Lách kẽ hở luật, "phù phép" hàng lậu thành hợp pháp

Hơn 9.000 vụ kiểm tra trong năm 2012 nhưng không làm "chùn tay" các đối tượng buôn lậu. Ngoài yếu tố về lợi nhuận khổng lồ thì một trong những nguyên nhân "rất căn bản" là gian thương đã lợi dụng những kẽ hở trong thông tư 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA để hợp thức hóa đơn để "phù phép" hàng lậu thành hàng hợp pháp.

Trước dự báo tình hình buôn lậu, hàng giả còn tiếp tục diễn biến phức tạp, mới đây, Thủ tướng Chính Phủ đã có chỉ đạo yêu cầu tất cả các lực lượng chức năng phải vào cuộc.

Hơn 9.000 vụ kiểm tra trong năm 2012 nhưng không làm "chùn tay" các đối tượng buôn lậu. Ngoài yếu tố về lợi nhuận khổng lồ thì việc lợi dụng thông tư 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA để hợp thức hóa đơn đang là vấn đề nổi cộm làm giảm hiệu quả của công tác chống buôn lậu.

Biết hàng lậu mà phải "bó tay"!

Sáng 22/12, Đội Quản lý thị trường số 5, Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra bốn xe tải chở đầy quần áo do lực lượng 141 công an Hà Nội chuyển giao vì có dấu hiệu nghi là hàng nhập lậu.

Nhưng khá bất ngờ là sau khi chủ hàng xuất hiện thì với bốn bộ hóa đơn được kê khai rất chung chung từ số lượng chủng loại, thậm chí là giá cả thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của lô nên hơn một nửa trong số đó buộc phải trả lại vì hàng hóa có giấy tờ "hợp pháp".

Gần đây nhất, ngày 24/12, khi tiến hành kiểm tra kho hàng của công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Bắc Thời Trang, tại 20 Mạc Thị Bưởi, Vĩnh Tuy, Hà Nội. Đội Quản lý Thị trường số 5 cũng đã phát hiện rất nhiều hộp mỹ phẩm dán nhãn Revlon có dấu hiệu là hàng nhập lậu, nhưng sau khi kiểm tra thì cũng không thể tiến hành thu giữ được vì chủ hàng sau đó đã xuất trình nhiều bộ hóa đơn chứng từ liên quan đến lô hàng mà tại thời điểm kiểm tra "còn thiếu."

Đây không phải là những trường hợp cá biệt, bởi ngay tại một địa bàn "nóng" nhất của Hà Nội là quận Hoàn Kiếm. Sau nhiều đợt ra quân của lực lượng liên ngành nhưng số lượng hàng hóa vi phạm thu giữ đượccũng chỉ đạt con số rất khiêm tốn.

Bởi theo ông Nguyễn Sỹ Bình, Trưởng phòng Kiểm tra, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, khó nhất là các đối tượng hợp thức hóa đơn để buôn lậu hàng hóa, trong đó chỉ cần ghi lệch đi là hàng thanh lý với giá rất "bèo" chỉ từ 15.000-30.000 đồng, đã làm thất thu rất nhiều tiền thuế rồi, nhưng quan trọng hơn là lực lượng chức năng cũng không làm gì được vì thiếu hành lang pháp lý.

"Điều đó đã phản ánh một thực tế là dù biết phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, nhưng hiệu quả trong công tác đấu tranh thì lại rất hạn chế, chưa tương xứng với tình hình hiện nay," ông Bình nói.

Kẽ hở từ thông tư 60

Thông tư 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA ngày 12/5/2011 được cho là một biện pháp giảm thiểu những thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trong quá trình mua bán trao đổi hàng hóa.

Tuy nhiên, quá trình triển khai đã nảy sinh nhiều bất cập, trong đó việc quy định “Hàng hóa nhập khẩu mua lại của các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh chỉ cần có hóa đơn bán hàng của bên bán là đủ và có thể xuất trình hóa đơn của lô hàng trong vòng 72 giờ” đã tạo ra kẽ hở để các đối tượng buôn lậu hợp thức hóa hàng nhập lậu.

Tại buổi tổng kết công tác Quản lý thị trường năm 2012, sáng 14/1, tại Hà Nội, ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho biết, mặc dù tại thời điểm kiểm tra, nhiều doanh nghiệp không xuất trình được hóa đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu. Nhưng theo quy định của thông tư 60 là chế độ hóa đơn sau 72 giờ kể từ thời điểm kiểm tra nên hàng nhập lậu lại được hợp thức hóa.

"Vướng mắc căn bản của Thông tư liên tịch là không có quy định về việc xử lý đối tượng và hàng hóa khi truy ngược nguồn gốc chứng từ, hóa đơn do người vận chuyển, kinh doanh xuất trình trên khâu lưu thông làm mất hiệu lực của công tác chống buôn lậu," ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh, hiện nay cơ quan thuế vẫn chưa có quy định về việc ghi hóa đơn phải ghi theo tên nhãn hàng hóa được quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP, do vậy không có cơ sở để đối chiếu và phân loại hàng hóa.

Đồng quan điểm này, ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng phòng cảnh sát kinh tế và Quản lý chức vụ công an Hà Nội cũng tỏ ra bức xúc, bởi lẽ dù biết mười mươi là hàng nhập lậu, nhưng lực lượng chức năng không dám kiểm đếm ngay vì sợ đối tượng có thể lợi dụng thông tư 60 để sau 72 giờ (theo thời hạn phải xuất trình hóa đơn), có thể ghi bất cứ cái gì vào trong hóa đơn để hợp thức.

Thậm chí, theo ông Sơn do nghi vấn hóa đơn lập khống nên khi tiến hành xác minh tại các Doanh nghiệp xuất bán (chủ yếu các doanh nghiệp này ở tỉnh khác) kết quả xác minh lại càng bất ngờ, vì có thể hóa đơn là hợp pháp nhưng về nguồn gốc thì thậm chí doanh nghiệp xuất bán hóa đơn lại không hề nắm được chứng từ đầu vào của hàng hóa đó.

"Hiện nay chưa có văn bản quy định rõ việc xử lý đối với những sai phạm nêu trên, nên tình trạng hợp thức bằng hoá đơn tài chính để xuất bán cho các cơ sở kinh doanh khác ngày càng phổ biến," ông Sơn nêu ý kiến.

Do vậy, các tham luận tại hội nghị tổng kết đều kiến nghị cần sớm sửa đổi thông tư 60 để tăng hiệu quả chống buôn lậu. Trong đó, theo ông Vương Trí Dũng cần rút ngắn thời gian xuất trình hóa đơn, chứng từ, tính hợp pháp của hàng hóa từ 72 giờ xuống còn 24 giờ.

Hơn nữa, là có chế tài xử phạt nặng các đối tượng xuất hoá đơn khống về nguồn gốc hợp pháp và tiến hành truy thu thuế các hành vi như trên, có như vậy mới đảm bảo tính răn đe và sự nghiêm minh của pháp luật.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh đến những bất cập của thông tư 60. Tuy nhiên, theo ông Nam, do Bộ Tài Chính là cơ quan chủ trì nên thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập hợp những vướng mắc của các địa phương để kiến nghị sửa đổi.

"Năm 2013 dự báo tình hình buôn lậu, hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp. Thủ tướng Chính Phủ đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phải vào cuộc để kéo giảm rõ nét vấn đề trên," ông Nam nêu rõ./.
 Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, năm 2012 đã kiểm tra 9.267 vụ, xử lý 8.754 vụ, thu 65,17 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2011. Trong đó xử lý hàng lậu là 1.365 vụ, xử phạt hành chính là 4,3 tỷ đồng.
Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục