Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 4 giờ ngày 29/8, vị trí tâm bão số 4 ở khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 480km, cách đất liền các tỉnh Nghệ An-Quảng Bình khoảng 680km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.
Dự báo, trưa 30/8, bão sẽ đi vào các tỉnh từ Nghệ An-Quảng Bình.
Do đây là cơn bão nguy hiểm nên ngay chiều 29/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thành lập hai đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo việc ứng phó với bão số 4 tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình.
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 4 diễn ra vào sáng 29/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đề nghị Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thường xuyên theo dõi, thông tin kịp thời, chính xác diễn biến của bão, cảnh báo mưa lớn, nước biển dâng (bao gồm cả khu vực biển Tây) để thông tin kịp thời đến người dân để người dân chủ động phòng tránh, nhất là khách du lịch trong dịp 2/9.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tiếp tục nắm bắt thông tin cụ thể, hướng dẫn để đảm bảo an toàn tàu thuyền, lồng bè, hồ chứa, các công trình đang thi công… kịp thời tham mưu cho việc chỉ đạo ứng phó.
Các lực lượng chức năng, các địa phương có trách nhiệm sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
[Trưa 30/8, bão số 4 đi vào đất liền từ Thanh Hóa đến Quảng Bình]
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý Bộ đội Biên phòng cần phối hợp với lực lượng kiểm ngư và gia đình các chủ tàu tiếp tục thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền, trong đó đặc biệt chú ý 358 tàu/2.360 lao động đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm; các tàu và ngư dân chưa liên lạc được tại tỉnh Quảng Trị.
Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, lồng bè ven biển để hướng dẫn di chuyển, tránh trú an toàn; kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè, chòi canh; đồng thời, triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc.
Đối với khu vực miền núi, trung du, lực lượng chức năng cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khơi thông các điểm bị tắc nghẽn dòng chảy; tuần tra, canh gác các khu vực ngầm tràn, sạt lở.
Lực lượng chức năng có trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa nhất là hồ, đập xung yếu, đang thi công và thủy điện nhỏ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khôi phục sự cố, đảm bảo giao thông, hệ thống lưới điện.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 29/8, Bộ đội Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.361 phương tiện/315.815 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 4, trong đó khu vực nguy hiểm 358 tàu/2.360 lao động.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão đã có công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó với bão, tổ chức các đoàn công tác tới các khu vực trọng điểm, đồng thời, trực ban, theo dõi diễn biến mưa lũ sau bão và triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời./.