Lấy lại diện mạo Kinh thành Huế: Cần mô hình quản lý mặt bằng khoa học

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, mô hình quản lý tương lai đối với hệ thống Kinh thành Huế phải có sự tham gia của người dân địa phương, xây dựng những thiết chế công cộng.
Lấy lại diện mạo Kinh thành Huế: Cần mô hình quản lý mặt bằng khoa học ảnh 1Nhiều nhà dân ở khu vực Eo Bầu, phường Đông Ba vẫn chưa chịu di dời, bàn giao mặt bằng di tích cho Nhà nước. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Kinh thành Huế là thành lũy có quy mô đồ sộ, kiên cố nhất trong lịch sử xây dựng các thành lũy dưới thời phong kiến ở Việt Nam và còn tồn tại tương đối nguyên vẹn đến ngày nay. Đây là một di sản vô giá không chỉ của Việt Nam mà còn của cả nhân loại.

Vì vậy, việc tiếp cận xây dựng mô hình quản lý, phát huy giá trị của Kinh thành Huế sau khi đã dồn rất nhiều nguồn lực để lấy lại mặt bằng rộng lớn trải dài qua nhiều phường nội thành của thành phố Huế là điều không dễ dàng.

Một pháo đài độc đáo

Kinh thành Huế được xây dựng trong vòng 27 năm, bắt đầu khởi công vào năm Gia Long thứ 4 (1805) và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng.

Kinh thành Huế là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật xây dựng thành lũy phương Tây theo kiểu Vauban và nghệ thuật kiến trúc phương Đông, qua đó tạo thành một pháo đài phòng thủ vững chắc ở tuyến phòng thủ trung tâm của triều đình nhà Nguyễn.

Kinh thành Huế có chu vi gần 11km, tường thành cao 6,6m và dày 21m, được xây dựng bằng đất ở giữa, hai bên ốp gạch, xây kè theo kiểu giật cấp tạo ra sự chắc chắn, kiên cố, đủ khả năng để chống chịu với các cuộc tấn công bằng đại bác của kẻ địch.

Kinh thành có 13 cửa, gồm 11 cửa đường bộ, hai cửa đường thủy thông Kinh Thành với bên ngoài qua sông Ngự Hà là Đông Thành Thủy Quan và Tây Thành Thủy Quan. Cửa thành được xây dựng bằng vật liệu đá, gạch vồ và vôi mật, với chiều cao của mỗi cửa khoảng trên 17m. Bao quanh tường thành là các hào nước sâu giúp nâng cao khả năng phòng thủ.

[Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế]

Được xây dựng theo kiến trúc Vauban, do vậy vòng thành được xây dựng lồi lõm, dích dắc với những pháo đài nhô ra, còn được ví như pháo đài ngôi sao với nhiều góc nhìn hướng ra bên ngoài tạo thuận lợi cho khả năng quan sát phòng thủ.

Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, mỗi một mặt thành có 6 pháo đài, tổng cộng Kinh thành Huế có 24 pháo đài. Trên các pháo đài đều có vị trí pháo nhãn, nơi dùng để đặt một khẩu đại bác, với tổng cộng 404 pháo nhãn đồng thời tại mỗi pháo đài đều có xưởng pháo - nơi chứa thuốc đạn sẵn sàng phục vụ chiến đấu.

Đặc biệt, Kinh thành Huế còn có một thành phụ nằm trong hệ thống được xây dựng vào năm vua Gia Long thứ 4 (1805) với tên gọi ban đầu là Thái Bình Đài. Đến năm vua Minh Mạng thứ 17 (1836), công trình này được tu bổ, đổi tên thành Trấn Bình Đài (thường gọi đồn Mang cá nhỏ).

Trấn Bình Đài cũng được xây dựng theo kiểu Vauban và có vị trí trọng yếu giúp triều đình kiểm soát thương cảng Bao Vinh, bảo vệ phía Đông Bắc của Kinh Thành, đồng thời kiểm soát tuyến đường thủy từ cửa biển Thuận An lên Kinh đô Huế.

Lấy lại diện mạo Kinh thành Huế: Cần mô hình quản lý mặt bằng khoa học ảnh 2Bãi rác thải xây dựng ở khu vực Eo Bầu trên đường Tôn Thất Thiệp. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Mặt chính của Kinh thành Huế có điểm nhấn là công trình Kỳ Đài. Ngoài chức năng chính là cột cờ trung tâm của kinh đô, Kỳ Đài còn là một đài quan sát về hướng cửa biển Thuận An và được bố trí một trận địa pháo gồm 23 khẩu đại bác nhằm thể hiện uy lực trấn áp, sức mạnh của triều đình nhà Nguyễn.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết Kinh thành Huế mặc dù xây dựng theo kiến trúc Vauban của phương Tây nhưng yếu tố phương Đông vẫn rất rõ nét và chủ đạo.

Xuất phát từ hệ tư tưởng của Nho giáo, việc quy hoạch xây dựng Kinh thành Huế dựa trên yếu tố Kinh dịch, thuyết phong thủy của phương Đông. Toàn bộ Kinh thành quay mặt về hướng Nam với quan niệm “Thánh nhân nam diện, nhi thính thiên hạ” (tạm dịch: Bậc Thánh nhân luôn quay mặt về phương Nam để cai trị thiên hạ một cách sáng suốt). Quay mặt về hướng Nam, Kinh thành Huế lấy núi Ngự Bình làm “tiền án," lấy sông Hương chảy qua trước mặt làm “minh đường."

Trên sông Hương có cồn Hến bên trái và cồn Giã Viên bên phải tạo thành thế “Tả thanh long, hữu bạch hổ” để bảo vệ kinh thành, xua đuổi các thế lực vô hình. Sự kết hợp tổng hòa của các yếu tố trên đã tạo cho Kinh thành Huế trở thành một pháo đài độc đáo, không chỉ mang ý nghĩa về mặt quân sự mà còn về mặt kiến trúc, văn hóa.

Tìm mô hình quản lý phù hợp

Việc triển khai di dời người dân ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu thời gian qua đã làm phát lộ nhiều công trình trong hệ thống Kinh thành Huế. Cụ thể, năm 2020 phát lộ hai cổng thành dạng vòm ở bên trái và bên phải Đông Thành Thủy Quan - nơi đặt đại pháo. Nhiều pháo xưởng, bia đá cổ gắn ở khu vực pháo nhãn cũng đã xuất lộ, tạo thành những mảnh ghép sinh động giúp cho công tác nghiên cứu, phục hồi tôn tạo hiện nay.

Sau khi giải tỏa hết nhà cửa của người dân, khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, trấn Bình Đài, hộ Thành hào, tuyến Phòng lộ của Kinh thành Huế có quy mô rộng hàng trăm hécta. Điều này cũng đặt ra vấn đề cần phải có một mô hình quản lý, khai thác phù hợp. Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện chưa có đề án cụ thể cho vấn đề này, mới đang ở giai đoạn phác thảo ý tưởng.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung, việc quản lý, khai thác hiệu quả mặt bằng di tích này là của cả hệ thống chính trị và người dân, không phải nhiệm vụ riêng của Trung tâm. Bởi lẽ Kinh thành Huế nằm trải dài trên nhiều phường của thành phố Huế, liên quan đến công tác quản lý về mặt hành chính, an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.

“Mô hình quản lý tương lai đối với hệ thống Kinh thành Huế phải có sự tham gia của người dân địa phương, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cũng làm như vậy. Có thể hình thành những công viên để người dân địa phương, các đơn vị tổ chức đóng góp cây xanh theo quy hoạch, cùng nhau trồng, bảo vệ chăm sóc, gìn giữ không gian di sản, qua đó phục vụ trở lại cho cộng đồng," ông Hoàng Việt Trung chia sẻ.

Cũng theo ông Trung, thành phố Huế phải quy hoạch, xây dựng những thiết chế công cộng như bãi để xe, bố trí hợp lý một số điểm có các quầy dịch vụ bán hoa tươi, đồ lưu niệm gắn với di sản, văn hóa Huế ở đẳng cấp cao để phục vụ du khách. Nếu chỉ dừng ở việc khai thác theo hướng thương mại, dịch vụ thông thường sẽ làm mất đi ý nghĩa và nguồn lực to lớn đầu tư triển khai dự án nhằm lấy lại diện mạo của Kinh thành Huế.

Ông Hoàng Việt Trung cho biết thêm đơn vị đã đầu tư hệ thống đèn để thắp sáng khu vực Kỳ Đài và tổ chức bắn lửa súng thần công tại đây phục vụ du khách vào dịp cuối tuần.

Lấy lại diện mạo Kinh thành Huế: Cần mô hình quản lý mặt bằng khoa học ảnh 3Ngổn ngang, nhếch nhác khu vực tường thành trên đường Xuân 68. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Đồng thời, Trung tâm cũng phục dựng lại lễ đổi gác ở Ngọ Môn. Đây sẽ là những kinh nghiệm quý, để tới đây ở một số đoạn Thượng Thành, Eo Bầu có thể phục dựng, biểu diễn một số hoạt cảnh lịch sử phục vụ du khách như tái hiện lại cảnh quân lính tập hợp triển khai lực lượng vận chuyển đạn dược, súng thần công lên bờ thành chiến đấu khi có kẻ địch. Những hoạt cảnh như vậy sẽ thổi hồi vào di sản, tạo sức hấp dẫn, giúp cho du khách dễ dàng hiểu về lịch sử một cách cụ thể, sinh động.

Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết muốn không gian Kinh thành Huế sống động, cần có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu của du khách. Điều này cần sự chung tay của các doanh nghiệp du lịch trong việc đưa ra ý tưởng, xây dựng nội dung tham quan tour.

“Khu vực Thượng Thành có thể làm những lối đi bộ để tổ chức các giải chạy marathon; mở cửa lối lên một số cổng thành để đón du khách tham quan, chụp ảnh trên vọng lâu. Trên Kỳ Đài có thể tổ chức trưng bày mô mình các loại vũ khí và súng thần công triều Nguyễn. Ngoài ra, một số đoạn trên khu vực Thượng Thành nằm ở đường Lương Ngọc Quyến, Tôn Thất Thiệp, người dân từ lâu đã canh tác trồng các loại rau xanh và rau thơm, có thể nghiên cứu một hướng quản lý giao cho cộng đồng đi kèm với những quy định xây dựng không gian xanh, sạch đẹp, qua đó hình thành một tour du lịch trải nghiệm...," ông Phúc nêu ý tưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục