Lễ tưởng niệm Tổng Thư ký Hội hữu nghị Anh-Việt Len Aldis tại Hà Nội

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Hội hữu nghị Việt-Anh tổ chức Lễ tưởng niệm Tổng Thư ký Hội hữu nghị Anh-Việt Len Aldis.
Lễ tưởng niệm Tổng Thư ký Hội hữu nghị Anh-Việt Len Aldis tại Hà Nội ảnh 1Len Aldis, Thư ký Hội hữu nghị Anh-Việt Nam. (Nguồn: EastLondonNews)

Ngày 3/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Hội hữu nghị Việt-Anh tổ chức Lễ tưởng niệm Tổng Thư ký Hội hữu nghị Anh-Việt Len Aldis.

Tham dự Lễ tưởng niệm có bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam; ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Anh; đại diện Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội...

Tại Lễ tưởng niệm, bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trình bày tóm tắt tiểu sử của ông Len Aldis.

Ông Len Aldis tên đầy đủ là David Leonard Aldis, sinh ngày 3/10/1930 trong một gia đình có 10 anh chị em thuộc tầng lớp công nhân ở phía đông Thủ đô London, Vương quốc Anh.

Trong thời gian làm nghĩa vụ quân sự trong Quân đội Hoàng gia Anh những năm 1948-1949 (khi Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp), ông đã từng tham gia các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Đông Dương.

Trong thời kỳ kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, cùng với hàng triệu người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, ông đã nhiều lần xuống đường biểu tình, phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa này.

Nhấn mạnh những đóng góp của ông Len Aldis đối với Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hoàng Vân cho biết: Ông Len Aldis lần đầu đến Việt Nam vào năm 1989. Ông vô cùng xót xa khi tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của những nạn nhân Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam. Trở về nước, ông đã viết nhiều bài báo kể lại những gì đã chứng kiến. Kể từ đó, gần như năm nào ông cũng đến Việt Nam. Ông đã đứng ra thành lập Hội hữu nghị Anh-Việt vào năm 1992.

Hội đã tổ chức nhiều hoạt động gây quỹ ủng hộ cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ông Len Aldis và Hội hữu nghị Anh-Việt đã quyên góp, gây quỹ ủng hộ khoảng 50.000 bảng Anh ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Các dự án do Hội thực hiện đã góp phần hỗ trợ đời sống của các nạn nhân da cam tại Làng Hòa Bình (Hà Nội), Bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh) và nhiều địa phương trên cả nước như: Quảng Trị, Thanh Hóa, Hà Tây, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh.

Bên cạnh đó, ông Len Aldis cũng tích cực thực hiện các hoạt động giúp đỡ Việt Nam trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và giáo dục, đào tạo. Ông còn hỗ trợ Tổ chức Phát triển giáo dục miền núi (HEDO) mời các tình nguyện viên người Anh sang Việt Nam dạy tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ông Len Aldis cũng đã vận động, quyên góp để thực hiện một số dự án tại Việt Nam như xây dựng lại Khu di tích Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại thị trấn Cam Lộ (Quảng Trị); xây dựng cửa hàng đoàn kết hữu nghị Anh-Việt tại thị trấn Khe Sanh (Quảng Trị); Dự án Rừng hữu nghị Anh-Việt tại Thanh Hóa; cấp học bổng cho học sinh tại các tỉnh Hà Tây, Nam Định, Quảng Trị; làm đầu mối thực hiện các dự án của tổ chức Viện trợ khoa học y tế cho Việt Nam, Lào, Campuchia; thành lập các trung tâm cung cấp chân, tay giả cho thương binh và nạn nhân chiến tranh tại Hải Phòng, Nam Định và Hà Tĩnh.

Bên cạnh các dự án từ thiện, ông Len Aldis còn là một nhà vận động hàng đầu tại Anh trong việc ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam và lên án các công ty hóa chất của Mỹ đã sản xuất chất diệt cỏ chứa chất độc da cam (dioxin) sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Ông và Hội hữu nghị Anh-Việt đã kêu gọi và vận động các Nghị sĩ của Anh và Liên minh châu Âu đề nghị Liên hợp quốc lấy ngày 10 / 8 hàng năm là “Ngày Quốc tế vì các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam”. N hiều bạn bè quốc tế đã ủng hộ sáng kiến này.

Với hơn 30 lần đến Việt Nam, ông Len Aldis đã đi qua khoảng 40 tỉnh, thành phố, thực hiện các dự án nhân đạo và hoạt động hỗ trợ các nạn nhân da cam, trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa và những người có hoàn cảnh bất hạnh.

Ông đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và nhiều địa phương, tổ chức trao tặng các Huân, huy chương cao quý, ghi nhận những đóng góp quý báu của cá nhân ông và Hội hữu nghị Anh-Việt cho nhân dân, đất nước Việt Nam .

Lần cuối cùng ông Len Aldis đến Việt Nam vào tháng 4/2015, nhân dịp Việt Nam kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 27/11/2015, ông Len Aldis đã qua đời tại nhà riêng ở Thủ đô Luân Đôn, Vương quốc Anh. Cả cuộc đời mình, ông đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho những hoạt động đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam, đặc biệt là ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam.

Bày tỏ niềm tiếc thương và luôn ghi nhớ, biết ơn những tình cảm, hành động tốt đẹp mà ông Len Aldis đã dành cho nhân dân Việt Nam, đóng góp cho tình hữu nghị Anh-Việt , các đại biểu tham dự Lễ tưởng niệm đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ Tổng Thư ký Hội hữu nghị Anh-Việt Len Aldis - người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục