Hàng năm, cứ mỗi độ Xuân về, làng hoa truyền thống An Lạc nằm bên dòng sông Hiếu thơ mộng, ở phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, lại rộn ràng khoe sắc đón Tết.
Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 nhưng nhờ thời tiết thuận lợi, nắng ấm nên khắp nơi bên bờ sông Hiếu đã khoác lên mình sắc màu rực rỡ, tươi đẹp của muôn hoa đua sắc.
Khắp nơi trong làng hoa, đâu đâu cũng bắt gặp người dân tất bật cắt tỉa, chăm bón từng luống, chậu, cây hoa để mang lại niềm vui cho mọi nhà, mọi người. Đêm đến, cả một vùng trời rực sáng bởi hàng trăm, hàng ngàn ngọn đèn được các hộ dân thắp sáng cho cây phát triển, trổ hoa đúng dịp Tết cổ truyền mừng Xuân mới.
Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân phường Đông Giang, năm nay, làng hoa An Lạc có 120 hộ tham gia trồng hoa trên tổng diện tích 5ha; trong đó, có 3ha trồng hoa trên đất vườn và 2ha trồng hoa trong chậu tập trung.
Người dân làng hoa An Lạc trồng chủ yếu các loại như cúc, tuylíp, ly, đồng tiền, dạ yến thảo, vạn thọ, hồng, hoa pháo; cùng một số cây cảnh như sung, mai vàng, lộc vừng, sanh, bồ đề.
Với 5ha trồng hoa, năm nay An Lạc cung ứng cho thị trường trên 35.000 chậu hoa các loại. Hoa của làng có giá từ 100.000-800.000 đồng/chậu, tùy loại. Với 35.000 chậu hoa, dự kiến năm nay làng hoa An Lạc đạt tổng doanh thu gần 4 tỷ đồng, cao hơn vụ hoa Tết năm 2018 khoảng 500 triệu đồng.
[Đà Lạt có khoảng 1.500 ha hoa phục vụ thị trường Tết Kỷ Hợi 2019]
Sau khi trừ đi các chi phí như tiền giống, phân bón, điện, nhân công..., các hộ dân ở làng hoa An Lạc còn lãi gần 2 tỷ đồng.
Ông Hoàng Hữu Quốc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Đông Giang cho biết, tạo điều kiện thuận lợi bà con chuyên canh cây hoa, cây cảnh, khuyến khích bảo vệ và phát huy nghề trồng hoa và cây cảnh truyền thống của địa phương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị và Thành phố Đông Hà đã hỗ trợ 7 hộ dân xây dựng 7 nhà màng nilon rộng 120 m2/nhà, mỗi nhà trị giá 70 triệu đồng.
Hàng năm, địa phương đều có chính sách, cơ chế hỗ trợ và động viên người dân duy trì, phát triển diện tích trồng hoa truyền thống như: tạo điều kiện để hộ dân tiếp cận với nguồn vồn vay ưu đãi; mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc và thu hoạch nhằm đem lại hiệu quả kinh tế; tổ chức nhiều đợt tham quan học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với mô hình trồng hoa hiệu quả… để người dân áp dụng vào điều kiện tự nhiên của địa phương.
Chị Phan Thị Hiếu, một người trồng hoa lâu năm ở làng hoa An Lạc cho biết, chị trồng hoa xuất phát từ niềm đam mê và cũng là nối dõi nghề truyền thống bao đời nay của ông cha để lại. Nhờ trồng hoa, thu nhập của gia đình cải thiện nhiều, mua sắm được một số vật dụng đắt tiền như tivi, xe máy, tủ lạnh… Đặc biệt, chị đã có điều kiện để chăm sóc con cái học hành đầy đủ.
Ông Trịnh Hoàng Tân, người chơi hoa ở phường 2, thành phố Đông Hà cho biết, năm nào gia đình ông cũng chọn mua hoa An Lạc chơi Tết bởi hoa đẹp, tươi lâu, cành và lá khỏe; đặc biệt cũng để góp phần phát triển làng nghề truyền thống của quê hương.
Hiện hoa đang vào thời kỳ làm nụ, làng An Lạc đang tập trung chăm bón để cây phát triển tốt nhằm cung ứng cho thị trường những chậu hoa chất lượng. Hàng ngày đã có nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh đến tận các vườn để đặt mua.../.