Brexit liệu sẽ là 'miếng đòn' sẽ khiến châu Âu suy yếu?

Theo nhận định của giới phân tích, Brexit có thể sẽ là yếu tố làm thay đổi cán cân vị thế các nước thành viên của EU, quá đó gây nên những rạn nứt trong nội bộ khối này.
Brexit liệu sẽ là 'miếng đòn' sẽ khiến châu Âu suy yếu? ảnh 1Brexit đã, đang và sẽ tiếp tục khiến EU phải đau đầu. (Nguồn: ABC)

Theo một nghiên cứu mới được tiến hành liên quan tới nội dung đưa tin về cuộc tổng tuyển cử sớm ngày 12/12 của các tờ báo và kênh truyền hình trên cả nước Anh gần đây, có một thực tế đáng lo ngại là người ta dường như đang bỏ qua khía cạnh quan trọng nhất của các cuộc tranh luận về Brexit.

Kết quả cho thấy chỉ khoảng 3% số nội dung liên quan tới Brexit đề cập tới việc sự ra đi của nước Anh sẽ ảnh hưởng thế nào tới sự ổn định và an ninh châu Âu trong tương lai.

Giáo sư David Deacon-làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Thông tin Liên lạc và Văn hóa thuộc trường Đại học Loughborough, đơn vị tiến hành cuộc thăm dò-nói: “Dù thực tế rõ ràng rằng đó là một trong những vấn đề quan trọng nhất của Brexit song dường như người ta lại không mấy để tâm nó khi tham gia sự kiện được xem là cuộc bầu cử Brexit này.

Nhiều chuyên gia về chính trị và lịch sử châu Âu đã rất bất ngờ trước sự lệch lạc trong cách đưa tin của truyền thông, và nhiều người đã phải cảnh báo về những hệ lụy trước mắt. Giáo sư Beatrice Heuser, Trưởng khoa quan hệ quốc tế của trường Đại học Glasgow, bình luận: “Trong lịch sử, chúng ta biết rõ rằng thất bại trong việc đảm bảo sự đoàn kết và ổn định của châu Âu đã đem lại những hậu quả tồi tệ… Thực sự đáng lo ngại khi cuộc tổng tuyển cử về Brexit lại gần như bỏ qua hoàn toàn yếu tố liên quan tới sự ổn định và an ninh châu Âu, thứ cực kỳ quan trọng trong các cuộc đàm phán Brexit hiện tại…"

Ông nói tiếp: "Chúng ta không thể đoán được tương lai, điều duy nhất chúng ta có thể là làm dự đoán những rủi ro phía trước và hiểu rõ cách mà chính trường châu Âu và thế giới từng chống chọi trong quá khứ. Rõ ràng, sự suy yếu của tinh thần đoàn kết châu Âu, sự thù địch ngày càng gia tăng trong vấn đề kinh tế-chính trị và leo thang chủ nghĩa dân tộc cuối cùng sẽ tạo ra một mối đe dọa cực kỳ lớn đối với nước Anh và toàn bộ châu Âu.

Theo giới chuyên gia, sự ổn định tại ít nhất 16 khu vực thuộc EU (và các vùng lãnh thổ liền kề) có thể chịu tác động trong trung và dài hạn sau Brexit và những căng thẳng nảy sinh do đó trong lòng châu Âu chắc chắn sẽ khiến EU suy yếu nghiêm trọng. Những khu vực nằm trong dự đoán này là nằm ở Đông Nam châu Âu, gồm Trung Romania, Bosnia, Kosovo, Đông Aegean, Nam Bulgaria, Ukraine, vùng Moldova và phía Đông Địa Trung Hải; 3 khu vực ở Đông Bắc châu Âu là các nước vùng Baltic, Belarus và Kaliningrad; cùng ít nhất 2 khu vực ở Tây Âu là Catalonia và Flanders. Brexit cũng sẽ gây bất ổn nghiêm trọng cho Anh bởi sự kiện này sẽ càng khích lệ mục tiêu giành độc lập của Scotland, đe dọa hòa bình tại Bắc Ireland khi áp lực tái thống nhất với Ireland gia tăng, và cùng với đó là nguy cơ làm nảy sinh những rắc rối lớn liên quan tới Gibraltar.

Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và chính trị, Brexit sẽ dần thay đổi cán cân chính trị trong EU, gia tăng vai trò trung tâm của Đức trong lĩnh vực kinh tế, làm nổi rõ hơn những bất đồng giữa Paris và Berlin, đồng thời khoét sâu rạn nứt giữa khu vực Nam và Bắc Âu. Hơn thế nữa, những chia rẽ nội bộ EU và căng thẳng kinh tế-chiến lược hậu Brexit tiềm tàng giữa EU và Mỹ, giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ rất có thể sẽ khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) càng suy yếu hơn.

Trên thực tế, EU và NATO vẫn luôn được xem là hai cấu trúc song song giúp duy trì hòa bình cho châu Âu suốt một thời gian dài. Một số nhà sử học lo ngại rằng một EU suy yếu sẽ tạo điều kiện để chủ nghĩa dân tộc dân túy gia tăng tại nhiều nước thành viên, và dẫn đến ý định ly khai của một số cộng đồng thiểu số tại những quốc gia này.

[Brexit khiến người Đức có 'cuộc hôn nhân' không hạnh phúc với Pháp]

Giáo sư Conan Fischer, một chuyên gia về lịch sử châu Âu hiện đại tại trường Đại học St Andrew, tác giả cuốn “A Vision of Europe” (tạm dịch: Tầm nhìn châu Âu), bình luận: “Sự suy yếu của Liên minh châu Âu sẽ làm gia tăng nguy cơ chủ nghĩa dân tộc dân túy cánh hữu thu hút được thêm nhiều sự ủng hộ trên lục địa.

Giới chuyên gia lo ngại rằng sự thù địch và chủ nghĩa li khai dù là những vấn đề cần lo ngại song sự gần gũi về mặt địa lý với Nga và nguy cơ bất ổn mới thực sự là vấn đề lớn. Giáo sư Heuser nói: “Những tính toán sai lầm của Nga hay NATO về việc can thiệp công khai hoặc mượn tay kẻ khác tại những điểm nóng châu Âu, hoặc thậm chí chỉ là một hiểu nhầm nhỏ, có thể gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.

Ông cũng nhấn mạnh sự suy yếu của EU nhiều khả năng sẽ khiến NATO càng trở nên yếu kém hơn, và từ đó gia tăng cơ hội cho các đối thủ khác. Sắc tộc và lịch sử là hai yếu tố được nhiều quốc gia tận dụng ngày càng nhiều để gia tăng ảnh hưởng (và đôi khi là cả quyền lực chính trị) tại các nước EU láng giềng và những khu vực khác, vì vậy một EU chia rẽ về mặt chính trị chắc chắn sẽ càng củng cố xu hướng này.

Các nhà sử học cho rằng thế hệ trẻ là những người phải trả giá nhiều nhất cho những tính toán chính trị sai lầm từng hủy hoại châu lục, và xét cho cùng chính các chính trị gia thế hệ trước phải chịu trách nhiệm về điều này. Giáo sư về chủ nghĩa dân tộc Roger Griffin, làm việc tại trường Đại học Oxford Brookes, bình luận: “Trái ngược với những hy vọng khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chúng ta bước vào một giai đoạn xung đột chính trị và hệ tư tưởng mới – giữa những người kỳ vọng vào một thế giới thống nhất và tốt đẹp hơn với những người muốn thúc đẩy tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, thúc đẩy sự cực đoan sắc tộc và tôn giáo. Tôi e là những kịch bản cũ có thể tái diễn, dù là dưới hình thức khác, song chúng vẫn sẽ rất tệ hại. Brexit có thể khích lệ hơn nữa chủ nghĩa dân túy cánh hữu tại châu Âu và làm suy yếu mục tiêu xây dựng một lục địa ổn định, dựa trên bản sắc châu Âu chung.

Trong khi đó, Giáo sư Fischer nói: “Sự hiện diện của Anh tại châu Âu là nhân tố then chốt giúp duy trì ổn định và an ninh tại lục địa. Vì vậy, điều quan trọng là truyền thông phải thúc đẩy nhận thức sâu sắc về điều này”. Giáo sư Timothy Garton Ash, chuyên gia về châu Âu tại Đại học Oxford, nhấn mạnh: “Có một thực tế là 3 cường quốc Tây Âu gồm Anh, Đức và Pháp – đều là thành viên EU – đã giúp châu Âu vận hành một cách hiệu quả trong nhiều thập kỷ. Sự ra đi của Anh khỏi tam giác này nhiều khả năng sẽ thay đổi sự cân bằng tinh tế giữa các quốc gia và khiến liên minh suy yếu… Hơn thế nữa, sau Brexit, nếu căng thẳng nảy sinh giữa Anh và EU, Anh sẽ tìm cách chia rẽ và thao túng châu Âu, một viễn cảnh càng khiến lục địa này rạn nứt nhiều hơn”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục