Làm sao để "xóa" 160 chợ cóc tại địa bàn Hà Nội?

Trên địa bàn Hà Nội hiện có trên 160 "chợ cóc" hoạt động dọc theo các tuyến đường - một trong những "thủ phạm" gây ùn tắc giao thông.
Tại cuộc giao ban các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội quý I/2012 bàn về các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc mới đây, thiếu tướng Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an Hà Nội đã cảnh báo nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông do người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh, buôn bán, họp chợ trên các tuyến đường, nhất là đường ngoại thành gây ra.

Thiếu tướng Trần Thùy cho biết hiện nay, trên toàn địa bàn có trên 160 "chợ cóc" hoạt động dọc theo các tuyến đường. Đây là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn giao thông.

“Dẹp” lại “mọc”

Chợ cóc ở Hà Nội là một loại hình chợ tự phát có "sức sống mãnh liệt" được nuôi dưỡng bằng thói quen “tiện đâu mua đấy” của người dân. Trong khi nhiều chợ ở Hà Nội được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng xây xong bỏ đấy hoặc hoạt động thoi thóp thì các chợ cóc ở Hà Nội vẫn tồn tại và phát triển, mặc cho nhiều lần bị giải tỏa, chủ hàng phải vác hàng chạy trốn công an, dân phòng…

Lý do để không ít người cố trụ bám vỉa hè, lòng đường Hà Nội để kinh doanh buôn bán là không mất tiền thuế. Nếu việc buôn bán thuận lợi, một gánh hàng ăn nhỏ cũng thu được tiền triệu mỗi ngày.

Ở Hà Nội có nhiều chợ cóc nghiễm nhiên tồn tại hàng chục năm nay như ở phố Kim Hoa, nối từ ngã tư Kim Liên-Đại Cồ Việt cho tới đê La Thành và phố chạy trong khu dân cư phường Thanh Xuân Nam ra vành đai 3. Ở đây, các hộ dân tận dụng tối đa mặt tiền mở cửa hàng buôn bán. Người dân từ các nơi khác cũng mang đủ các loại thực phẩm, rau củ quả, mở hàng ăn trên lòng đường. Vào những buổi sáng, người mua người bán đông đúc, các phương tiện qua đây phải luồn lách đi lại rất khó khăn.

Ở vùng ven ngoại thành như khu vực đầu cầu Mai Lĩnh, quận Hà Đông, hai bên đường cũng biến thành nơi học chợ. Người dân các xã lân cận mang các sản phẩm rau, thịt cá... ra bán, người qua đường chỉ cần tạt vào lề đường, chống chân trên xe là có thể mua đủ thứ.

Ngay trên những tuyến phố chính, trục đường trung tâm cũng hình thành chợ cóc như chợ Nhà Xanh trên đường Phan Văn Trường (Cầu Giấy), đường Hồ Tùng Mậu đoạn qua nghĩa trang Mai Dịch, Trường Chinh, Lê Trọng Tấn, đường Láng đoạn từ cầu Mọc cho đến cây xăng gần chợ Ngã Tư Sở, từ đầu ngã tư Giảng Võ-Đê La Thành cho đến gần cổng trường Đại học Văn hóa…

Như tuân theo quy luật “buôn có bạn, bán có phường,” lúc đầu chỉ một vài người mang vai túi đồ, bày hàng ra bán, sau người nọ theo người kia kéo đến chiếm hẳn một đoạn phố, gây ra cảnh mua bán lộn xộn, thậm chí tạo điều kiện cho những kẻ móc túi, trộm cắp trà trộn.

Mặc dù bị dẹp nhiều lần nhưng “chợ” giầy dép cũ trên đường Giải Phóng, gần siêu thị Thành Đô vẫn tồn tại. Hàng ngày khoảng 17 giờ 30 phút “chợ” bắt đầu họp cho đến đêm. Người mua cứ dựng ngay xe lòng đường, nhác thấy bóng xe công an là cả chủ lẫn khách vác hàng chạy.

Trên tuyến phố Chùa Bộc hay đoạn đường Láng mấy năm gần đây cũng trở thành “chợ đêm” của người dân Thủ đô. Cứ trải một tấm nilông trên hè là người ta có thể bán đủ loại hàng hóa quần áo, giầy dép, túi xách, mũ… Vốn là những trọng điểm ùn tắc giao thông, thế nhưng điểm chợ cóc này vẫn hoạt động hàng đêm cho đến nay vẫn chưa bị xóa xổ.

Xử lý thế nào?

Trước đây, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt ra quân giải tỏa chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn nhưng đều gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thời điểm  các quận huyện không có địa điểm để bố trí các hộ bị giải tỏa di chuyển vào, nhất là khu vực nội thành, thiếu lực lượng để chốt giữ chống tái phạm, tuyên truyền chưa tốt không tạo được sự đồng thuận... Do đó, số chợ cóc trên địa bàn thành phố sau khi bị dẹp đã tiếp tục "mọc" trở lại.

Theo nghị định số 34 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, hành vi chiếm dụng đường phố để kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày bán hàng hóa; kinh doanh buôn bán vật liệu xây dựng; sửa chữa hoăc rửa xe… có thể bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng. Hành vi họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ ngoài đô thị cũng bị phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Chế tài đã có nhưng trên thực tế việc kiểm tra, xử lý thiếu cương quyết, người vi phạm ít bị xử lý, do đó, không thể giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm hè, đường để họp chợ trên địa bàn Hà Nội.

Hiện nay, để nâng cao hiệu quả công tác chống ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn, một số địa phương như quận Hoàn Kiếm và huyện Từ Liêm đã tăng cường lực lượng tự quản cho các phường, tổ dân cư nhằm hỗ trợ cho các lực lượng chức năng trong việc giải tỏa các vi phạm an toàn giao thông, trong đó có việc tái lấn chiếm vi phạm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, họp chợ./.

Tuyết Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục