Lâm Đồng khen thưởng tập thể, cá nhân khống chế đám cháy hơn 10ha rừng

Đơn vị được khen thưởng là Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, các cá nhân gồm kiểm lâm viên, nhân viên Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt, kiểm lâm địa bàn phường 3, một số hộ nhận khoán bảo vệ rừng.
Lâm Đồng khen thưởng tập thể, cá nhân khống chế đám cháy hơn 10ha rừng ảnh 1Khu vực cháy ở dưới tán rừng thông 70 năm tuổi. (Ảnh TTXVN phát)

Ngày 21/4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng quyết định tặng Bằng khen và thưởng động viên 1 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác chữa cháy rừng tại Tiểu khu 267A (phường 3, thành phố Đà Lạt).

Đơn vị được khen thưởng là Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, các cá nhân gồm kiểm lâm viên, nhân viên Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt, kiểm lâm địa bàn phường 3 và một số hộ nhận khoán bảo vệ rừng, dân quân cơ động Phường 3 (Đà Lạt).

Mức tiền thưởng đối với tập thể là 20 triệu đồng, mỗi cá nhân là 3 triệu đồng.

Theo báo cáo nhanh từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, vụ cháy đã ảnh hưởng tới khoảng 13ha rừng thông, đối tượng là rừng thông tự nhiên lớn, cháy thảm cỏ lớn dưới tán rừng, không có thiệt hại về rừng.

Trước đó, vào khoảng 15 giờ ngày 7/4, cháy rừng đã bùng phát tại tiểu khu 267A, trên đèo Prenn thuộc địa bàn phường 3, thành phố Đà Lạt.

Ngọn lửa lan rộng, trải dài trên ngọn núi thuộc rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng Lâm Viên phụ trách.

Tuy nhiên, do thời tiết hanh khô nhiều ngày, ngọn lửa gặp lớp thực bì đã nhanh chóng bốc cháy dữ dội và lan rộng trên diện tích nhiều hécta.

Vị trí xảy ra hỏa hoạn là rừng thông nguyên sinh có tuổi đời khoảng 70 năm, thuộc đối tượng rừng phòng hộ.

[Cà Mau: Rừng U Minh Hạ cảnh báo nguy cơ cháy cực kỳ nguy hiểm]

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường 3, cho biết ngay sau khi phát hiện đám cháy, Ủy ban Nhân dân phường, các đơn vị chức năng thành phố Đà Lạt cùng Ban Quản lý rừng Lâm Viên đã huy động lực lượng khoảng 60 người tham gia dập lửa ở khu vực trên.

Từ nhiều năm nay, tỉnh Lâm Đồng cho phép các đơn vị chủ rừng tổ chức đốt thực bì trong các cánh rừng có kiểm soát, nhằm triệt tiêu những vật liệu dễ cháy, chủ yếu do cành, lá cây rụng xuống phủ lên mặt đất.

Phương pháp này khá hiệu quả trong công tác phòng chống cháy rừng, nhưng cũng để lại những hệ lụy tiêu cực như hủy hoại thảm thực vật dưới tán rừng, không còn lớp cây con mọc lên thay thế, mất đi sự đa dạng sinh học của rừng nhất là các cánh rừng thông… khiến cho rừng trở nên khô cằn, đơn điệu, giảm độ trữ nước trong mùa mưa gây nguy cơ sạt lở cao… ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường rừng. Thậm chí, một số vụ đốt thực bì thiếu kiểm soát đã gây ra cháy rừng thực sự ở nhiều địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục