Lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 6 vừa qua đã tăng 78,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng 1/1998.
Đây là số liệu hằng tháng do Viện thống kê nước này công bố ngày 4/7.
Theo số liệu công bố, tỷ lệ lạm phát cao của Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu do chi phí vận tải tăng 123,37%, sau đó là thực phẩm và đồ uống tăng 93,93%. Trong khi đó, giá của hàng hóa gia dụng tăng 81,1%.
[Tỷ lệ lạm phát tại Lào tăng lên mức cao nhất trong 22 năm qua]
Lạm phát trong tháng 5 vừa qua là 73,5%, trong khi mức lạm phát vào thời điểm đầu năm ngoái chỉ là 15%.
Cuộc khủng hoảng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là bắt đầu sau khi Ngân hàng trung ương tiến hành nhiều đợt giảm lãi suất từ năm ngoái. Lãi suất cơ bản của nước này đã giảm tới 5% xuống 14% kể từ tháng 9/2021, sau đó dừng lại vào tháng 1/2022.
Giá đồng nội tệ lira so với USD đã mất 44%. Xung đột Nga-Ukraine khiến giá dầu mỏ, khí đốt và ngũ cốc tăng mạnh, cũng làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế tại đất nước vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu này.
Ngày 1/7 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lương tối thiểu lần thứ hai trong năm nay nhằm hỗ trợ các gia đình giảm gánh nặng kinh tế.
Cụ thể, mức lương tối thiểu hiện là 5.500 lira (330 USD), cao hơn mức 4.253 lira vào tháng 1 năm nay và tăng gần gấp đôi so với mức 2.826 lira vào cuối năm ngoái.
Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo việc tăng lương là một biện pháp gây lạm phát nên được ban hành kèm theo quyết định tăng lãi suất hoặc các biện pháp khác nhằm hạn chế chi tiêu./.