Lãnh đạo Vinatex: Sẽ thực hiện IPO vào cuối năm

Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, hiện đã hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp gửi kiểm toán phê duyệt. Dự kiến cuối năm nay, Vinatex sẽ tiến hành cổ phần hóa (IPO) công ty mẹ là Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhằm tạo ra sự bứt phá hơn nữa trong tăng trưởng.

Ông Trần Quang Nghị-Tổng giám đốc Vinatex khẳng định với xã hội hóa nguồn vốn để phát triển, Vinatex sẽ chủ động phát triển thị trường và làm chủ công nghệ, tính toán bước đi phù hợp cho phát triển từng lĩnh vực may, dệt, sợi, phụ liệu…, xây dựng chuỗi sản phẩm để tăng giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận và kim ngạch xuất khẩu, doanh thu nội địa.
Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may 6 tháng đầu năm nay đã mang về gần 9 tỷ USD, tăng 16,8% so với cũng kỳ năm 2012, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, hiện đã hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp gửi kiểm toán phê duyệt.

Dự kiến cuối năm nay, Vinatex sẽ tiến hành cổ phần hóa (IPO) công ty mẹ là Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhằm tạo ra sự bứt phá hơn nữa trong tăng trưởng.

Ông Trần Quang Nghị-Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Vietnam+ xung quanh các vấn đề cụ thể về tiến trình cổ phần hóa này.

  - Thưa ông, tiến trình cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn dệt may Việt Nam đã được chuẩn bị ra sao để đảm bảo cho sự thành công?

Ông Trần Quang Nghị: Trước hết, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận thức rằng cổ phần hóa thành công không có nghĩa là đưa được cổ phần cho nhà đầu tư và ra công chúng, mà thành công là phải đạt được các mục tiêu sau đây:

Thứ nhất là cải thiện nhanh và vững chắc chỉ số hiệu quả của tập đoàn thời gian vừa qua, mà đặc biệt là 3 năm gần đây khi được Bộ Công Thương và Chính phủ đồng ý với đơn xin cổ phần hóa công ty mẹ của lãnh đạo tập đoàn.

Chúng tôi nhận rõ áp lực mới cho chuẩn bị cổ phần hóa và điều hành sau cổ phần hóa là khác với yêu cầu bảo toàn và phát huy vốn chung chung không có chỉ tiêu cụ thể. Hiện nay yêu cầu bảo toàn vốn phải là trên mức lạm phát, và lợi nhuận để chia cổ tức phải cao hơn lãi suất ngân hàng thì các cổ đông mới chấp nhận.

Tiếp theo, việc cổ phần hóa cần giữ vững và phát huy được vai trò chủ đạo trong phát triển ngành. Có thể nói sau những thăng trầm của nhiều ngành vừa qua, xã hội bắt đầu nhìn nhận lại đóng góp của ngành dệt may đối với nền kinh tế và an sinh xã hội.

Là ngành xuất khẩu chủ lực, dù tỷ lệ nội địa hóa mới đạt 50-52% tùy khu vực, nhưng lại mang nhiều ngoại tệ về cho đất nước, giải quyết việc làm ổn định và thu nhập ngày càng tăng cho người lao động, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế các địa phương, nhất là các địa phương nghèo vùng sâu, vùng xa, góp phần giúp con em nông dân “ly nông, bất ly hương”, giảm áp lực dân số cho các thành thị…

Một ngành khá quan trọng như thế rất cần vai trò chủ đạo của một tập đoàn dù đã cổ phần hóa, ví dụ như phát triển tăng nội địa hóa bằng đầu tư nguyên liệu thay thế nhập khẩu mà khu vực FDI và tư nhân không làm được, hoặc không muốn làm vì nhu cầu vốn lớn và rủi ro cao.

Tập đoàn cũng đóng vai trò chủ đạo trong việc nâng mặt bằng lương công nhân, vì nếu không có tập đoàn tiên phong nâng lương cho công nhân trong nhiều năm qua và trong tương lai thì khả năng công nhân của ngành dệt may Việt Nam tiếp tục bị bóc lột và hạn chế trong điều kiện môi trường làm việc là rất lớn.

Có thể thấy rằng, việc cải thiện nhanh, bền vững hình ảnh dệt may Việt Nam, thương hiệu dệt may Việt Nam là cơ sở hỗ trợ cho các doanh nghiệp đàm phán giá, phát triển các phương thức sản xuất kinh doanh theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng) nhằm tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm Dệt May Việt Nam, làm trung tâm cân đối hài hòa các lợi ích Nhà nước, cổ đông và người lao động.

  - Việc cổ phần hóa tập đoàn hoàn tất trong năm 2013 sẽ tạo nên thay đổi quan trọng nào trong tiến trình phát triển của Tập đoàn nói riêng và ngành dệt may nói chung?

Ông Trần Quang Nghị: Nếu nói theo khuôn mẫu là cổ phần hóa tập đoàn sẽ tạo nên các bước phát triển thần kỳ hay tạo điều kiện tốt hơn cho phát triển của tập đoàn đóng góp vào phát triển ngành dệt may nói chung thì cũng không đúng lắm, vì Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong những năm gần đây tuy chưa cổ phần hóa công ty mẹ nhưng chúng tôi lãnh đạo điều hành rất nghiêm túc và quyết liệt theo các yêu cầu như tôi đã nói ở trên.

Thể hiện rõ nhất là con số cán bộ mà chúng tôi thay đổi, điều chuyển trong hai năm gần đây bằng hoặc hơn 10 năm trước cộng lại, bởi chúng tôi xây dựng bộ tiêu chí cho các cán bộ  đại diện vốn rất rõ ràng, các cán bộ  đại diện vốn là lãnh đạo điều hành các doanh nghiệp kể cả lãnh đạo Tập đoàn đều phải ký cam kết với Hội đồng thành viên khi nhận nhiệm vụ.

Nói như vậy không có nghĩa chúng tôi đã khai thác hết khả năng, đến khi cổ phần hóa công ty mẹ, tập đoàn chúng tôi có thêm một số điều kiện bổ sung để phát triển nhanh, mạnh, bền vững hơn.

Cụ thể, khi cổ phần hóa xong chúng tôi có điều kiện phát triển nguồn nhân lực quản trị trung cao cấp đến từ các đối tác cổ đông chiến lược và cổ đông ngoài, bởi xu thế khi đầu tư vốn họ luôn muốn theo dõi, tham gia, hỗ trợ quản trị doanh nghiệp đã đầu tư. Đây là một nhân tố rất quan trọng để chúng tôi có thêm kinh nghiệm quản trị và đẩy mạnh đầu tư vì đầu tư là phải tính đến nhân sự quản trị đầu tiên.

Hơn nữa, khi xã hội hóa nguồn vốn để phát triển, chúng tôi sẽ chủ động phát triển thị trường và làm chủ công nghệ, tính toán bước đi phù hợp cho phát triển từng lĩnh vực may, dệt, sợi, phụ liệu…, xây dựng chuỗi sản phẩm để tăng giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận và kim ngạch xuất khẩu, doanh thu nội địa.

Đặc biệt, việc cải thiện động lực cho cán bộ công nhân viên, khi họ cũng là những cổ đông trong doanh nghiệp, có điều kiện cải thiện sâu hơn chính sách đối với cán bộ, nhân tài cá nhân có đóng góp nhiều, tốt cho doanh nghiệp, có điều kiện để thuê nhân sự quản trị cao cấp và chuyên gia kỹ thuật nước ngoài… kể cả nhân sự tham gia điều hành tập đoàn.

Cuối cùng là cơ chế quản trị, hoạt động sau cổ phần hóa với sự giám sát chặt chẽ của các cổ đông, có sự tham gia trí lực nhiều hơn, hiệu quả hơn của đội ngũ cán bộ công nhân viên gắn bó với doanh nghiệp do có lợi ích lâu dài khi là cổ đông.

Cộng với sự nâng cấp trưởng thành hơn, trách nhiệm hơn của cán bộ cũ và mới của tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên liên kết sẽ là sức mạnh mới cho sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững, đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam.

  - Những mục tiêu mà ngành dệt may Việt Nam đặt ra trong thời gian tới sau cổ phần hóa như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Quang Nghị: Để cổ phần hóa thành công theo các mục tiêu, yêu cầu trong những năm gần đây, tập đoàn nỗ lực chuẩn bị mọi mặt như cải thiện quản trị doanh nghiệp cả công ty mẹ và các công ty con thành viên; liên kết, tăng cường liên kết nội bộ và khai thác nâng cấp các nguồn lực đặc biệt và nguồn lực này khác với các tập đoàn, tổng công ty khác.

Chúng tôi xác định tài sản lớn nhất của dệt may là đội ngũ người lao động nên việc đào tạo tay nghề trong những năm gần đây được quan tâm đặc biệt. Bên cạnh nhân lực thì việc thu xếp thị trường, vốn, công nghệ, xây dựng thương hiệu cũng đều được chuẩn bị và hoạt động liên tục.

Đến nay, có thể nói chúng tôi đã yên tâm khi xây dựng phương án sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa dù không thể có siêu lợi nhuận nhưng cũng là một địa chỉ đầu tư hợp lý an toàn, bền vững cho các cổ đông.

Dù cho năm 2013 còn tiềm ẩn nhiều khó khăn và thách thức lớn, nhưng ngành dệt may Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục đạt những kết quả tốt về xuất khẩu. Với vai trò là đơn vị hạt nhân nòng cốt định hướng phát triển, tạo ra những sản phẩm cốt lõi.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã và đang nỗ lực tích lũy đủ khả năng để chào đón những cơ hội, đặc biệt là nguồn lực đầu tư từ bên ngoài trong tiến trình cổ phần hóa và biến đó thành thời cơ để tăng tốc, thúc đẩy toàn ngành đạt mục tiêu xuất khẩu từ 19,5 đến 20 tỷ USD năm 2013 và tiến tới đạt 25 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2015.

Một giải pháp vô cùng quan trọng khi hoạt động theo mô hình cổ phần hóa, đó là trách nhiệm và năng lực lãnh đạo điều hành của ban lãnh đạo tập đoàn và bên dưới là ban lãnh đạo các doanh nghiệp thành viên. Nếu nhân tố này tốt và quyết tâm, quyết liệt thì doanh nghiệp có thể vượt khó và đi đến thành công trong thực hiện mục tiêu trước mắt và lâu dài.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục