Lãnh đạo các nước châu Á-Thái Bình Dương ngày 20/11 cam kết cùng nhau chống lại chủ nghĩa bảo hộ tại phiên họp kết thúc Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở thủ đô Lima của Peru.
Theo tuyên bố chính thức của APEC, các nhà lãnh đạo tái khẳng định "cam kết mở cửa thị trường và chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ."
Bên cạnh đó, các lãnh đạo cũng tuyên bố "chống lại những nhân vật theo chủ nghĩa bảo hộ và các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại tự do, các nhân tố sẽ làm suy yếu thương mại và cản trở sự phục hồi cũng như phát triển của kinh tế thế giới." Các nước cũng cam kết tránh hạ giá đồng tiền nội địa nhằm tăng tính cạnh tranh trong thương mại quốc tế.
Sự đi lên của chủ nghĩa bảo hộ theo sau sự kiện người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay gọi là Brexit, và việc ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua đã khiến nhiều quốc gia quan ngại.
Trong quá trình tranh cử, ông Trump từng phản đối mạnh mẽ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tỷ phú bất động sản cảnh báo sẽ “khai tử” hoặc cho đàm phán lại TPP cũng như nhiều hiệp định thương mại khác mà Mỹ đang tham gia.
Tuy nhiên, phát biểu cùng ngày tại Lima, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định TPP sẽ không kết thúc. Trả lời báo giới sau phiên họp với các lãnh đạo APEC, ông Obama cho biết lãnh đạo các nước châu Á-Thái Bình Dương đã nhất trí sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực thông qua thỏa thuận thương mại này.
TPP có sự tham gia của Australia, Brunei, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Thỏa thuận này đã chính thức được các bộ trưởng từ 12 quốc gia trên ký kết hồi tháng 2/2016 sau hơn 5 năm đàm phán.
TPP hiện đang ở trong giai đoạn 2 năm chờ đợi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Tuy nhiên, triển vọng của thỏa thuận này tại Washington trở nên khá mờ mịt sau khi ứng cử viên kịch liệt phản đối TPP là ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ./.