Lâm Đồng có hơn 1.300ha đất sản xuất được chứng nhận hữu cơ

Trong tổng số 1.311ha được cấp giấy chứng nhận hữu cơ trên địa bàn tỉnh, có trên 40ha sản xuất rau, củ, quả; 5ha chè; 14ha lúa, 1,37ha măng cụt và 1.110ha điều.
Lâm Đồng có hơn 1.300ha đất sản xuất được chứng nhận hữu cơ ảnh 1Thu hoạch rau xanh tại Đà Lạt. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 của cả nước, Lâm Đồng là một trong những tỉnh đi đầu trong xây dựng và triển khai thực hiện đề án hữu cơ.

Sau gần 2 năm thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã có 1.311ha đất sản xuất trồng trọt được cấp giấy chứng nhận hữu cơ; trên 1.000 con bò sữa đạt chứng nhận hữu cơ với sản lượng 7 tấn sữa/ngày của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam.

Trước khi thực hiện Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Lâm Đồng có khoảng 300.000ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ lực là các loại cây như càphê chè, dâu tằm, cây ăn trái, rau đậu, hoa các loại. Trong lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh có tổng đàn gia súc 596.151 con gồm trâu, bò, lợn, dê.

Mặc dù là địa phương được đánh giá đa dạng về chủng loại cây trồng, có quy mô diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao lớn, nhiều công nghệ, thiết bị, giống mới được sử dụng, nhưng Lâm Đồng chỉ được cấp giấy chứng nhận hữu cơ và bán hữu cơ trên diện tích 105ha trồng phúc bồn tử, rau, chăn nuôi bò sữa với tỷ lệ rất thấp so với tiềm năng hiện có, bằng 0,187% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

[Sầu riêng Lâm Đồng chuẩn bị có mặt tại "thị trường tỷ dân" Trung Quốc]

Thực hiện Nghị định 109/2018/NĐ-CP, năm 2020, tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025. Để thực hiện Đề án này, tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt nguồn kinh phí thực hiện trên 263 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước trên 12,7 tỷ đồng, tổ chức, cá nhân đối ứng trên 3,5 tỷ đồng, còn lại gần 247 tỷ đồng do nhân dân tự thực hiện.

Thực hiện đề án, tỉnh đã tiến hành điều tra, khảo sát hiện trạng và xác định các vùng đủ điều kiện sản xuất hữu cơ đối với 71 vùng và gần 120.000 đầu vật nuôi; xây dựng 17 quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gồm các đối tượng cây trồng, vật nuôi; đào tạo, chuyển giao quy trình sản xuất cho gần 900 lượt người qua 25 lớp đào tạo; xây dựng 13 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các đối tượng như măng tây, sầu riêng, lúa, càphê, nấm hương, atiso, bò thịt; hỗ trợ cây dựng 3 chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ…

Cho đến nay, trong tổng số 1.311ha được cấp giấy chứng nhận hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh, có trên 40ha sản xuất rau, củ, quả tập trung tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà và thành phố Đà Lạt; 5ha chè tại huyện Lâm Hà; 14ha lúa, 1,37ha măng cụt và 1.110ha điều tại các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên. Đồng thời, tỉnh đã phát triển 140ha đồng cỏ để phục vụ chăn nuôi bò sữa tại các huyện Di Linh và Đơn Dương.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 16 đơn vị triển khai thành công và được các tổ chức quốc tế và Việt Nam cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Cụ thể như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam xây dựng trang trại bò sữa hữu cơ Organic Đà Lạt có 140ha cỏ và 1.005 con bò sữa đạt tiêu chuẩn EU; Trang trại Thiên Minh với 10ha rau ở xã Ka Đơn (Đơn Dương) đạt tiêu chuẩn Việt Nam; Công ty cổ phần Visimex Sài Gòn với 1.090ha điều ở huyện Đạ Tẻh đạt tiêu chuẩn USDA; Công ty trách nhiệm hữu hạn Jan’S với 2,8ha rau ở xã Đạ Sar.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục