​Lâm Đồng: Kiểm tra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

Trong 2 năm gần đây, tình trạng khai thác khoáng sản như cát, đá chẻ, đất san lấp và vàng sa khoáng bùng phát tại nhiều địa phương ở Lâm Đồng như các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm...
​Lâm Đồng: Kiểm tra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ảnh 1Doanh nghiệp đào cả ngọn núi vẫn còn cây rừng ở Lâm Đồng để lấy đất, đá đem bán trái phép. (Ảnh: TTXVN)

Sau các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lâm…, huyện Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tổ chức kiểm tra khu vực khai thác khoáng sản không phép, trái phép.

Địa điểm kiểm tra là Tiểu khu 243, thôn Ri Ông Tô, xã Phi Tô theo phản ánh của báo chí.

Trước đó, vào tháng 12/2021, một số cơ quan báo chí đã phản ánh tình trạng Tại tiểu khu 243, xã Phi Tô, huyện Lâm Hà đã xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái pháp luật trong thời gian dài.

Trên các quả đồi, nhiều vị trí mặt đất bị đào tung để khai thác đá xây dựng gây biến dạng địa hình, nguy cơ sạt lở đất. Dưới sông Đạ Dâng, nhất là khu vực lòng hồ thủy điện Đạ Cho Mo, nhiều tàu thuyền tấp nập khai thác cát không phép, gây thay đổi dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước.

[Lâm Đồng: Xử lý tình trạng khai thác vàng trái phép ở huyện Đức Trọng]

Sau khi có thông tin trên, ngày 16/12/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 4023/STNMT-KS&TNN, yêu cầu huyện Lâm Hà kiểm tra tình trạng khai thác khoáng sản gồm đá chẻ, cát trái phép, không phép, vận chuyển khoáng sản gây ảnh hưởng đến môi trường. Ngày 14/1/2022, Ủy ban Nhân dân huyện Lâm Hà đã có kết quả kiểm tra hiện trạng trên.

Tại Báo cáo số 16/BC-UBND, huyện Lâm Hà đã kiểm tra khu vực Tiểu khu 243, thôn Ri Ông Tô theo phản ánh của báo chí.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và xử phạt hành chính 2 trường hợp khai thác cát và đá chẻ không phép với số tiền 33 triệu đồng; tịch thu 1 máy nổ, 8m3 cát và 11m3 đá.

Lực lượng chức năng còn phát hiện và xử lý 2 trường hợp mua bán, vận chuyển đá không có nguồn gốc hợp pháp số tiền 2,2 triệu đồng.

Ủy ban Nhân dân huyện yêu cầu các chủ phương tiện gồm thuyền gỗ và thuyền sắt tháo dỡ, di dời toàn bộ máy móc đang tập kết ra khỏi khu vực lòng hồ thủy điện Đa Cho Mo.

Đến nay, lực lượng chức năng đã tháo dỡ xong 1 thuyền gỗ, còn 1 thuyền sắt đã dùng bạt che phủ do chưa có phương tiện chuyên dụng để di dời.

Trong 2 năm gần đây, tình trạng khai thác khoáng sản như cát, đá chẻ, đất san lấp và vàng sa khoáng đã bùng phát tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc...

Nguyên nhân là do nhu cầu sử dụng đất san lấp và vật liệu xây dựng tăng cao đột biến, nhiều tổ chức, cá nhân từ nơi khác đến mua đất, san lô bán nền trên địa bàn.

Các hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra rầm rộ, công khai trên địa bàn, tại các khu vực đông dân cư, cạnh các tuyến giao thông đông người qua lại. Tuy nhiên, tình trạng này hầu như không được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý.

Chỉ đến khi các cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh, địa phương mới có một vài hoạt động kiểm tra và xử lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục