Làm chủ 'sức mạnh mềm' nhân quyền: Việt Nam tự tin vào 'sân chơi lớn'

Bài 2: Cảm hóa, yên dân: Nền tảng để đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc

Nhờ làm tốt công tác dân vận, cảm hóa, yên dân nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn các tỉnh biên giới của Việt Nam đã được đảm bảo, người dân một lòng tin theo Đảng, xây dựng xã bản giàu mạnh.
Cán bộ công an xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu trò chuyện với người dân trên địa bàn. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Cán bộ công an xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu trò chuyện với người dân trên địa bàn. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Bài 2: Cảm hóa, yên dân: Nền tảng để đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc

Với chính sách nhất quán khi xem “nhân dân là trung tâm, là chủ thể của đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” - thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác nhân quyền, tôn giáo; đặc biệt là đẩy mạnh tuyên tuyền, “cảm hóa, yên dân” để ngăn chặn các hoạt động chống phá đất nước.

Răn đe, cảm hóa “dập tắt” các luận điệu chống phá

Ghi nhận của phóng viên VietnamPLus tại Lai Châu - nơi từng là “điểm nóng” về hoạt động tôn giáo, nhất là sự xuất hiện của tà đạo “Giê Sùa” hay “Bà Cô Dợ” để xuyên tạc kinh thánh, tuyên truyền các luận điệu “bóp méo” nhân quyền, nhằm chia rẽ đoàn kết dân tộc, cho thấy nhờ làm tốt công tác dân vận, cảm hóa, yên dân nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh biên giới này đã được đảm bảo.

Khác với những đoạn đường lầy lội, sạt lở bởi mưa rừng được các báo, đài đăng tải từ vài năm trước, các ngả đường từ thành phố Lai Châu đến các xã của huyện biên giới Mường Tè hiện đều đã được trải nhựa, làm taluy kiên cố, xung quanh là những làng bản kiểu mẫu đang ngày một đổi thay. Khó ai có thể nghĩ rằng mới cách đây 2 năm, nơi đây lại là một điểm “nóng” về an ninh trật tự khi hàng trăm người dân nghe theo lời kẻ xấu, tham gia thành lập cái gọi là “nhà nước Mông.”

[Làm chủ "sức mạnh mềm" nhân quyền: Việt Nam tự tin vào "sân chơi lớn"]

Trong câu chuyện với chúng tôi, Thượng tá Lù Văn Hoàn, Trưởng Công an huyện Mường Tè cho biết trên địa bàn huyện có 11 dân tộc cùng chung sống, bao năm qua các dân tộc luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau. Thế nhưng, từ đầu năm 2020, do chịu sự tác động, ảnh hưởng bởi các đối tượng xấu theo tà đạo “Bà Cô Dợ” lôi kéo, kích động, một bộ phận người dân theo đạo Tin Lành (chủ yếu là người dân tộc Mông) ở xã Tà Tổng đã tụ tập nhau lại để tham gia hoạt động thành lập “nhà nước riêng.”

Trước tình hình đó, Công an tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an huyện Mường Tè, tập trung triển khai các biện pháp nắm chắc tình hình, xác minh, làm rõ các đối tượng liên quan, qua đó tổ chức giải tán đám đông. Rất nhiều đối tượng sau khi được cán bộ tuyên truyền, vận động và cảm nhận rõ sự vất vả, khó khăn khi bỏ nhà cửa theo kẻ xấu đã quay về nhà. Trong vụ việc gây rối trật tự này, lực lượng chức năng đã bắt giữ 54 đối tượng chính để khai thác, làm rõ. Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra đã đưa ra truy tố, xét xử 14 đối tượng.

Với các đối tượng còn lại được đưa về địa phương, Công an huyện Mường Tè đã tham mưu cho thường trực huyện ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân không tin, không theo luận điệu của các đối tượng xấu lôi kéo liên quan đến tư tưởng ly khai tự trị. Riêng lực lượng công an thì tập trung vào công tác răn đe, giáo dục các đối tượng bị ảnh hưởng để cảm hóa, đảm bảo an toàn trật tự.

Bài 2: Cảm hóa, yên dân: Nền tảng để đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc ảnh 1Thượng tá Lù Văn Hoàn, Trưởng Công an huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nói thêm về cách giải quyết vụ việc trên, Thượng tá Hoàn cho hay: “Trong việc đấu tranh bằng lý trí để dập tắt các mưu đồ, luận điệu của kẻ xấu, điều quan trọng nhất mà chúng tôi xác định là ‘phải lấy được lòng dân, tuyệt đối không đẩy dân ra xa.’ Do đó, việc các cán bộ chủ động tiếp cận, gần gũi với dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân theo phương châm ‘cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc’ với người dân là rất quan trọng. Đó cũng là cách để hiểu và từng bước cảm hóa, tuyên truyền, giúp nhân dân không tái mắc phải sai lầm.”

Sau sự vụ trên, Ban Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cũng đã báo cáo, xin ý kiến, chủ trương của Bộ Công an, đề xuất bộ hỗ trợ kinh phí để giúp người dân, nhất là các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn củng cố về nhà ở. Trên cơ sở đó, huyện Mường Tè đã tổ chức triển khai xây dựng hơn 1.000 ngôi nhà cho người dân nghèo và các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tích cực tham gia vào các phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc để khích lệ tinh thần cũng như cải thiện cuộc sống.

Khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đảm bảo an ninh trật tự

Cùng với việc răn đe, cảm hóa, thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh Lai Châu cùng với các cơ quan, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền trên địa bàn, nhất là các huyện Mường Tè, Phong Thổ cũng làm tốt công tác vận động quần chúng, phối hợp với những người có uy tín, trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng điểm nhóm, chức sắc tham gia vào công cuộc bảo vệ an ninh trật tự vùng dân tộc thiểu số.

Trên tinh thần đó, thông qua các buổi các buổi họp bàn, hội nghị, tiếp xúc, lực lượng công an và và cấp ủy, chính quyền địa phương đã tranh thủ phổ biến cho các quần chúng tốt, trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng điểm nhóm, chức sắc, người có uy tín về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nhất là chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn và bảo vệ môi trường; phổ biến về việc nhận diện các âm mưu “diễn biến hòa bình,” lợi dụng vấn đề “dân chủ, nhân quyền” và “dân tộc, tôn giáo” của các thế lực thù địch.

Cùng với đó, lượng công an và và cấp ủy, chính quyền địa phương cũng chủ động trong việc phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh, kỹ năng hòa giải, phòng chống các loại tội phạm…đồng thời tuyên truyền, cung cấp thông tin cần thiết về tình hình thời sự chính trị, kinh tế-xã hội ở địa phương, trong nước và quốc tế; qua đó khơi dậy lòng tự hào và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

Bài 2: Cảm hóa, yên dân: Nền tảng để đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc ảnh 2Cán bộ, chiến sĩ Công an xã Tà Tổng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) gặp gỡ trò chuyện với người có uy tín và người dân ở trên địa bàn. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Đây cũng là động lực để các trưởng bản, trưởng dòng họ, chức sắc, người có uy tín tích cực tham gia vận động người thân, gia đình, bản làng chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước; nâng cao tinh thần cảnh giác, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, không tham gia vào hoạt động lập “nhà nước Mông”; tuyên truyền, vận động người dân không theo đạo lạ; tham gia tố giác, đấu tranh, lên án với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Số liệu từ Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Lai Châu cho thấy từ năm 2020 đến nay, lực lượng công an tỉnh đã tham mưu mở 5 hội nghị gặp mặt 490 lượt người uy tín, trưởng các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo; gặp gỡ, động viên hơn 10.000 lượt quần chúng tốt, trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng điểm nhóm, chức sắc, người có uy tín tham gia tuyên truyền vận động quần chúng chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giáo dục người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Nhờ đó, trong 2 năm qua, các quần chúng tốt, trưởng bản, trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng điểm nhóm, chức sắc, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã cung cấp cho lực lượng công an trên 420 tin liên quan đến an ninh trật tự; giáo dục, cảm hóa trên 250 lượt người có hoạt động tôn giáo không tuân thủ pháp luật; tác động, chuyển hóa 62 lượt đối tượng bị ảnh hưởng bởi luận điệu tuyên truyền lập “nhà nước Mông” và trên 200 vụ việc liên quan đến trật tự an toàn xã hội.

Nổi bật trong số đó là việc tuyên truyền, vận động quần chúng giữ gìn phong tục truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Đến nay, đã có 113 hộ/510 nhân khẩu thuộc dân tộc La Hủ ở xã Pa Ủ (huyện Mường Tè) theo đạo “Xè A” tự nguyện quay về phong tục truyền thống; hỗ trợ lực lượng công an trong giải quyết hoạt động liên quan đến vụ tụ tập đông người, với mưu đồ chống phá tại địa danh Ao Rồng, xã Tà Tổng; vận động 2 đối tượng trước đây hoạt động lập “nhà nước Mông” lẩn trốn ở nước ngoài về trình diện với chính quyền địa phương…

Bà con một lòng tin theo Đảng, xây dựng xã bản giàu mạnh

Giờ đây, đến với các xã, bản của huyện biên giới Mường Tè, đặc biệt là xã Tà Tổng - nơi mà gần 400 người Mông từng tụ tập dựng cờ để thực hiện “Lễ công bố thành lập nhà nước Mông” - cảm nhận rõ nhất của chúng tôi là cuộc sống của người dân sau khi được cảm hóa, trở về đã có nhiều đổi thay. Cùng với việc phát triển kinh tế, bà con nơi đây một lòng tin theo Đảng, chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng nhau chung tay xây dựng xã, bản giàu mạnh.

Bài 2: Cảm hóa, yên dân: Nền tảng để đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc ảnh 3Người dân theo đạo Tin Lành ở điểm sinh hoạt tôn giáo Pờ Ngài, xã Huổi Luông khẳng định một lòng tin theo Đảng, không nghe lời kẻ xấu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đón chúng tôi với nụ cười thân thiện, đồng chí Lỳ Phù Cà, Bí thư Đảng bộ xã Tà Tổng cho biết là xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa (với 1.288 hộ dân thuộc 2 thành phần dân tộc là HMông và Hà Nhì), trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống mọi mặt của người dân Tà Tổng đã được cải thiện.

Những khu bản với diện mạo đời sống ngày càng đổi mới, các ngả đường dẫn vào các bản đã được bê tông hóa sạch đẹp. Lều lán ở tạm trước đây cũng đã được thay thế bằng những ngôi nhà gỗ lợp mái tôn và fibro xi măng vững chãi. Nhờ đó, người dân khi thấy sự xuất hiện của chúng tôi đều rất niềm nở, gần gũi chào hỏi - thay vì né tránh mỗi khi thấy cán bộ vào đến đầu bản như thời gian trước.

Cùng với việc triển khai thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội, chính quyền địa phương cũng luôn chú trọng chăm lo cho cuộc sống vật chất và tinh thần, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở trên địa bàn. Các nguyện vọng, nhu cầu chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tôn giáo trên địa bàn đều được giải quyết kịp thời, đúng với quy định của pháp luật; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân được đảm bảo. Các chức sắc, tín đồ các tôn giáo phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Đơn cử, tại bản Giàng Ly Cha - bản vùng cao của xã Tà Tổng, có 113 hộ với 553 nhân khẩu, hiện 100% hộ dân theo đạo Tin lành. Kể từ khi điểm nhóm sinh hoạt thuần túy, bảo đảm an ninh trật tự bản Giàng Ly Cha được cấp phép hoạt động, cứ mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần, các tín đồ, chức sắc tin lành lại đến điểm sinh hoạt để cùng hát thánh ca, nghe đọc kinh thánh, cầu nguyện và cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm làm ăn, bảo ban nhau không nghe lời kẻ xấu.

Trong lúc đợi buổi sinh hoặt bắt đầu, chúng tôi tranh thủ trò chuyện với ông Mùa Gạ Chu (có con trai và con dâu thụ án về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân). Nhắc lại câu chuyện cũ, ông Chu buồn bã bảo các con của mình đã mê muội nghe lời kẻ xấu đến mức phải vào tù, để lại đứa con thơ dại cho hai ông bà nuôi dưỡng. Ngay cả bản thân ông, vốn là người già, lại không hiểu gì nên khi nghe lời các con nói “đi đến Núi Ao rồng để xin Chúa phù hộ,” ông cũng đi, mà không hề biết rằng đó là chiêu trò dụ dỗ của những kẻ lừa bịp, tội phạm, kéo dân vào biển khổ.

“May nhờ có cán bộ và chính quyền tuyên truyền, cảm hóa, mà tôi và người dân đã quay về; được chính quyền các cấp và nhiều cán bộ ở tỉnh, huyện hỗ trợ làm nhà; được hướng dẫn làm ăn nên cuộc sống đã ấm no. Đảng, Nhà nước, chính quyền và cán bộ quan tâm người dân như vậy, còn có gì tốt hơn nữa mà đi theo kẻ xấu,” ông Chu trải lòng.

Ông Chu cho hay hiện chỉ có một mong muốn là hai đứa con cải tạo thật tốt, sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình, thay ông bà chăm lo cho con cái.

Bài 2: Cảm hóa, yên dân: Nền tảng để đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc ảnh 4Cán bộ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ và chiến sĩ Công an xã Tà Tổng thăm hỏi gia đình ông Mùa Gạ Chu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngồi bên cạnh, anh Sùng Vả Lình cũng không giấu khỏi sự xấu hổ và hối hận. Khi nhắc lại câu chuyện từng nghe lời kẻ xấu tụ tập ở núi Ao Rồng để thành lập cái gọi là “nhà nước Mông,” anh liên tục nói: “Mình sai rồi cán bộ à. Giờ mình chỉ nghe lời các cán bộ công an và chính quyền, mục sư để cuộc sống thêm ấm no thôi!”

Cách bản Giàng Ly Cha khoảng hơn 150km, cuộc sống vật chất tinh thần, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ) cũng đã có nhiều đổi mới. 

Ghi nhận thực tế của phóng viên VietnamPlus tại điểm sinh hoạt tôn giáo Pờ Ngài cho thấy cứ mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần, các tín đồ chức sắc Tin Lành lại tập trung ở Pờ Ngài - một trong 7 điểm sinh hoạt tôn giáo ở xã Huổi Luông để cùng hát Thánh ca, nghe đọc kinh thánh và cầu nguyện, giúp nhau vượt khó.

Dẫu quãng đường đến điểm sinh hoạt chung phải đi qua nhiều con dốc, con suối dài gần chục kilômét, thời tiết mưa nắng thất thường, nhưng các tín đồ nơi đây cho biết họ vẫn luôn sắp xếp thời gian, công việc để không vắng mặt trong bất kỳ buổi sinh hoạt nào. Bởi lẽ, đến những buổi sinh hoạt chung, các tín đồ không chỉ được nghe giảng kinh, cầu nguyện mà còn chia sẻ trao đổi các việc khác trong bản.

“Được sinh hoạt, mình rất vui. Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện và rất hợp tác với bà con trong bản. Trong các buổi sinh hoạt, các tín đồ cũng nhắc nhở nhau không đi nghe kẻ xấu lợi dụng đi làm việc sai trái. Bà con chúng tôi một lòng tuân thủ hướng dẫn của chính quyền địa phương, Đảng và Nhà nước,” anh Lý A Phòng chia sẻ.

Theo anh Lý A Di, trưởng điểm nhóm sinh hoạt Hội Thánh Tin lành ở Pờ Ngài, mỗi sáng chủ nhật hàng tuần điểm sinh hoạt Pờ Ngài đón khoảng 190 tín đồ. Điều mà bà con tín đồ ở Pờ Ngài phấn khởi nhất là họ luôn được chính quyền xã tạo điều kiện để sinh hoạt một cách thuận lợi. Với tinh thần đó, ngoài hát thánh ca, cầu nguyện, chia sẻ kinh thánh, các tín đồ còn chia sẻ với bà con về những công việc khác, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Trong câu chuyện với phóng viên VietnamPlus, ông Tần A Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Huổi Luông cho biết toàn xã có hơn 7.000 dân thuộc 21 bản. Trên địa bàn có 7 điểm sinh hoạt tôn giáo, trong đó có 6 điểm nhóm theo đạo Tin lành và một điểm nhóm theo đạo Cơ đốc. Hiện nay, chính quyền xã đã công nhận cho 3 điểm nhóm để sinh hoạt tập trung và tới đây sẽ công nhận hết cho các điểm nhóm khác để đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã sinh hoạt tôn giáo thuận lợi./.

[Bài 1: Nhận diện “bóng ma” tà đạo “bóp méo” nhân quyền, chống phá Việt Nam]

Mời độc giả đón đọc Bài 3: Thiết lập “sợi chỉ đỏ” nhận thức về nhân quyền thống nhất tới các cấp cơ sở

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục