Làng cổ Triều Khúc: Người mất cây cũng chịu tang

Với người dân làng cổ Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội, cây cảnh như người thân trong gia đình, lúc người chết cây cũng chịu tang.
Làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội không chỉ nổi tiếng là một làng nghề cổ mà còn có truyền thống lâu đời về thú chơi cây cảnh. Nơi đây hiện còn những cây cảnh hàng trăm năm tuổi, hết sức quý hiếm.

Hằng năm, cứ vào ngày mồng 9 tháng Giêng âm lịch, dân làng lại sôi nổi mở hội đầu xuân và trong lễ hội không thể thiếu sự góp mặt của cây cảnh. Cây cảnh được người dân mang từ nhà ra trưng bày làm phong phú cho lễ hội.

Cả xã có hàng trăm hộ dân chơi cây cảnh, trong đó có khoảng 50 hộ tham gia vào các hội cây cảnh. Người dân Triều Khúc chơi cảnh từ đời này truyền cho đời khác, từ một gốc cây được cha ông để lại, lớp con cháu kế thừa, tạo dáng và cắt sửa cây theo một phong cách mới.

Nằm sâu trong con ngõ nhỏ, ngoằn ngoèo, ngôi nhà khang trang của ông Nguyễn Gia Hiền đẹp hơn nhờ những chậu cây cảnh. Ông là một trong những người của lớp hậu sinh kế thừa thú chơi cây cảnh của các bậc tiền bối làng Triều Khúc.

Hiện sân nhà ông có 50 chậu cây cảnh, trong đó giá trị nhất là cây sanh cổ hơn 100 tuổi. Cây sanh này từng đoạt cúp vàng trong Festival hoa, cây cảnh nghệ thuật lần thứ nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2006. Cây sanh được đặt ở vị trí chủ đạo trong vườn nhà, trong một chiếc chậu lớn lúc nào cũng đầy nước, trông giống như một cây cổ thụ được thu nhỏ.

Cây có 2 thân tạo thế phu thê, thân chính tượng trưng cho người chồng, người cha còn thân phụ tượng trưng cho người vợ, người mẹ. Phần gốc rễ tượng trưng cho cội nguồn được bám chắc vào đá nói lên dòng họ có từ lâu đời. Các tay cây tượng trưng cho con, dăm chi tượng trưng cho cháu chắt. Cây lúc nào cũng tươi tốt, tán cây thông thoáng, không đè lên nhau, tượng trưng cho anh em hòa thuận một nhà.


"Người dân Triều Khúc chơi cây cảnh theo lối cổ, ảnh hưởng tư tưởng của Nho giáo, muốn gửi gắm tâm tư, tình cảm vào thế cây để giáo dục con người, đưa con cháu vào nền nếp gia phong", ông Hiền giải thích.

Người dân Triều Khúc thích tạo thế cho cây, thế phụ-tử mong muốn cha truyền con nối, mẫu-tử muốn gia đình sinh sôi, nảy nở, phát triển trường tồn, phu-thê, gia đình hạnh phúc…

Trong sân nhà ông Hiền, ngoài cây sanh 100 tuổi còn một cây sanh khác được tạo thế “siêu phong hồi đầu”- bị phong ba phiêu bạt nhưng vẫn ngóc đầu lên tìm sự sống, hay cây đa tạo thế “lão mai sinh quý tử”, cây ổi uốn thế huynh-đệ, cây lộc vừng thế tam đa, cây hồng muội có các sẹo hoa trông như gốc gỗ mục.

Theo ông Hiền, chơi sanh, si, đa, đề được ví như “ cầu thủ chân đất” còn chơi tùng la hán, tùng tuyết, du, nguyệt quế gọi là “cầu thủ chân giầy”. Lý do là sanh, si, đa, đề 4 mùa xanh tốt, chống chọi được với mọi khắc nghiệt của thời tiết; còn tùng, du, nguyệt quế đòi hỏi phải chăm sóc thường xuyên, nắng hạn hay ngập úng cây cũng đều dễ chết. Ngoài những cây đã tạo thế, hiện ông đang trồng hàng chục gốc cây, phải chờ hơn chục năm nữa khi cành mọc ra mới bắt đầu tạo thế. “Nuôi cá tu tâm, nuôi cây tu trí”- thú vui của những người chơi cây cảnh như ông Hiền quả là một sự cầu kỳ, công phu, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để theo đuổi đến cùng.

Người dân Triều Khúc rất coi trọng cây cảnh, vui buồn cùng với cây, có khi ngồi cả ngày uống nước chè, tâm sự bên gốc cây như một người bạn.

Với họ, cây cảnh như người thân trong gia đình, lúc người chết cây cũng chịu tang. Có lẽ đây là nơi duy nhất còn duy trì phong tục cổ xưa, bắt nguồn từ tín ngưỡng "vạn vật hữu linh" của người Việt cổ.

Người ta "chít khăn tang" cho cây bằng cách bôi vôi xung quanh thân cây. Không chỉ riêng cây cảnh mà kể cả những cây ăn trái lâu năm trong nhà cũng đều được quệt vôi mỗi khi nhà có tang ma. Phong tục này ở nhiều đại gia đình không chỉ gói gọn trong gia đình có người chết mà ngay cả anh em thúc bá nhưng ở liền kề nhau cũng làm tương tự.

Ở Triều Khúc, ngoài cây sanh của ông Gia Hiền còn có cây sanh trên 200 tuổi của ông Giang Nguyên Hiền và cây đa trên 100 tuổi của ông Vũ Văn Châu. Tại Fetival hoa, cây cảnh nghệ thuật toàn quốc năm 2006, Triều Khúc đã đoạt 2/3 giải. Khi đó đã có người trả tiền tỷ nhưng ông không bán vì đó là đồ gia bảo. Còn những cây trong vườn được bán với giá từ vài triệu đến vài chục triệu là thường.

Những ngày này, người chơi cây cảnh Triều Khúc cũng như các vùng trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng của Hà Nội đang háo hức chờ đón triển lãm cây cảnh nghệ thuật và hoa sẽ diễn ra trong dịp chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Thành phố đã đồng ý cho Hội Sinh vật cảnh Hà Nội tổ chức một triển lãm cây cảnh nghệ thuật và hoa hoành tráng tại khu trưng bày rộng 40.000m2 với sự tham gia của 35 tỉnh, thành trong cả nước.

Dự kiến, sẽ có 3.000 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, 2000 tác phẩm đá quý, đá tự nhiên, đá mỹ nghệ và gỗ lũa nghệ thuật, 3.000 tác phẩm phong lan, địa lan các loại…; tổ chức thả 40 lồng chim bồ câu, thi chim vành khuyên hót với 200 lồng chim và 100 lồng chim họa mi tham gia triển lãm.


Đây sẽ là dịp để người dân Triều Khúc nói riêng và người Hà Nội nói chung giới thiệu những thú chơi rất đỗi hào hoa đến với người dân cả nước và bạn bè quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục