Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn - Tín ngưỡng nguyên thủy huyền bí

Những chàng trai Pà Thẻn nhảy múa bằng chân trần trên đống than hồng, ánh lửa phủ kín thân thể họ trong những điệu vũ huyền bí, điều kỳ lạ khó giải thích là không ai bị bỏng hay tổn thương do lửa.
Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn - Tín ngưỡng nguyên thủy huyền bí ảnh 1Lễ Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn đã trở thành một nét đẹp sinh hoạt văn hóa, tâm linh thể hiện sức mạnh phi thường của con người. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)

Trên đống than hồng tỏa sức nóng rừng rực, những thanh niên Pà Thẻn say sưa nhảy múa, đôi chân trần của họ đạp trên than cháy đỏ trong những điệu vũ huyền bí. Đôi tay các chàng thanh niên còn tung than đỏ lên cơ thể tựa như "tắm lửa," có người thậm chí còn cho than lửa vào miệng nhai.

Điều kỳ lạ không thể giải thích là tất cả những người đang tắm trong biển lửa ấy đều hoàn toàn không có biểu hiện đau đớn, quần áo và làn da của họ cũng không hề có dấu hiệu tác động của nhiệt độ. Đó là những hình ảnh gây kinh ngạc về Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn ở Tuyên Quang.

Theo phong tục truyền thống của người Pà Thẻn, việc nhảy lửa nhằm truyền dạy cho con cháu đời sau cách để xua đi nỗi sợ hãi, yếu đuối, kết hợp với các bài cúng, bài chú xin sức mạnh từ thần linh, giúp cho những người Pà Thẻn thêm can đảm, mạnh mẽ.

Dân tộc Pà Thẻn (còn có tên gọi là Pà Hưng) là dân tộc có tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Mông-Dao, đây là dân tộc có số dân ít.

Ở Tuyên Quang, bà con cư trú chủ yếu tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình và xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, (Tuyên Quang) với khoảng 700 nhân khẩu.

Lễ hội Nhảy lửa (Pò dính) là lễ hội có những bản sắc văn hóa hết sức độc đáo, mang ý nghĩa thiêng liêng và huyền bí của người Pà Thẻn.

Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn thường diễn ra vào những lúc nông nhàn, khi mọi công việc đồng áng đã xong, bắt đầu từ 16/10 âm lịch năm trước đến 15/1 âm lịch năm sau.

Trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn luôn có quan niệm xung quanh họ có các vị thần che chở, đùm bọc, giúp đỡ họ vượt qua nguy hiểm, hoạn nạn để tồn tại và mưu sinh.

Đối với người Pà Thẻn, vị thần tối cao nhất là thần lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ, vì vậy khi Lễ hội Nhảy lửa diễn ra thì tất cả mọi người trong làng đều có mặt để hò reo cổ vũ. 

[Video] Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn ở Hà Giang

Nhảy lửa là nghi lễ để đón thần thánh xuống trần gian cùng vui với dân làng, có ý nghĩa tượng trưng cho việc các vị thần xuống trần gian tắm nước và phù hộ cho dân làng thêm sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Để chuẩn bị cho Lễ Nhảy lửa, ngay từ buổi chiều hôm đó, các thanh niên Pà Thẻn đã gánh củi về, đốt ở ngoài sân. Điều kiện để có thể chủ trì lễ nhảy lửa là thầy cúng phải cao tay, biết cúng và biết dùng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc để mời thần thánh xuống trần gian và hóa thân vào những người có khả năng nhảy lửa. 

Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn - Tín ngưỡng nguyên thủy huyền bí ảnh 2Hình ảnh đặc sắc trong lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn ở huyện Lâm Bình. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)

Lễ hội Nhảy lửa chính thức được bắt đầu vào khoảng 8 giờ tối. Mở đầu, thầy cúng bày lễ vật lên mâm cúng, thắp nến, và hương, đọc bài cúng đầu tiên nói lên lý do tổ chức Lễ hội Nhảy lửa bằng tiếng Pà Thẻn.

Sau đó, thầy cúng sai các thanh niên nhóm lửa vào đống củi, rồi cầm bát nước thơm vẩy vào bốn góc của đống lửa và vẩy lên các học trò.

Tiếp đó, thầy quay về đàn cúng, tay gõ đàn Pàn dơ và lắc Pà sán tầu liên tục, miệng đọc các bài cúng để mời các vị thần về nhập vào các chàng thanh niên Pà Thẻn. 

Ngồi bên đống lửa lúc này có khoảng từ 8-10 chàng trai khỏe mạnh trong bản. Sau vài phút thầy cúng mời các thần, cơ thể của các chàng trai bắt đầu rung lên, ánh mắt khác lạ, đầu lắc qua, lắc lại...

Người Pà Thẻn tin rằng đây là lúc các vị thần ở trên trời đã xuống và nhập vào các chàng trai. Rồi từng người một lao vào nhảy múa giữa đống lửa đang đỏ hồng với bàn chân trần.

Trong tiếng hò reo của mọi người, những chàng trai Pà Thẻn vẫy vùng trong ánh lửa hồng rực, than hồng cháy rực phủ kín thân thể họ.

Khi một người nhảy xong lao từ trong đống than hồng ra, lại có một người khác vào tiếp nối, cũng có khi hai, ba người cùng vào nhảy lửa một lúc.

Họ dùng cả tay và chân trần để phá đống than đỏ rực cho tới khi tàn lửa. Khi nhảy lửa, đôi mắt họ nhắm nghiền, dường như có một thế lực siêu nhiên nào đó dẫn dắt khiến họ hoàn toàn không cảm thấy sức nóng của lửa, làn da không bị bỏng, cơ thể không đau đớn.

Lễ Nhảy lửa diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ. Lửa tàn thì nhóm lại, rồi nhảy tiếp cho đến khi đống than tàn hẳn mới thôi.

Khi lửa tàn hẳn, thầy cúng đọc bài cúng tiễn các thần về trời, lúc này các chàng trai mới dần trở lại trạng thái bình thường. Điều huyền bí là không một người nào bị lửa làm tổn thương.

Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn - Tín ngưỡng nguyên thủy huyền bí ảnh 3Bàn tay, bàn chân của một chàng trai sau khi nhảy lửa, hoàn toàn không có dấu vết bị bỏng hay tổn thương. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Tuyên Quang)

Những chàng trai sau khi nhảy lửa, bàn tay, bàn chân và gương mặt của họ chỉ bám đầy than đen, hoàn toàn không một chút dầu vết bị cháy bỏng hay xước xát gì.

Lễ hội kết thúc, thầy cúng đọc bài cúng cảm ơn các vị thần đã xuống góp vui cùng dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia.

Mang màu sắc tâm linh và huyền bí, Lễ hội Nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là minh chứng cho sức mạnh, cho quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên để sinh tồn và phát triển của con người.

Đây không chỉ là ngày vui của người Pà Thẻn, không chỉ có ý nghĩa gắn kết cộng đồng mà còn bảo lưu được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác.

Nghi lễ Nhảy lửa hiện nay đã trở thành một lễ hội lớn của Tuyên Quang, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh về tham dự.

Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn có lịch sử lâu đời, được truyền lại qua nhiều thế hệ; thể hiện những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng nguyên thủy sơ khai, niềm tin vào thế giới thần linh và những thế lực siêu nhiên.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa lễ hội này vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia từ năm 2012 nhằm bảo tồn và phát huy một lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa và thu hút được đông đảo cộng đồng tham gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục