Tốc độ đô thị hóa nhanh tại Việt Nam kéo theo những mặt trái của nền kinh trế thị trường, tác động tiêu cực tới trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo. Một trong những tác động tiêu cực đó là ngày càng có nhiều trẻ em làm thuê giúp việc gia đình. Điều này đặt ra những thách thức đối với xã hội trong việc bảo vệ những trẻ em này khỏi bị ngược đãi, bóc lột... [ILO thúc đẩy loại trừ mọi hình thức lao động trẻ em]1,3 triệu trẻ em làm thuê Hiện nay, Việt Nam chưa có thống kê chính thức về số trẻ em làm thuê giúp việc gia đình, song Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy 7,1% lao động làm thuê giúp việc gia đình ở Việt Nam dưới 18 tuổi. Đặc biệt, một nghiên cứu về giúp việc gia đình do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tiến hành năm 2011 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra rằng hơn 17,3% lao động làm thuê giúp việc gia đình cho biết họ bắt đầu làm công việc này từ khi dưới 18 tuổi. Nhân ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12/6) năm nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và ILO đã ra lời kêu gọi sự chú ý đặc biệt tới vấn đề lao động trẻ em làm thuê giúp việc gia đình. Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, ước tính có khoảng 1,3 triệu trẻ em làm thuê giúp việc gia đình và con số này đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân là do tỷ lệ hộ nghèo khá cao, trẻ em trong gia đình nghèo có xu hướng bỏ học sớm trong khi các em có rất ít sự lựa chọn nghề nghiệp vì chưa được chuẩn bị về kỹ năng, học vấn. Mặt khác, xu hướng đô thị hóa khiến nhu cầu chăm sóc người già, nhu cầu chăm sóc trẻ nhỏ, giúp việc gia đình ngày càng tăng. Bộ Luật Lao động cho phép trẻ em đủ 15 tuổi trở lên có thể làm thuê giúp việc gia đình nếu các công việc đó nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi, thời gian làm việc không vượt quá quy định của pháp luật, không ảnh hưởng đến việc học tập, môi trường làm việc và điều kiện lao động không ảnh hưởng đến phát triển nhân cách và sức khỏe của các em. Tuy nhiên, trẻ em làm thuê giúp việc trong gia đình cũng đang tạo ra những quan ngại. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: “Trẻ em làm thuê giúp việc gia đình thường làm trong môi trường khép kín, thời gian lao động thường kéo dài cho đến khi hết việc mới được nghỉ. Các em ít có cơ hội tiếp cận với môi trường bên ngoài nên hàng xóm, cộng đồng, ít có sự giám sát và hỗ trợ các em khi các em cần. Vì vậy, đây là mô hình lao động đang rất được quan tâm.” Theo Giám đốc ILO tại Việt Nam Gyorgy Sziraczki: “Vì bản chất công việc này thường diễn ra trong một không gian người ngoài không nhìn được, nên trẻ em làm thuê giúp việc gia đình có nguy cơ cao trở thành nạn nhân bị phân biệt đối xử, bóc lột và lạm dụng.” Xóa bỏ lao động trẻ em Xác định nguyên nhân gốc rễ của lao động trẻ em là sự nghèo đói, đẩy trẻ em vào con đường mưu sinh sớm tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Chính phủ đã triển khai chương trình xóa đói giảm nghèo trong nhiều năm và có những chính sách hỗ trợ sinh kế để các hộ nghèo có thể phát triển kinh tế, có thêm thu nhập. Đối với trẻ em nghèo, Chính phủ đã ban hành những chính sách miễn giảm học phí, cung cấp dụng cụ học tập, sách giáo khoa để trẻ em nghèo yên tâm đến trường. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân trẻ em lao động sớm là do nhận thức của gia đình, của cộng đồng, nhận thức của người sử dụng lao động. Cha mẹ mong muốn con cái có thể đi làm sớm tự lập, giảm bớt miệng ăn trong gia đình, có thêm thu nhập cho gia đình. Chủ sử dụng thì muốn thuê lao động trẻ em vì lương phải trả thấp.
Trẻ em cần được trang bị kiến thức, kỹ năng sống trước tuổi trưởng thành (Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)
“Như vậy, trẻ em trong các gia đình nghèo sẽ luôn nằm trong vòng luẩn quẩn của nghèo đói. Khi đi làm quá sớm, không được chuẩn bị nền kiến thức cơ bản, không có tay nghề, ít kỹ năng sống, kinh nghiệm xã hội các em sẽ không lựa chọn được những công việc tốt, có tương lai,” Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói. Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, Chính phủ đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng chương trình quốc gia về xóa bỏ lao động trẻ em. Bên cạnh xóa đói giảm nghèo, việc hỗ trợ trẻ em nghèo đến trường sẽ có thêm các giải pháp như: Hướng trẻ em đang làm việc quay trở lại học nghề để chọn những công việc có môi trường làm việc an toàn hơn, đảm bảo trẻ em được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, học vấn trước tuổi trưởng thành và trước khi bước vào thị trường lao động… Bên cạnh đó, ILO cũng phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổng cục thống kê tiến hành cuộc điều tra quốc gia về lao động trẻ em. Trong cuộc điều tra sẽ đưa ra một định nghĩa thế nào là lao động trẻ em, thế nào là trẻ em làm việc và hình dung bức tranh lao động trẻ em toàn quốc như thế nào, nguyên nhân đằng sau khiến các em phải đi làm sớm, có những cách nào khắc phục nguyên nhân đó để trẻ em bớt đi làm sớm hơn, tham gia học tập, học nghề. Đặc biệt, việc ghi nhận giúp việc gia đình là một nghề cũng là cơ hội để xây dựng các quy định đối với trẻ em làm công việc này trong bộ Luật lao động. "Sự thay đổi của Bộ Luật lao động ghi nhận giúp việc gia đình là một công việc, đây là cơ hội để hành động, đã đến lúc phải xác định những yếu tố nặng nhọc độc hại, nguy hiểm trong công việc giúp việc gia đình và cấm trẻ em dưới 18 tuổi làm những công việc này,” ông Gyorgy Sziraczki nói./.
Hồng Kiều (Vietnam+)