Điều này đe dọa dựng lên một “vách đá” mới trong các cuộc đàm phán và trên thực tế có thể là mối đe dọa về một Brexit không thỏa thuận trong nửa cuối năm 2020.

Bởi vậy, thay vì đảng Bảo thủ đem lại sự ổn định cho quốc gia sau bầu cử, vài tháng tới có thể chứng kiến sự xuất hiện trở lại của tình trạng bất ổn về chính trị và kinh tế như năm 2019.

Gạt sang một bên cú sốc kinh tế mà Brexit “cứng” vào cuối năm 2020 có thể gây ra, điều mà một số người ủng hộ Brexit không nhận ra là cách thức "ra đi" như vậy có thể chi phối hoạt động chính trị đối nội trong nhiều năm.

Điều này ảnh hưởng nhiều đến mức phần còn lại của chương trình nghị sự chính sách đối nội của ông Johnson có khả năng hoàn toàn bị gạt sang bên lề, đặc biệt do những căng thẳng chính trị gia tăng giữa Anh, Scotland, Bắc Ireland và xứ Wales về vấn đề Brexit.

Nếu Anh thực sự rời EU mà không có thỏa thuận, cả Brussels và London gần như chắc chắn phải quay trở lại bàn đàm phán trong những tuần sau đó.

Những cuộc thảo luận như vậy có thể kéo dài hơn đáng kể nếu ông Johnson muốn đảm bảo một thỏa thuận cuối cùng, toàn diện trong giai đoạn chuyển tiếp.

Ngoài vấn đề chuyển tiếp, tiến trình đàm phán có thể trở nên khó khăn hơn với tình trạng bế tắc tương tự như trước đây, liên quan đến vấn đề tự do di chuyển của công dân để đổi lấy việc tiếp cận thị trường chung châu Âu.

Trong khi đó, sức ép về thời gian có thể nặng nề hơn nếu nền kinh tế Anh bị tổn thương nhiều hơn so với EU.

Một nhân tố có thể làm cho việc hoàn tất một thỏa thuận Anh-EU cuối cùng, toàn diện trở nên khó khăn hơn là ngoài giai đoạn chuyển tiếp chính thức mà chỉ cần đa số các nước phê chuẩn, cần có sự thống nhất của 27 nước thành viên EU để thông qua thỏa thuận.

Nhìn chung, tuyên bố “Hãy hoàn thành Brexit” của ông Johnson có thể là khẩu hiệu tranh cử có sức mạnh, nhưng liệu nó có thực sự khả thi.

Việc Anh rời khỏi EU không thể kết thúc vào cuối tháng 1/2020, với việc có hay không có một thỏa thuận, những năm đàm phán phức tạp và chi tiết sau đó sẽ định hình nền chính trị nước Anh và thế giới trong thập kỷ tiếp theo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục