Chỉ vài giờ trước khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với phía Palestine cũng đều phải dựa trên khả năng tự vệ của Israel đề phòng trường hợp các giao kèo này đổ vỡ.
Trước đó, hai bộ trưởng trong nội các Israel cho biết ông Netanyahu sẵn sàng rút một phần lực lượng khỏi khu Bờ Tây nếu các yêu cầu về an ninh của Tel Aviv được đáp ứng. Mặc dù một số đồng minh chính trị của ông Netanyahu nói rằng ông hoàn toàn nghiêm túc (theo đuổi tiến trình hòa bình), song phía Palestine vẫn tỏ ra khá hoài nghi.
Ngoại trưởng Kerry đã quay trở lại Jerusalem vào tối 27/6 trong khuôn khổ chuyến công du lần thứ 5 tới khu vực này nhằm thuyết phục cả Israel và Palestine nối lại các cuộc đàm phán bị đổ vỡ cách đây 3 năm. Chuyến thăm lần này của ông Kerry sẽ cho thấy hướng tiến triển của tình hình khu vực.
Trước khi ông Kerry bắt đầu chuyến thăm, các tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu mang một sắc thái khác, chủ yếu tập trung vào vấn đề cốt lõi của các cuộc đàm phán trong tương lai thay vì các thách thức mà các bên sẽ phải giải quyết để thực sự khởi động tiến trình đàm phán hòa bình. Trong các tuyên bố gần đây, ông Netanyahu liên tục nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đạt đươc một thỏa thuận hòa bình và nói rằng điều quan trọng là đảm bảo sự tồn tại lâu dài của Israel.
Ông Netanyahu phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 109 năm ngày mất của Theodor Herzl - "cha đẻ" của chủ nghĩa phục hưng Do Thái Zion: "An ninh chính là nền tảng để xây dựng hòa bình. Hòa bình không dựa trên ý chí hay pháp luật như một số người vẫn nghĩ. Trước hết, hòa bình dựa vào khả năng phòng vệ của chính chúng ta. Nếu không có an ninh, không có lực lượng quân đội mà Herzl đã kêu gọi thành lập, chúng ta sẽ không đủ khả năng bảo vệ hòa bình, chúng ta sẽ không thể tự bảo vệ mình một khi hòa bình bị hủy hoại. Điều kiện cơ bản để xây dựng hòa bình, để đạt được các thành tựu và bảo vệ nền hòa bình ấy chính là an ninh".
Trước chuyến thăm của ông Kerry, Bộ trưởng Khoa học và Kỹ Thuật Israel Yaakov Peri nói rằng ông Netanyahu đã nhận thức được các thỏa hiệp mà ông có thể sẽ phải đối mặt trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Ông Peri, một thành viên của đảng ôn hòa Yesh Atid, nói: "Thủ tướng Netanyahu biết rõ rằng sẽ có một số khu định cư nhỏ lẻ bị phá dỡ và một số vùng đất trở thành 'vật trao đổi' . Rõ ràng, ông Netanyahu và nhiều bộ trưởng thuộc đảng cầm quyền Likud hiểu, hoặc đều cho rằng việc quay trở lại bàn đàm phán sẽ góp phần mang lại lợi ích chiến lược cho Israel".
Ông Peri cũng cho rằng bất chấp ngày càng có nhiều thành viên thuộc Likud và các nhân vật kỳ cựu của liên minh lên tiếng phản đối giải pháp hai nhà nước, song "một làn gió mới" đang xuất hiện. Ông khẳng định: "So với trước đây, Thủ tướng Netanyahu đã sẵn sàng hơn để ngay lập tức quay trở lại bàn đàm phán, bất kể là vì các lý do thuộc hệ tư tưởng hay thực tế".
Tuy nhiên, Palestine hiện vẫn hoài nghi sâu sắc về triển vọng thành công, nhất là khi Thủ tướng Netanyahu từ chối tiết lộ chi tiết về quan điểm liên quan tới các thỏa thuận hòa bình cuối cùng, cũng như những chính sách và quan điểm cứng rắn trong quá khứ của ông. Họ chỉ ra thực tế rằng đã có hàng trăm ngôi nhà được xây dựng tại vùng chiếm đóng trong năm nay, và hàng nghìn ngôi nhà khác sắp được khởi công - trong đó bao gồm cả 69 căn nhà vừa được cấp phép xây dựng tại khu vực Đông Jerusalem hồi tuần này.
Ngày 27/6, Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat nói: "Israel có một vở kịch để diễn trước mặt các quan chức Mỹ, và một phần vở kịch này là xây dựng thêm nhiều khu định cư nữa. Cộng đồng quốc tế cần nhận thức được điều này để từ đó tạo ra một môi trường công bằng và hợp lý cho các cuộc đàm phán, đồng thời răn đe Israel về các hành động vi phạm và tội ác mà họ liên tục tiến hành".
Trong khi đó, Tổng thống Shimon Peres nói rằng Israel không nên bỏ lỡ cơ hội tái khởi động các cuộc đàm phán với Palestine về giải pháp hai nhà nước. Ông nói: "Đây là cơ hội bắt đầu lại tiến trình hòa bình và nó không nên bị bỏ lỡ. Chúng tôi rất hoan nghênh chuyến thăm của Ngoại trưởng Kerry".
Thống đốc Ngân hành Israel Stanley Fischer cũng bày tỏ quan điểm trong một bình luận hiếm hoi về tiến trình ngoại giao. Phát biểu trên đài phát thanh quân sự, ông nói: "Tôi cho rằng chúng ta nên nỗ lực hơn nữa để đạt tới thỏa thuận với người Palestine. Đó là các đối tác, chúng ta cần giúp họ củng cố thực lực và xây dựng một quốc gia mà họ mong muốn".
Trong cuộc thảo luận có phiên dịch viên với Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erakat, Phó Chủ tịch Nghị viện Israel Hilik Bar kêu gọi Palestine nắm lấy cơ hội bởi "đa số thành viên Nghị viện Israel đều nhất trí rằng cơ hội này sẽ không đến lần thứ hai. Đây là thời điểm quan trọng để tiến hành cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Netanyahu và Abbas".
Đầu tháng 6, tại Diễn đàn Toàn cầu do Ủy ban Do Thái của Mỹ tiến hành tại Washington, Ngoại trưởng Kerry đã nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để thực sự đảm bảo an ninh cho Israel chính là chấm dứt xung đột và thông qua đàm phán để tiến tới giải pháp hai nhà nước.
Ông nói: "Chính quyền Palestine đã cam kết theo đuổi một chính sách phi bạo lực. Tuy nhiên, nếu điều này thất bại, người ta sẽ đặt câu hỏi: Cái gì sẽ thay thế cho chính sách ấy?". Sự sụp đổ của giới lãnh đạo ôn hòa Palestine có thể sẽ làm hồi sinh những điều mà người ta luôn muốn tránh xa như chủ nghĩa cực đoan tại Bờ Tây, tương tự những gì đã diễn ra tại Dải Gaza hay Nam Lebanon. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Ngoại trưởng Kerry có thể thành công hay không, và mục đích thực sự, nếu có, của ông Netanyahu vẫn là một dấu hỏi lớn.
Dore Gold, từng là cố vấn và một người thân cận với ông Netanyahu, nói rằng nhà lãnh đạo Israel này "quyết tâm thúc đẩy tiến trình hòa bình" và thể hiện "một Israel rất linh hoạt". Ông cho rằng hiện Thủ tướng Netanyahu "nhận thức rõ thực tế là Israel đang phải đối mặt với một tình hình rất nguy hiểm từ các khu vực láng giềng", như cuộc nội chiến Syria và việc phong trào Hamas giành quyền kiểm soát Dải Gaza. Ông Gold nhấn mạnh rằng điều này cần tới các đảm bảo an ninh vững chắc./.