Lao động Việt Nam ở Malaysia sắp được nhận lương

69 lao động Việt Nam đã từng làm việc với công ty Asmana sẽ nhận được tiền lương cơ bản tháng Hai và tiền làm thêm giờ tháng Một.
Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, tất cả 69 lao động Việt Nam đã từng làm việc với công ty Asmana sẽ nhận được tiền lương cơ bản tháng Hai và tiền làm thêm giờ tháng Một.

Trong buổi làm việc sáng 28/3 tại Penang giữa Ban Quản lý Lao động và Chuyên gia thuộc Đại Sứ quán Việt Nam tại Malaysia và Sở Lao động bang Penang (LDP), Giám đốc LDP Hoe Lean Fatt cho biết công ty Asmana và thầu chính Faber đã thống nhất việc thanh toán tiền lương và tiền làm thêm giờ còn thiếu của người lao động (cả Việt Nam và Nepal).

Theo đó, công ty Faber sẽ đảm nhận việc chi trả khoản tiền lương này. Trước mắt, khoản tiền này sẽ được trao cho hơn 40 lao động, trong đó có 17 người Việt Nam hiện đang có mặt tại Penang (10 người đang ở tại ký túc xá của Asmana và 7 người tạm thời đang ra ngoài ở).

Dự kiến, việc thanh toán số tiền trên sẽ diễn ra trong tuần này, dưới sự chứng kiến của Cục Lao động Malaysia, Sở Lao động Penang cùng đại diện Đại sứ quán Việt Nam.

Riêng với số lao động đang ở trong các Trung tâm bảo vệ nhân chứng (Việt Nam có 49 lao động nữ ở thủ đô Kuala Lumpur và ba lao động nam ở Malacca), công ty Faber sẽ nộp khoản tiền trên vào tài khoản của Cục Lao động thuộc Bộ Nguồn Nhân lực Malaysia, sau khi được Cục Nhập cư (thuộc Bộ Nội vụ) đồng ý, số tiền này sẽ được chuyển lại người lao động.

Theo Ban Quản lý Lao động và Chuyên gia thuộc Đại Sứ quán Việt Nam tại Malaysia, khoản tiền trên chưa phải là tất cả quyền lợi của người lao động được hưởng vì còn một số khoản trừ bất hợp lý mà công ty Asmana ép người lao động đóng góp, như phí làm thẻ cư trú đặc biệt, phí mua bảo hiểm sức khỏe hoặc khoản trừ tiền nợ nhưng không thuộc Asmana.

Ngoài ra, còn một số chi phí phát sinh mà người lao động có thể được hưởng như tiền đền bù hoặc hỗ trợ trong thời gian người lao động không được bố trí việc làm kể từ giữa tháng Hai và chi phí mua vé máy bay cho số lao động về nước.

Công ty Asmana đã cam kết tính toán lại chi tiết các khoản khấu trừ bất hợp lý để hoàn lại người lao động. Tiền vé máy bay và mọi chi phí liên quan để đưa lao động về nước sẽ được Faber chi trả.

Công ty này cho biết hiện toàn bộ số 17 lao động Việt Nam đang ở ngoài trung tâm bảo vệ nhân chứng đang được làm thẻ cư trú đặc biệt, sau khi có được giấy tờ này, 17 lao động có thể về nước nhanh chóng hoặc dễ dàng để làm thủ tục chuyển chủ (sang công ty mới là NS MEDIK).

Trong buổi làm việc chiều cùng ngày với đại diện Ban Quản lý Lao động và Chuyên gia thuộc Đại Sứ quán Việt Nam tại Malaysia, Cơ quan Nhập cư Penang khẳng định hồ sơ vụ việc đã được chuyển tới cơ quan Tư pháp giải quyết.

Nếu vụ việc không thuộc lĩnh vực hình sự (liên quan đến buôn người) mà chỉ thuộc về quan hệ lao động-tuyển dụng, các thủ tục xử lý sẽ diễn ra nhanh chóng.

Cơ quan này cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt nhằm đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của người lao động Việt Nam./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục