Làm thế nào để thu hút tri thức ở nước ngoài về nước?

Một hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật bình đẳng, không phân biệt giữa trí thức Việt kiều và trí thức trong nước trên mọi phương diện sẽ là yếu tố để thu hút tri thức ở nước ngoài về nước.
Làm thế nào để thu hút tri thức ở nước ngoài về nước? ảnh 1(Ảnh minh họa: An Hiếu/TTXVN)

Theo ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam,  thực tế cho thấy hiện nay, đội ngũ trí thức thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo là kiều bào Việt Nam trên thế giới là rất đông đảo, nhất là những người trẻ tuổi nhưng mỗi năm chỉ có khoảng vài trăm người về nước lập dự án hoặc làm việc.

Con số này là quá ít so với tiềm năng nguồn lực kiều bào. Để mời gọi, khuyến khích nhiều hơn nữa trí thức kiều bào về cùng góp nhân tài vật lực xây dựng đất nước, nhiều đại biểu ở nhiều lĩnh vực đã tham gia hội thảo của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức với chủ đề: Thu hút tri thức người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp giáo dục-đào tạo và phát triển khoa học công nghệ.

Từ những chia sẻ được tập hợp từ nhiều nguồn của các trí thức kiều bào, thì vấn đề lợi nhuận không phải là thước đo chính để họ về nước lập nghiệp. Điều họ cần là cảm thấy được trân trọng, được hỗ trợ, tạo điều kiện để làm việc... các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng cần phải đổi mới nhận thức về tầm quan trọng của việc thu hút trí thức Việt kiều đối với phát triển kinh tế đất nước cũng như đổi mới cách thức thu hút. 

Trên cơ sở đó, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng đối xử bình đẳng, không phân biệt giữa trí thức Việt kiều và trí thức trong nước trên mọi phương diện, tạo điều kiện để có thể huy động nhiều nhất tiềm năng của đội ngũ trí thức Việt kiều.

Ngoài ra, phải tận dụng vai trò cầu nối quốc tế của trí thức Việt kiều trong việc giới thiệu các dự án, tìm kiếm các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao hay nghiên cứu khoa học; giới thiệu các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, có khả năng tài chính hỗ trợ đào tạo chuyên gia tại Việt Nam; giúp các sinh viên, nghiên cứu sinh, nhà khoa học sang học tập, nghiên cứu tại các nước.

Thành lập các trung tâm môi giới, chuyển giao công nghệ và các dự án sáng tạo có sự tham gia trực tiếp hay gián tiếp của các doanh nghiệp, trí thức Việt kiều để thu hút đầu tư hay xuất khẩu sản phẩm trí tuệ…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra giải pháp nhằm thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp giáo dục-đào tạo và phát triển khoa học và công nghệ. Đó là thành lập Mạng lưới chuyên gia khoa học công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài.

Để thiết lập Mạng lưới này cần có ít nhất 4 yếu tố cơ bản: Xác định các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên cần thu hút chuyên gia; Xây dựng tiêu chí của chuyên gia khoa học cần thu hút trong từng lĩnh vực khoa học công nghệ; Xây dựng kế hoạch thu hút, trong đó xác định rõ số chuyên gia cần thu hút trong mỗi lĩnh vực, ở từng giai đoạn phát triển; Xây dựng cơ chế để liên kết giữa các chuyên gia khoa học công nghệ.

Thống kê cho thấy trung bình mỗi năm có khoảng 300 lượt trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, tham gia các chương trình hợp tác nghiên cứu và triển khai khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, phần lớn theo hình thức công tác ngắn ngày, chủ yếu là dự hội nghị, hội thảo, giảng dạy, triển khai các dự án hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực.

Trong số này, ước tính, số lượt chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc với các cơ quan Nhà nước chiếm 55%; số lượt trí thức về nước tham gia giảng dạy và hợp tác nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu chiếm khoảng 45%.

Các chuyên gia chủ yếu vẫn là từ Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Australia và Canada, tập trung vào các lĩnh vực khoa học nghiên cứu cơ bản như toán, công nghệ hạt nhân, nông nghiệp, năng lượng tái tạo và các lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế tài chính, y tế, giáo dục đào tạo, trong đó nghiên cứu, đào tạo chiếm phần lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục