Lễ tế cầu quốc thái, dân an, mùa màng tươi tốt trên đỉnh núi Ngũ Nhạc

Lễ tế trời đất cầu cho quốc thái dân an trên đỉnh núi Ngũ Nhạc được phục hồi từ năm 2006 sau nhiều năm bị mai một, đã đáp ứng nguyện vọng tín ngưỡng tâm linh của nhân dân và du khách thập phương.
Lễ tế cầu quốc thái, dân an, mùa màng tươi tốt trên đỉnh núi Ngũ Nhạc ảnh 1 Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Hải Dương Vũ Văn Sơn phát ngũ cốc cho các đại biểu và nhân dân. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Sáng 4/3, Ban Tổ chức Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2018 đã tổ chức Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc thuộc Khu Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc, cầu cho quốc thái, dân an, nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt.

Núi Ngũ Nhạc thuộc xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương); bắt nguồn từ dãy Yên Tử thuộc cánh cung Đông Triều, trải dài từ Bắc xuống Nam với chiều dài hơn 4km, gồm năm đỉnh. Tương truyền, đây là vùng đất phúc mà thần tiên ngự trị, thưởng ngoạn phong cảnh trần gian.

Ngũ Nhạc gồm năm ngọn núi thiêng, tượng trưng cho năm phương (tứ phương và trung phương), mỗi phương ứng với một hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Trên các đỉnh núi này, người xưa xây các miếu thờ thần ngũ phương. Ngũ Nhạc gồm năm miếu: Bắc Nhạc miếu, Trung Nhạc miếu, Đông Nhạc miếu, Tây Nhạc miếu và Nam Nhạc miếu.

Lễ tế trời đất cầu cho quốc thái dân an trên đỉnh núi Ngũ Nhạc được phục hồi từ năm 2006 sau nhiều năm bị mai một, đã đáp ứng nguyện vọng tín ngưỡng tâm linh của nhân dân và du khách thập phương. Ngày 17 tháng Giêng hàng năm, lễ tế được long trọng tổ chức, là một điểm nhấn hoạt động tâm linh quan trọng nhất trong Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc.

[Khai hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc 2018 và công bố bảo vật quốc gia]

Tại Trung Nhạc miếu, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương cùng các chư tôn thiền đức đã thực hiện các nghi thức và chủ trì việc hành lễ tế trời đất cầu cho quốc thái, dân an, nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt.

Sau khi tiến hành các nghi lễ, lãnh đạo tỉnh Hải Dương trao tặng ngũ cốc cho đại diện các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh và du khách thập phương về dự lễ. Ngũ cốc gồm năm loại hạt giống ngô, lúa, đỗ, lạc, vừng, với ý nghĩa những loại ngũ cốc này hấp thụ tinh hoa của trời đất và khí thiêng sông núi, phát để mọi người mang về gieo trồng, nhân giống.

Trước khi tiến hành các nghi thức ở Trung Nhạc miếu, các đại biểu đã dâng hương tại Miếu sơn thần và dâng hương cúng ngũ phương tại Bắc Nhạc miếu; sau đó lần lượt dâng hương tại Tây Nhạc miếu, Đông Nhạc miếu và Nam Nhạc miếu, dâng hương tưởng niệm tại đền thờ Trần Nguyên Đán và Nguyễn Trãi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục